|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đâu là cách để ngành mía đường Philippines vẫn ổn định sau 4 năm hội nhập ATIGA?

15:55 | 16/10/2019
Chia sẻ
Các biện pháp bảo vệ của Philippines đã chứng tỏ hiệu quả sau khi đã hội nhập ATIGA 4 năm nhưng ngành đường và nông dân trồng mía vẫn "sống tốt".

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết mặc dù đã hội nhập ATIGA từ năm 2015, nhưng Philippines hoàn toàn kiểm soát thị trường đường.

Theo báo cáo của tổ chức đường thế giới ISO4, giá đường của Philippines những năm gần đây luôn ổn định và duy trì mức giá hợp lí nhằm bảo đảm thu nhập cho người sản xuất đường và công bằng cho người tiêu thụ. 

đường1

Tương quan giữa giá đường của Philippines so với Việt Nam qua các năm. Nguồn: VSSA.

Theo VSSA qui mô và trình độ sản xuất của ngành mía đường Việt Nam và Philippines là tương đương nhau, tầm quan trọng của ngành mía đường Việt Nam không hề kém Philippines trong nền kinh tế của mỗi nước, đặc biệt xét về an sinh xã hội ngành mía đường Việt Nam còn có vai trò lớn hơn nhiều lần so với Philippines.

Cụ thể, qui mô ngành mía đường Philippines hơi nhỉnh hơn Việt Nam, mức diện tích 410.000 ha so với 300.000 ha nhưng năng suất ngành đường Philippines tương đương và hơi thấp hơn Việt Nam với mức 5 tấn đường/ha so với Việt Nam là 5,3 tấn đường/ha.

Trong lĩnh vực chế biến đường, Philippines cũng có nhiều nhà máy công suất nhỏ phù hợp với các vùng nguyên liệu. Về trình độ sản xuất, các chỉ tiêu về thu hồi và chất lượng cũng tương đương Việt Nam và có phần thấp hơn.

Tuy nhiên về an sinh xã hội ngành đường Philippines chỉ ảnh hưởng đến 80.000 nông hộ, trong khi Việt Nam ảnh hưởng đến 400.000 nông hộ, tức gấp 5 lần Philippines.

Như vậy, hầu như trong điều kiện tương đồng về điều kiện canh tác, thời tiết và chế biến nhưng theo sơ liệu thống kê của tổ chức đường thế giới ISO4 giá đường của Philippines đang cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân theo VSSA là mặc dù Philippines vẫn nhập khẩu đường giá rẻ nhưng không để loại đường này ảnh hưởng đến giá đường trong nước và từ đó ảnh hưởng đến giá mua mía cho nông dân.

Bởi Philippines chỉ nhập khẩu đường khi sản xuất trong nước thiếu hụt và giúp giá đường trong nước không bị tăng quá cao do khan hiếm.

Nhờ đó Philippines đã duy trì được giá mía ở mức hợp lí và ổn định, tốt hơn rất nhiều so với nông dân Việt Nam, bảo đảm được thu nhập cho người trồng mía.

Điều này được thể hiện qua diện tích mía sau khi hội nhập ATIGA luôn ổn định ở mức trên dưới 410.000 ha, không nhà máy nào phải đóng cửa kể cả nhà máy nhỏ công suất 500 tấn mía/ngày và 5 nhà máy công suất nhỏ hơn 3.000 tấn mía/ngày.

Đồng thời, trong hiệp định ATIGA, Philippines đăng kí mặt hàng đường là loại sản phẩm nhạy cảm và duy trì mức thuế 5% cho mặt hàng đường tinh luyện cùng các biện pháp phi thuế quan, biện pháp hành chính và các hàng rào kĩ thuật. 

Điều phối các thị trường tiêu thụ và lượng đường nhập khẩu chỉ có thể nhập vào tương đương với lượng đường thiếu hụt. 


Như Huỳnh