Thoả thuận 50 tỷ USD của Vietjet với các tập đoàn Mỹ và kế hoạch mua 200 tàu bay 737Max thực hiện đến đâu?
Từ 8/1 tới 11/1, lãnh đạo Vietjet đã có chuyến làm việc tại Mỹ. Chủ tịch Vietjet bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng đoàn công tác đã gặp và trao đổi với Tổng thống Donald Trump cùng nhiều đối tác chiến lược như tỷ phú Elon Musk, thúc đẩy các thoả thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD.
Chia sẻ trên báo Chính Phủ, bà Thảo cho biết: “Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường quốc tế của Vietjet, khẳng định năng lực khai thác hàng không của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo cơ hội cho các hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia”.
Từ 2017, Vietjet đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với những tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell, với tổng giá trị thương mại lên đến gần 50 tỷ USD. Ngoài ra, theo Vietjet, các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD cũng đang được thảo luận. Những thỏa thuận này trực tiếp tạo ra gần 500.000 việc làm tại Mỹ.
Trong thời gian qua, Vietjet đã tích cực thực hiện các thoả thuận kể trên.
Chẳng hạn, tháng 9/2024, Vietjet đã ký với Honeywell - tập đoàn kỹ thuật hàng không vũ trụ, bản thoả thuận 1,1 tỷ USD để cung cấp các thiết bị thiết bị điện tử và dịch vụ kỹ thuật hàng không cho đội máy bay. Vietjet cũng sẽ áp dụng các dịch vụ giám sát giảm thiểu phát thải và tiết kiệm nhiên liệu của Honeywell cho toàn bộ đội máy bay.
Tháng 10 cùng năm, Vietjet khẳng định cam kết các đơn đặt hàng cung cấp hơn 400 động cơ LEAP-1B cùng các dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật cho các máy bay thân hẹp với tập đoàn CFM International, tổng giá trị 8 tỷ USD.
Cũng về động cơ, tháng 2/2024, tại triển lãm Hàng không quốc tế Singapore Airshow 2024, Vietjet ký với Pratt & Whitney, chọn động cơ GTF để trang bị cho 19 máy bay Airbus A321neo. Đồng thời, Pratt & Whitney cung cấp dịch vụ bảo trì động cơ cho Vietjet thông qua EngineWise.
Hãng không công bố giá trị thoả thuận này, nhưng một thoả thuận tương tự được ký từ 2017 cho 10 máy bay của Vietjet trị giá 600 triệu USD.
Trong số này, thoả thuận lớn nhất phải kể đến là thương vụ Vietjet nói mua 200 tàu bay Boeing 737Max nhằm mở rộng đội bay. Theo cập nhật mới nhất, dự kiến trong năm nay, 14 chiếc 737Max đầu tiên trong số đó sẽ được giao cho Vietjet.
Ngoài các thỏa thuận về hàng không, Vietjet còn đang đàm phán hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Amazon Web Service, Apple, Google, cũng như với SpaceX để triển khai các giải pháp công nghệ internet vệ tinh trên các chuyến bay, đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, bigdata vào các hoạt động của hãng.
Đây không phải là lần đầu Vietjet thuê, mua hàng từ Mỹ. Rất nhiều thoả thuận như vậy được hãng bay Việt công bố trong nhiều năm. Và việc thực hiện thoả thuận là một chặng đường rất dài.
Tuy nhiên, chuyến đi của bà Thảo mang một ý nghĩa lớn hơn, với những kỳ vọng sẽ mở màn cho một loạt các thương vụ không chỉ giữa Vietjet mà còn là các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác tại Mỹ.
Theo công bố của doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2024, Vietjet ghi nhận 52.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 1.405 tỷ đồng, tăng 564% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 94.000 tỷ đồng, chỉ số nợ vay /vốn chủ sở hữu 2,25 lần và chỉ số thanh khoản 1,4 lần - mức an toàn trong ngành hàng không. Số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền đạt gần 3.997 tỷ đồng.
Hiện đội tàu bay của Vietjet có 85 chiếc. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân 87%.
Trong 9 tháng, Vietjet đã vận chuyển hơn 19,6 triệu khách trên 104.000 chuyến bay, lần lượt tăng hơn 6% và 2% so với cùng kỳ năm 2023.