Dấu hiệu Trung Quốc đang nương tay với giới doanh nhân để khôi phục lòng tin
Theo CNN, tỉnh Hải Nam - hòn đảo mà Bắc Kinh đang có kế hoạch biến đổi thành cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới - vừa đưa ra một loạt sáng kiến để hỗ trợ khu vực tư nhân. Trong số này, sáng kiến gây bất ngờ nhất là lời hứa sẽ không nhắm đến doanh nhân mà không có lý do.
“Với những doanh nhân dính líu đến án hình sự, [nhà chức trách] không nên bắt giữ nếu không cần thiết, không nên truy tố nếu không cần thiết, không nên phạt tù nếu không cần thiết”, tỉnh này cho biết trong một tuyên bố.
“Nếu không cần thiết phải tiếp tục giam giữ, [chính quyền] nên trả tự do cho [doanh nhân] kịp thời hoặc thay đổi các biện pháp thực thi [đối với họ]”, tuyên bố có viết thêm.
Ngoài ra, chính quyền Hải Nam còn đưa ra hơn 20 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, vốn chiếm hơn 60% GDP tại Trung Quốc và hơn 80% việc làm.
Chính quyền tỉnh này cho biết những biện pháp trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân cũng như tạo ra một môi trường pháp lý “công bằng và chính trực”.
Tuy nhiên, thông báo này cũng tạo ra những luồng tranh cãi lớn. Một số người gọi động thái trên là “lố bịch”, bởi nó ngụ ý rằng chính phủ đã bắt giữ một số người mà không có căn cứ và giờ đây doanh nhân có thể được hưởng những đặc ân vượt trên pháp luật.
Theo các nhà phân tích, thay vì xoa dịu những lo lắng của doanh nhân và khuyến khích tạo thêm việc làm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tuyên bố có thể phản tác dụng.
Ông Willy Lam, thành viên cao cấp của Jamestown Foundation, lưu ý rằng đã có nhiều báo cáo về việc doanh nhân bị giam giữ vì “những cáo buộc đáng ngờ”. Gần đây, CEO của China Renaissance, ông Bao Fan, đã mất tích. Công ty cho biết ông Bao đang “hợp tác trong một cuộc điều tra” do chính quyền tiến hành.
Đầu tư tư nhân ‘dậm chân tại chỗ’
Các biện pháp của chính quyền đảo Hải Nam được đưa ra vào thời điểm then chốt khi nền kinh tế thứ hai thế giới đang trên đà phục hồi sau ba năm COVID.
Tăng trưởng tại Trung Quốc đã tụt xuống mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ, niềm tin kinh doanh thấp khiến các doanh nghiệp cảnh giác với đầu tư hoặc tuyển dụng. Tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ, vẫn đang ở mức cao.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách trấn an nhà đầu tư và doanh nhân rằng đây là thời điểm an toàn để tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh.
Ông Nicholas Lardy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) nhận định: “Chỉ những tuyên bố trên sẽ không thể khôi phục được niềm tin của khu vực tư nhân”.
Ông lưu ý rằng đầu tư tư nhân ở Trung Quốc đã đình trệ vào năm ngoái, trong khi đầu tư của nhà nước tăng mạnh. Tuy nhiên, khu vực tư nhân thường mang lại nhiều tăng trưởng kinh tế hơn trên mỗi đơn vị đầu tư.
Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 1 và 2, đầu tư nhà nước đã tăng trưởng 10,5%, trong khi đầu tư tư nhân chỉ tăng 0,8%. Vào năm ngoái, tốc độ tăng trưởng giữa hai khu vực này lần lượt là 10,1% và 0,9%.
Ông Tianlei Huang, một nhà nghiên cứu và điều phối viên Chương trình Trung Quốc tại PIIE, nhận định: “[Kết quả này] cho thấy niềm tin của doanh nhân tư nhân vẫn còn yếu, dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đại dịch và các quan chức liên tục lên tiếng trấn an”.