Đằng sau việc gia nhập thị trường cà phê hoà tan, cà phê đóng lon của The Coffee House?
Mới đây The Coffee House đã âm thầm cho ra mắt hai sản phẩm mới gồm cà phê sữa đá hoà tan và combo 4 lon cà phê sữa đá. Hai sản phẩm mới có mức giá từ 44.000 đồng tới 56.000 đồng mỗi sản phẩm, nhỉnh hơn một chút so với giá 32.000 đồng/ly sữa đá nếu khách hàng sử dụng tại quán.
The Coffee House ra mắt sản phẩm đồ uống đóng sẵn trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tiếp theo đang xảy ra tại nhiều địa phương. Do đó, dòng sản phẩm này có thể sẽ được tập trung để hướng tới các khách hàng trung thành của The Coffee House - những người vì dịch bệnh không thể thưởng thức trải nghiệm cà phê ngay tại cửa hàng, có nhu cầu sử dụng tại nhà, tại văn phòng.
Tuy nhiên, The Coffee House không phải là chuỗi đồ uống đầu tiên tham gia vào thị trường này. Trước đó từ lâu, đối thủ của họ là Highlands Coffee cũng đã ra mắt sản phẩm cà phê đóng lon và cà phê pha sẵn đóng hộp, được phân phối tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Như vậy đây là bước đi tiếp theo của The Coffee House sau khi giảm mục tiêu mở chuỗi từ 100 cửa hàng năm 2020 xuống 30 - 40 cửa hàng để tập trung gia tăng trải nghiệm khách hàng, xây dựng thương hiệu và xây dựng năng lực của hệ thống.
Để phục vụ việc bán mang đi, giai đoạn 2019 - 2020, The Coffee House cũng đã tiến hành thử nghiệm mô hình cửa hàng nhỏ dưới 200 m2, nhỏ hơn một nửa so với các cửa hàng truyền thống. Đồng thời, doanh nghiệp cũng điều chỉnh hướng trọng tâm vào đối tượng khách hàng là nhân viên công sở và giới trẻ.
Được thành lập từ năm 2014 với slogan "Ai cũng có một The Coffee House gần nhà", tạm tính đến cuối năm 2020, chuỗi này có 170 cửa hàng trên toàn quốc. Con số này vẫn thấp hơn so với đối thủ Highlands Coffee với độ phủ sóng rộng 440 cửa hàng.
Lời giải cho bài toán doanh thu cao - lợi nhuận mỏng
Báo cáo từ Euromonitor cho thấy thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Song tại thời điểm hiện tại, những cái tên phổ biến như Highlands Coffee, Starbucks, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên,… chưa doanh nghiệp nào giành thị phần áp đảo.
Thị trường tiềm năng, khách hàng đông đảo song câu hỏi về lợi nhuận đối với mô hình chuỗi cà phê tại Việt Nam vẫn luôn làm đau đầu giới đầu tư, khi lợi nhuận tương đối mỏng nhưng tốc độ mở chuỗi vẫn không ngừng tăng lên.
Dữ liệu chúng tôi có được, tính đến năm 2019, Highlands Coffee đang là chuỗi đồ uống kinh doanh tốt nhất với doanh thu đạt 2.199 tỷ đồng và lợi nhuận 84 tỷ đồng. The Coffee House mặc dù doanh thu cùng năm đạt 863 tỷ đồng song vẫn đang đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn khi lỗ ròng 80 tỷ đồng.
Doanh thu tăng trưởng đều nhưng lợi nhuận của các chuỗi đồ uống này vẫn ở mức khá thấp có thể giải thích do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp rất cao trong khi đó hiệu quả sinh lời lại thấp.
Biên lãi gộp của Phúc Long năm 2019 là 35%, con số này ở Highlands Coffee và The Coffee House lần lượt là 68% và 70%.
Do đó, để cải thiện biên lợi nhuận, có thể các chuỗi cà phê này sẽ phải dựa vào việc làm OEM và xuất khẩu thương hiệu riêng, tương tự như như Highlands Coffee và The Coffee House đang thực hiện với các sản phẩm đóng gói riêng.
Tuy nhiên, khi bước vào thị trường này, hai ông lớn sở hữu chuỗi cà phê sẽ phải đối mặt với nhiều đối đối thủ đã có kinh nghiệm trên thị trường như Nestlé, Trung Nguyên, Sun Wah, Tchibo, Phúc Sinh, King Coffee, Nutifood,…
Do đó có thể thấy cả Highlands Coffee và The Coffee House trong thời gian tới sẽ đều phải đối mặt với lời giải cho những bài toán khác nhau trên thị trường để định vị ai mới là vua chuỗi đồ uống tại Việt Nam.