|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam: Sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 có thể giảm 15%

10:23 | 16/10/2019
Chia sẻ
Do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng giá cà phê, một số hộ chuyển sang trồng các loại cây khác. Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên vừa trải qua đợt lũ lụt, gây ngập úng nhiều diện tích trông cây cà phê.

Sản lượng có thể giảm do người dân chuyển sang trồng một số loại cây khác

Trao đổi với người viết bên lề sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc: Hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao cho biết do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng giá thời gia qua, nhiều hộ dân chuyển từ cây cà phê sang trồng các loại cây khác. 

Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên vừa trải qua đợt lũ lụt, gây ngập úng nhiều diện tích trông cây cà phê.

Do đó, trong niên vụ 2019 - 2020, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê giảm khoảng 15% so với niên vụ 2018 - 2019.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam

ảnh_Viber_2019-10-15_17-40-00

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam. Ảnh: ĐQ

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tính (ICO), sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018 - 2019 ước giảm 1,3% so với niên vụ trước đó xuống còn 30 triệu bao (1 bao tương đương 60kg).

Như vậy, theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam kèm dữ liệu của ICO, sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 đạt khoảng 25,5 triệu bao. 

"Các nghiên cứu gần đây cho thấy người uống tăng tuổi thọ. Nhưng với giá cà phê thấp và xuống dưới giá thành như hiện nay, người trồng giảm tuổi thọ", ông Tự nói.

Tính đến ngày 15/10, giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 31.600 - 32.400 đồng/kg, trong đó cao nhất tại Đắk Lắk và thấp nhất tại Lâm Đồng. 

Nhìn ở khía cạnh tích cực hơn, ông Tự cho rằng việc sản lượng cà phê giảm cũng góp phần hỗ trợ giá cà phê khi áp lực dư cung giảm sút.

Tuy nhiên, ông Tự cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo giá cà phê trong niên 2019 - 2020 do giá cà phê Việt Nam neo theo giá cà phê trên thời giới.  Trong khi đó, có nhiều dự báo đưa ra tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục chững lại. Điều này ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ cà phê, gây áp lực lên giá. 

Không chỉ Việt Nam, một số nước cũng đang lo ngại sản lượng cà phê trong năm 2019 có thể giảm do chịu tác động bởi thời tiết xấu. 

Theo The Indian Express, Những người trồng cà phê ở bang Karnataka (Ấn Độ) đang gặp khó khăn do bệnh thối đen ở cà phê ảnh hưởng đến vụ mùa, sau khi những cơn mưa lớn trút xuống khu vực này vào đầu tháng 10. Sản lượng cà phê của bang này chiếm 70% tổng sản lượng của toàn Ấn Độ. 

Khu vực các quận Kodagu, Chikkamagaluru và Hassan có sản lượng cà phê và nông sản rất thấp sau những trận mưa lớn.

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, những người trồng cà phê, đặc biệt là những người sản xuất qui mô nhỏ, lo lắng về sự gia tăng của bệnh nấm và rụng quả ảnh hưởng đến cây trồng.

Ước tính, trận mưa năm ngoái đã gây thiệt hại cho 60% số lượng cây cà phê và hồ tiêu ở các huyện này.

Tại Nepal, theo tờ myRepública, Mặc dù nhu cầu tiêu thụ cà phê cao ở cả thị trường trong và ngoài nước cao, sản xuất cà phê của nước này đang có xu hướng giảm. Sự suy giảm phần lớn là do di dân và thiếu môi trường hỗ trợ ở các vùng sâu vùng xa.

Trong bối cảnh khó khăn và niên vụ mới cũng đã bắt đầu như hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam khuyến nghị nông dân không nên kí hợp đồng tương lai mà thay vào đó nên kí hợp đồng giao ngay nên tránh rủi ro không có hàng hàng để giao.

Trước đó, Bloomberg đưa tin một số doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong việc thu mua cà phê do nông dân găm hàng kể từ khi giá cà phê gần chạm đáy 9 năm.

Tuy nhiên, ông Tự cho biết lượng hàng do nông dân nắm giữ hiện nay đã cạn kiện do họ phải bán để xoay vốn và trả nợ ngân hàng.

Tăng cường chế biến sâu

Theo ông Tự, thời gian qua, việc tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến sâu đã góp phần giúp ngành cà phê Việt Nam ổn định hơn trong "cơn bão" giá. 

Mặc dù trong năm 2018, lượng cà phê chế biến bao gồm hoà tan và chế biến chỉ chiếm trên 7% nhưng giá trị đem về rất cao. 

Hiện nay, Việt Nam đã chủ động được công nghệ rang xay, phân loại, đánh bóng… Thậm chí các cửa hàng cà phê nhỏ cũng có thể tự mua máy rang xay sản xuất trong nước với công suất 5 - 15 kg/mẻ với giá hấp dẫn.

"Trong tương lai, việc đầu tư công nghệ chế biến sẽ giúp nâng tỉ trọng cà phê chế biến lên 25% trong tổng sản lượng cà phê của cả nước. Trong 10 - 15 năm nữa, giá trị thị trường cà phê Việt Nam được nâng từ 3,5 tỉ USD lên 6 tỉ USD", đại diện Hiệp hội Cà phê - Cacao dự báo.

Theo số liệu của Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết hiện nay trên cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với công suất thực tế đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm, tương đương 83,6% công suất thiết kế.

Đối với chế biến sâu, Việt Nam có 160 cơ sở rang xay với tổng công suất thiết kế hơn 51.600 tấn/năm; 19 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan các loại với tổng công suất khoảng hơn 170.000 tấn/năm.

Theo ông Tự, cà phê đang chiếm 1/4 thị phần đồ uống trên thế giới với mức tăng trưởng 2%/năm. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng lên tới 25%/năm.

Bên cạnh đó, ở thị trường nội địa có khoảng 26.000 cửa hàng cà phê. Nếu tính các chuỗi cửa hàng ăn có bán kết hợp cả cà phê, con số này lên tới 500.000. Do đó, dư địa phát triển của ngành vẫn còn nhiều. 

Đức Quỳnh