|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

GDP Trung Quốc tăng 4,5% trong quý I, mạnh hơn dự báo

10:56 | 18/04/2023
Chia sẻ
Tốc độ tăng trưởng quý I của Trung Quốc cao hơn ước tính của các nhà kinh tế. Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tung ra thêm biện pháp kích thích kinh tế.

Người mua sắm đông đúc tại một khu phố thương mại ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg). 

Theo số liệu mới được công bố, GDP của Trung Quốc đã bật tăng mạnh mẽ trong quý I. Trong khi đó, các nước khác trên thế giới lại đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát. 

Hôm 18/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết GDP nước này tăng 4,5% trong quý đầu năm 2023. Con số này cao hơn dự báo 4% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát và là tốc độ cao nhất kể từ quý I năm ngoái. Nếu so với quý liền trước, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,2%.

Doanh số bán lẻ bật tăng 10,6% trong tháng 3, cao hơn hẳn kỳ vọng của giới chuyên gia là 7,4%. Sản lượng công nghiệp đi lên 3,9%, thấp hơn chút ít so với dự báo của Reuters là 4%. Đầu tư cho tài sản cố định trong ba tháng đầu năm tăng 5,1% so với một năm trước, thấp hơn ước tính 5,7%.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19 đã được áp dụng trong gần ba năm qua.

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3%, thấp hơn mục tiêu chính thức của chính phủ là khoảng 5,5%. Tháng trước, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2023 là “khoảng 5%”.

 

Đà phục hồi của Trung Quốc cho đến nay vẫn không thực sự đồng đều. Trong khi chi tiêu cho tiêu dùng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng đi lên, thì giá cả đang chững lại và lượng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng cao đang làm dấy lên lo ngại về nhu cầu.

Các nhà kinh tế, bao gồm nhóm chuyên gia của Citi, cảnh báo rằng cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể cần nhiều thời gian hơn dự kiến.

Hầu hết các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters dự đoán ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ không thay đổi lãi suất chuẩn.

Tuy nhiên, một số người tin rằng PBoC có thể hạ lãi suất cơ bản cho các khoản vay kỳ hạn một năm nếu lạm phát tại nước này tiếp tục đi xuống. Lạm phát giá tiêu dùng tháng 3 của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.

Kích thích kinh tế

Bà Helen Zhu, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư NF Trinity, nói với CNBC rằng nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra thêm biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế.

Bà cho biết: "Tôi nghĩ tăng trưởng GDP quý II sẽ cao hơn mục tiêu 5%. Và hy vọng rằng từ nay cho đến quý III, chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện thêm nhiều chính sách kích thích". 

Bà nói tiếp: "Dữ liệu quý I của Trung Quốc cao hơn nhiều kỳ vọng chung, và tôi cho rằng đó là khởi đầu rất tốt cho năm 2023". 

Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của tập đoàn tài chính ING, cũng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp kích thích bổ sung để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. 

Lưu ý của bà Pang có đoạn: “Để duy trì mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, chính phủ Trung Quốc cần thúc đẩy các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Phần lớn vốn sẽ được dùng để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và tháp 5G theo kế hoạch đề ra cho năm nay.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng GDP quý II sẽ tăng tốc lên 6% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm là 5% do nhu cầu từ bên ngoài vẫn tiếp tục là mối lo”.

Giang

Technical Insights: VN-Index xuất hiện dấu hiệu dừng tăng, cổ phiếu nào còn tiềm năng?
Theo ông Võ Long Nhân, Trưởng phòng Phân tích của Stockmap, sau phiên bùng nổ ngày 5/12, dòng tiền có dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng tăng giá trong ngắn hạn đang thấp. Nhà đầu tư cần quan sát biến động của VN-Index quanh vùng hỗ trợ 1.240 điểm trong tuần 16-20/12, để đưa ra quyết định phù hợp.