|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường Thái tràn lan, Hiệp hội mía đường xin chỉ đạo khẩn về giá thu mua niên vụ 2019-2020

17:09 | 23/08/2019
Chia sẻ
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng đường Thái Lan đang được trợ cấp, trợ giá bất bình đẳng "chiếm lấy" kế sinh nhai, công ăn việc làm và thu nhập của người nông dân và lao động trồng mía Việt Nam.

Trong văn bản khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về việc xin chỉ đạo định hướng giá thu mua mía cho niên vụ sản xuất 2019 - 2020, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết vấn đề giá thu mua mía đang hết sức khó khăn.

Cụ thể, tại thị trường Việt Nam, mức giá tối thiểu mà người nông dân có thể chấp nhận để bảo đảm thu nhập, an tâm sản xuất và nhà máy có nguyên liệu để duy trì hoạt động sẽ phải nằm trong mức 800.000 – 850.000 đồng/tấn mía tại ruộng vì giá vốn bình quân là 800.000 đồng/tấn mía.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của bộ Nông Nghiệp Mỹ, giá thành sản xuất mía vụ 2018 - 2019 của nông dân Thái Lan là 1.131 Bath/tấn, tương đương 835.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên các nhà máy chế biến đường Thái Lan chỉ thu mua và chi trả cho giá thu mua mía vụ 2018/2019 là 700 Bath/tấn, tương đương 515.000 đồng/tấn.

Đáng chú ý, hệ thống gian lận đường quốc tế của Thái Lan vẫn trợ giá hơn 1,3 tỉ USD/năm, tức hơn 30.000 tỉ đồng/năm để bảo đảm chi trả đủ chi phí và mức thu nhập cho nông dân trồng mía, mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng bất chấp qui luật cung cầu, bất chấp giá đường xuất khẩu có thấp đến mức nào.

Do đó, VSSA cho rằng: "Cơ chế trợ giá linh hoạt, tinh vi và qui mô lớn của Thái Lan luôn tạo ưu thế tuyệt đối của nước này trên thị trường quốc tế và ngành mía đường Việt Nam chắc chắn sẽ là nạn nhân tiếp theo của cơ chế trợ cấp bất bình đẳng này".

9

Giá thu mua mía đang hết sức khó khăn. Ảnh: VnEconomy.

Nghị định thư 'khống chế' đường nhập khẩu Thái Lan không áp dụng cho Việt Nam

Theo VSSA, hai quốc gia trồng mía khác trong ASEAN 6 là Philippines và Indonesia đã thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015 nhưng họ không từ bỏ các biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích cho người nông dân trồng mía để bảo đảm thu nhập.

Báo cáo của tổ chức đường quốc tế ISO cho biết, tỉ lệ giá mía/đường của Indonesia là 66% và của Philippines là 70% và giá đường bình quân trong 6 năm gần đây của Indonesia là 691 USD, Philippines là 947 USD.

Như vậy giá mía bình quân 6 năm gần đây của Indonesia là 1,055 triệu đồng/tấn và Philippines là 1,528 triệu đồng/tấn.

Tuy giá vốn sản xuất mía cao kéo theo đường trong nước ở hai quốc gia này rất cao nhưng đường Thái Lan chỉ được nhập khẩu thông qua hệ thống cấp phép từng chuyến.

Bên cạnh đó, Nghị định thư về "xem xét đặc biệt đối với mặt hàng đường năm 2010" bảo đảm cho Philippines và Indonesia theo dõi và khống chế đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay cả khi hai nước này đã tham gia ATIGA.

"Rất tiếc, Nghị định thư đã không áp dụng cho Việt Nam khi tham gia ATIGA đã gây ra sự phân biệt đối xử, bất lợi và bất bình đẳng đối với Việt Nam", Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận định.

Thực tế, ngành mía đường Việt Nam vẫn có thông lệ theo khuyến cáo của Bộ Nông Nghiệp từ nhiều năm là xây dựng giá sàn thu mua mía bảo đảm tối thiểu một tấn mía 10 CCS tại ruộng bằng giá 60 kg đường kính trắng loại 1 trước thuế tại kho nhà máy.

Nếu vào tháng 1/2020 giá đường thị trường sẽ theo giá ATIGA là 8.000 – 9.000 đồng/kg, với thông lệ tính toán nêu trên ngành đường chỉ có khả năng đưa ra giá sàn mua mía tại ruộng là 480.000 - 540.000 đồng/tấn.

Nhưng theo VSSA đây là mức giá "thảm họa", không một nông dân trồng mía nào của Việt Nam có thể chấp nhận và sống được.

Bởi để sản xuất ra giá đường 8.000 – 9.000 đồng/kg thì nhà máy đường Việt Nam và Thái Lan đều phải mua nguyên liệu mía với giá khoảng 500.000 – 550.000 đồng/tấn thấp hơn nhiều so với giá thành khoảng trên 800.000 đồng/tấn của nông dân làm ra.

"Sự khác biệt ở đây là Chính Phủ Thái Lan trợ cấp lớn cho nông dân Thái Lan yên tâm trồng, mở rộng sản xuất và xâm chiếm thị trường thế giới trong đó có Việt Nam", Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay tại văn bản.

Cần sớm chỉ đạo định hướng mới

Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực và bảo đảm sự công bằng cho người nông dân trồng mía chứ không thể để ngành mía đường Thái Lan được trợ cấp, trợ giá bất bình đẳng "chiếm lấy" kế sinh nhai, công ăn việc làm và thu nhập của người nông dân và lao động trồng mía Việt Nam.

Đặc biệt, trước cuối tháng 8/2019, ngành đường cần nhận được sự chỉ đạo của Bộ Trưởng về định hướng giá thu mua mía cho vụ 2019-2020 tới để trấn an các nhà máy và hàng triệu nông dân lao động yên tâm vào vụ sản xuất trong tháng 9/2019.

Đồng thời xem xét các giải pháp hỗ trợ về giá thu mua mía cho người trồng mía trong trường hợp giá đường xuống quá thấp, vượt quá khả năng tự cân đối của các doanh nghiệp mía đường.

Như Huỳnh