|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn bủa vây, ngành mía đường kiến nghị hoãn thực hiện cam kết ATIGA

14:58 | 21/08/2019
Chia sẻ
Buôn lậu, gian lận thương mại trắng trợn và sức ép từ cam kết ATIGA khiến ngành mía đường Việt Nam phải "cầu cứu" Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về việc xin chỉ đạo định hướng giá thu mua mía cho niên vụ sản xuất 2019 - 2020, trong đó đề xuất tạm hoãn thực thi cam kết ATIGA để có đủ thời gian đánh giá chính xác, toàn diện và chuẩn bị hội nhập.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), ngành hàng này đang chuẩn bị vào vụ ép mía 2019 - 2020. 

Dự kiến vào trung tuần tháng 9/2019 một số nhà máy thuộc đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào vụ ép. Tuy nhiên, vụ ép năm nay đang gặp phải những trở ngại chưa từng có trong lịch sử của ngành. 

Cụ thể, tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn và kéo dài của hệ thống buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại đường lậu, cộng với lượng đường thô nhập khẩu theo loại hình "sản xuất xuất khẩu" đang bùng nổ, hệ quả là tồn kho đường tại các nhà máy vẫn còn nhiều trong khi giá đường trên thị trường rất thấp không thể bán được. 

Thêm vào đó, ngày 20/2 vừa qua Bộ Công thương đã có Văn bản số 1034/BCTXNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa. 

"Điều này có nghĩa là sau ngày 1/1/2020 lượng đường không hạn chế với mức giá dự kiến 8.000 – 9.000 đồng/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. 

Hệ quả là các doanh nghiệp đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản là điều không thể tránh khỏi", Hiệp hội mía đường Việt Nam dự báo tại văn bản.

Do đó, tại văn bản khẩn này, Hiệp hội mía đường Việt Nam đề xuất với Bộ NN&PTNT hoãn thực hiện tự do hoá ngành đường theo qui định tại Điều 23 ATIGA, để có thời gian đánh giá đầy đủ, toàn diện.

Đồng thời xây dựng phương hướng đàm phán phù hợp, bảo đảm hài hoà lợi ích của quốc gia, ngành kinh tế và mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước đó, ngày 24/5/2019 Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có công văn số 68/CVHHMĐ gửi Thủ Tướng Chính Phủ về khó khăn đặc biệt nghiêm trọng của ngành mía đường Việt Nam, trong đó đã có đề xuất tạm hoãn thực thi cam kết ATIGA và đàm phán lại một số vấn đề kĩ thuật, bảo đảm khả năng giám sát nhập khẩu, khắc phục tình trạng nhập lậu và gian lận thương mại.

Tuy nhiên, đến nay, Hiệp hội mía đường Việt Nam vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể từ Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Như Huỳnh