Loay hoay đi tìm đầu ra cho hạt cà phê Arabica Cầu Ðất
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân đã không còn mặn mà với mô hình này bởi năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp do đang thiếu đầu ra cho sản phẩm.
Sản phẩm cà phê Arabica được sản xuất theo chuỗi của nông dân buộc phải nằm kho chờ giá. Ảnh: T.S
Sản phẩm đang "tắc" đầu ra
Chúng tôi về xã Xuân Trường thời điểm vừa kết thúc niên vụ cà phê năm 2019, người nông dân đang bước vào giai đoạn đầu tư, chăm sóc cho vụ mùa mới. Thế nhưng, thay vì không khí vui tươi phấn khởi, bắt chuyện từ người nông dân rồi các giám đốc HTX đến lãnh đạo địa phương chúng tôi nhận được cái xua tay, lắc đầu không khỏi buồn lòng.
Gia đình anh Nguyễn Quang Minh, thôn Phát Chi, xã Trạm Hành có 1,5 ha cà phê Arabica. Vụ cà phê vừa qua, anh thu được 17 tấn cà phê tươi, thay vì chế biến cà phê nhân như mọi năm thì anh quyết định bán quả tươi cho thương lái với giá chỉ hơn 6.000 đồng/kg. Không cần tính, anh Minh cũng biết nắm chắc phần lỗ nhưng anh đành chấp nhận.
Anh Minh cho biết, nếu đúng theo lộ trình phát triển theo chuỗi của các dự án trồng cà phê bền vững thì mỗi kg cà phê nhân ít ra cũng được các công ty thu mua với giá trên dưới 80.000 đồng/kg. Với giá bán trên, người nông dân phần nào có lãi, an tâm sản xuất.
Đổi lại, xã viên sản xuất cà phê phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình cà phê bền vững được chứng nhận thương mại công bằng Fairtrade.
Ngoài ra, các hộ nông dân còn phải tuân thủ yêu cầu thu hoạch quả chín đạt trên 90%, không được ủ bao, không ngâm nước quá 24h và phải được xay trong ngày để đảm bảo cho chất lượng cà phê ngon nhất. Cà phê sau khi được tách vỏ phải được phơi trong nhà kính, trên nền xi măng hoặc sàn phơi cách đất…
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau một hai vụ cà phê, đầu ra cho sản phẩm Arabica đã rơi vào bế tắc. Sản phẩm cà phê Arabica sạch do anh Minh làm ra không bán được, hoặc nếu có bán thì giá cũng tương đương với các loại cà phê nhân ngoài thị trường, không tương xứng với giá trị. Cám cảnh, anh Minh tính phá dần vườn cà phê, chuyển sang các loại cây trồng khác.
Anh Võ Khanh, Chủ tịch HĐQT, GĐ HTX Xuân Trường - Cầu Đất chia sẻ, khi được Cơ quan hợp tác phát triển Ailen - Đại sứ quán Ailen và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vận động thành lập HTX để tổ chức sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, anh sẵn sàng cùng 30 nông dân bắt tay thực hiện ngay. Hiện, HTX có tổng diện tích sản xuất là 45 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 130 tấn cà phê nhân sạch, đáp ứng mọi tiêu chí về cà phê sạch của thị trường thế giới.
Nhưng có một thực tế là khi HTX bắt tay vào sản xuất đến lúc làm ra sản phẩm thì phải rất chật vật tìm mối tiêu thụ cho bà con xã viên. Lúc đầu có một số công ty tìm đến, thu mua với giá lên đến 100.000 đồng/kg cà phê sạch. Nhưng về sau thì các đơn vị thu mua cũng thưa dần, đặt hàng với số lượng rất hạn chế.
Nhấp ngụm cà phê, anh Khanh chia sẻ: "Mỗi hạt cà phê bà con xã viên làm ra phải trải qua rất nhiều quá trình theo dõi, đánh giá nghiêm ngặt. Chưa kể đến bao công cán hái tỉa, tuyển chọn từng trái, rồi khâu sơ chế và bảo quản nhưng rồi phải bán giá "chợ". Nhìn anh em nông dân quay lưng, trở lại phương thức sản xuất cũ hoặc tìm cách chuyển đổi cây trồng mà Ban GĐ HTX đành chịu. Bây giờ, chỉ số ít anh em tìm được đầu ra thì còn quyết tâm bám trụ, quyết tâm giữ lại vùng cà phê ngon có một không hai ở Việt Nam này".
