Cà phê Cầu Đất tìm đầu ra
Cây cho trái nhưng… lỗ
Bà Tần Thị Thanh Cúc ở xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, bà trồng gần 1ha cà phê giống Catimo và là nguồn thu nhập chính cho gia đình bà trong nhiều năm. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2017 đến nay, giá cà phê liên tiếp sụt giảm nên việc đầu tư không còn lợi nhuận.
Do giá xuống thấp nên nhiều hộ dân ở vùng cà phê Cầu Đất – Đà Lạt chỉ chăm sóc cây một cách cầm chừng.
“Mùa vụ năm ngoái, người ta chỉ mua với giá 6.000 đồng/kg trái tươi nên tiền thu về không đủ cho khoản chi phí phân bón và công hái. Năm nay, đầu vụ thì họ mua 8.000 đồng/kg, nếu cứ ở giá này thì tiếp tục thua lỗ”, bà Cúc buồn bã chia sẻ.
Theo bà, hiện cà phê phải ở mức 14.000-15.000 đồng/kg trái tươi thì người trồng mới có lãi.
Một nông dân ở đây cho biết, việc sản xuất bây giờ chỉ mang tính cầm chừng, không tập trung đầu tư mạnh như trước kia vì sợ nguồn thu không bù chi. Trước tình cảnh này, nhiều hộ chọn giải pháp trồng xen cây bơ, hồng ăn trái để cải thiện thu nhập. Nhiều người lại quyết định chuyển hẳn sang làm các nghề khác để mưu sinh.
Sống nhờ cà phê sạch và liên kết
Trong khi phần lớn người dân bỏ bê cà phê thì nhiều hộ gia đình vẫn quyết sống chết với cây và tìm con đường riêng biệt để phát triển. Điển hình như hộ ông Nguyễn Ngọc Châu (xã Xuân Trường). Nhờ bám trụ và chuyển qua làm cà phê theo hướng hữu cơ nên nông sản ông bán được cho doanh nghiệp chế biến với giá cao hơn thị trường.
Theo ông, để đạt được tiêu chí sạch, người sản xuất phải thực hiện được nhiều quy định ngặt nghèo, thu hoạch phải tỉ mỉ, chọn trái chín gần như 100%.
Ở vùng cà phê Cầu Đất – Đà Lạt, hàng chục gia đình đã chuyển qua làm cà phê sạch, tham gia hợp tác xã, chuỗi liên kết. Ông Võ Khanh, Giám đốc HTX Thương mại Công Bằng cho biết, HTX của ông có 30 thành viên và liên kết với 10 hộ khác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông, HTX đã đạt được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê qua Mỹ có trụ sở ở Hà Nội và một doanh nghiệp chuyên chế biến ở Việt Nam.
Cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ được doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá cao gần gấp đôi giá cà phê thường.
“Nhờ mô hình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ mà cà phê của các thành viên trong HTX được đánh giá cao. Hiện nay, chúng tôi bán cho các doanh nghiệp khoảng 150 tấn nhân/năm và bán ra thị trường tự do trong nước khoảng 200-300 tấn/năm với giá cao.
Cà phê tươi của các thành viên đều được mua với giá 13.000-14.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 6.000-7.000 đồng/kg) nên hộ sản xuất có lãi. Có hộ lãi đến 120 triệu đồng/ha năm”, ông Võ Khanh cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, địa phương có khoảng 1.300ha cà phê với năng suất bình quân khoảng 18 tấn/ha. Vì giá giảm sâu trong khi cây trồng bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh nên người dân không mặn mà.
Theo ông Bình, chính quyền địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển qua mô hình cà phê công nghệ cao để phát triển bền vững.
“Nếu người dân cứ làm theo kiểu cũ, không chuyển qua làm cà phê sạch thì sẽ tiếp tục thua lỗ. Xã dự kiến phát triển trên 500ha cà phê sạch trong thời gian tới. Chính quyền cũng đang vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, chuỗi liên kết để phát triển”, ông cho biết.
Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 174 nghìn ha cà phê. Do giá thấp và ảnh hưởng dịch bệnh nên cơ quan này sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch xuống còn 150 nghìn ha và đẩy mạnh mô hình sản xuất sạch, liên kết chuỗi, chế biến để phát triển bền vững.