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: Mặc dù xã có đến 4 trong tổng số 5 HTX sản xuất và kinh doanh cà phê nhưng chỉ có 1 HTX Cầu Đất là có hiệu quả. HTX Trường Sơn có số xã viên được bao tiêu đầu ra đếm không quá bàn tay, số còn lại thì hầu như không hoạt động do không có đối tác. Tính ra, các HTX hiện nay cũng tiêu thụ chưa đến 10% sản lượng cà phê nhân của xã viên. Còn nếu tính rộng ra trên toàn xã thì e rằng chắc không có tỷ lệ.
HTX Cầu Đất thực hiện gia công cà phê cho Cầu Đất Farm. Ảnh: T.S
Thương hiệu đang dần bị đánh đồng?
Theo ông Bình, hiện toàn xã Xuân Trường có hơn 1.200 ha cà phê Arabica, sản lượng hằng năm đạt gần 3.000 tấn cà phê nhân. Riêng diện tích và tổng sản lượng có liên kết giữa các doanh nghiệp và người dân hiện nay chỉ khoảng 300 tấn, chỉ bằng 1/10 tổng sản lượng cà phê Arabica toàn xã. Thời điểm này, rất nhiều hộ nông dân trồng cà phê Arabica theo các dự án sạch, bền vững trên địa bàn xã đang gặp khó. Nông dân đang tồn kho cà phê tương đối lớn. Bởi đã làm sạch mà bán giá chợ thì người nông dân chắc chắn lỗ đậm.
"Sản phẩm Arabica Cầu Đất nói chung và Xuân Trường nói riêng, xét về danh tiếng của nó hẳn không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, với sản lượng hằng năm không nhiều, cộng thêm việc diện tích đang ngày càng bị thu hẹp nhưng rất nhiều các công ty doanh nghiệp trong nước đều thương mại dưới tên thương hiệu là cà phê Cầu Đất. Trong khi về mặt quản lý địa phương, chúng tôi không cần giở sổ cũng có thể điểm mặt chỉ tên ngay các công ty thực sự đang có liên kết, bắt tay với nông dân", ông Bình đặt vấn đề.
Chung quan điểm, ông Võ Khanh, Giám đốc HTX Xuân Trường - Cầu Đất bày tỏ: Thông thường, khi được hãng cà phê nổi tiếng như Starbucks (Mỹ) đồng ý đưa cà phê Arabica xuất xứ từ Đà Lạt vào chuỗi hơn 21.000 cửa hàng nổi tiếng trên khắp thế giới thì lẽ thường việc tiêu thụ cũng như giá trị từ cây cà phê sẽ tăng lên cho nông dân. Nhưng thay vào đó, việc tìm đầu ra lại trở nên khó khăn, các công ty, doanh nghiệp lại giảm dần lượng cầu.
"Tôi từng đi rất nhiều hội chợ, buổi xúc tiến thương mại để tìm hiểu nguyên nhân, cũng như tìm thị trường cho xã viên. Thật bất ngờ khi tôi thấy có những doanh nghiệp mời chào mỗi kg Arabica sạch, được giới thiệu trồng từ Cầu Đất chỉ với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg nhân. Trong khi nếu làm sạch theo quy trình hợp tác xã đã triển khai mấy năm nay, giá mỗi kg nhân Arabica loại 1 phải ít nhất 80.000đồng/kg trở lên. Phải chăng thương hiệu cà phê Cầu Đất đang dần bị đánh đồng?", anh Khanh đặt câu hỏi.
Xây dựng thương hiệu cà phê Cầu Đất đã khó, nhưng việc giữ gìn và bảo hộ thương hiệu đó còn khó hơn. Nếu không sớm có những hành động và giải pháp kịp thời thì việc người nông dân trồng cà phê nhưng lại không bán được cà phê đúng với giá trị dưới cái thương hiệu quê hương là điều không thể tránh khỏi. Và cũng sẽ rất khó để người dân tiếp tục gắn bó với cây cà phê, loại cây trồng đã tồn tại và gắn bó với vùng Cầu Đất hơn 100 năm nay.