Cục diện ngành xây dựng sẽ thay đổi ra sao sau khi 'Coteccons Group' tan rã?
Là một ngành kinh tế gắn bó mật thiết với sự phát triển đô thị, lại ở một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, ngành xây dựng Việt Nam luôn là miếng bánh lớn mà rất nhiều doanh nghiệp muốn được chia phần.
Trong giai đoạn từ đầu năm 2020 tới nay, trong khi hầu hết tất cả các doanh nghiệp các ngành khác đều chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng vẫn lớn hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 4,5% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP là 1,81%. Không riêng gì năm nay, trong suốt 8 năm từ 2012 tới nay, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng luôn cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Cơ hội sẽ thuộc về ai?
Trước sức hấp dẫn của ngành xây dựng, trong những năm gần đây, thị trường này liên tiếp xuất hiện những cái tên mới nổi, chen chân cùng các "ông lớn gạo cội" trong ngành như Coteccons, Hòa Bình.
Với việc "Coteccons Group" tan rã, Coteccons (Mã: CTD) được nhiều dự báo sẽ khó có thể trụ vững ở vị trí hàng đầu trong những năm tới nếu không có những quyết sách đúng đắn và tìm được người thay thế thích hợp thời hậu ông Nguyễn Bá Dương.
Đây cũng là cơ hội cho các nhà thầu xếp dưới bước thêm bước nữa vươn lên dành lấy vị trí cao hơn trên thị trường. Doanh nghiệp được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây chính là vị trí số 2 trong ngành - CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC).
Tuy nhiên, hiện Hoà Bình cũng đang phải đối mặt với vấn đề riêng của mình. Tăng trưởng mạnh nhưng dòng tiền phần lớn mắc kẹt ở các khoản phải thu và nợ vay lớn khiến Hoà Bình đã nhiều lần đánh mất cơ hội vươn lên.
Dưới tác động của dịch bệnh, luỹ kế 6 tháng sau soát xét, doanh thu và lợi nhuận của Xây dựng Hoà Bình giảm lần lượt 40% và 95% so với cùng kì năm 2019. So với mục tiêu năm 2020 của Tập đoàn là doanh thu 12.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỉ đồng, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu và chỉ đạt 7,5% lợi nhuận cả năm.
Bên cạnh những con chiến mã có "gốc" Coteccons như Ricons, Newtecons, Central, những tên tuổi khác cũng đang nổ lực đeo bám vào danh sách những công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam như An Phong, Phục Hưng Holdings, Obayashi, Ecoba,...
Cái tên đầu tiên phải nhắc đến đó là Ricons - doanh nghiệp vừa tách khỏi "Coteccons Group" trong năm nay để tạo lập cuộc chơi mới cho riêng mình. Đây cũng chính là cái tên gây tranh cải lớn nhất, dẫn đến sự tan rã của "Coteccons Group" và sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương khỏi doanh nghiệp do ông gầy dựng suốt 18 năm.
Hiện Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế, thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường được công bố mới đây, HĐQT Ricons cho biết sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (viết tắt là Ricons Group).
Theo đó, những năm tới đây, Ricons sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái Ricons Group với với các thương hiệu: Ricons, Riland, Rihomes, Rilex, Risa, Ricommerce, QuiHub. "Mục tiêu của Ricons Group không chỉ là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín ngành xây dựng, mà còn hướng đến giấc mơ về tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam trong tương lai", ông Trần Quang Quân, Chủ tịch HĐQT Ricons, người từng giữ chức Phó Tổng giám đốc Coteccons bày tỏ tham vọng.
Tính riêng trong năm 2019, Ricons đã trúng thầu và thi công hàng loạt dự án lớn như Aqua Bay Sky Residences, River Panorama, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Ocean Park, Verosa Park Khang Điền, Swanpark…
Doanh thu Ricons trong năm 2019 đạt 8.752 tỉ đồng giảm 5,94%, lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỉ đồng giảm 16,46% so với cùng kì năm 2018. Dù vậy, đây là kết quả khả quan hơn rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Nếu như lợi nhuận của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% của Coteccons thì đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Tương tự Ricons, cái tên tuy không mới nhưng đã hoàn toàn lột xác trong những năm gần đây đó chính là Newtecons - một trong những doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái "Coteccons Group" trước đây.
CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons tiền thân là CTCP Đầu tư Xây dựng F.D.C, được thành lập vào ngày 23/10/2003 bởi "Kiến trúc sư trưởng" của Coteccons Group Nguyễn Bá Dương cùng những cộng sự của ông.
Khởi điểm từ những công trình qui mô vừa và nhỏ, đến nay Newtecons trở thành một trong những nhà thầu lớn với đa dạng các loại hình từ dự án trung tâm thương mại, khu căn hộ cao cấp đến dự án hạ tầng, cao ốc văn phòng, nhà xưởng sản xuất.
Newtecons có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 50% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2019, trong khi doanh thu của Coteccons giảm 17% thì Newteccons ghi nhận mức tăng trưởng 19%, đạt hơn 4.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn từ 2016 - 2019, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng ở mức bình quân 43%/năm, cán mốc 183 tỉ đồng trong năm 2019.
Nếu như F.D.C trước đây vốn chỉ làm những công trình nhỏ, chủ yếu đi theo Coteccons tại các công trình lớn thì Newtecons gần đây đã liên tục công bố trúng thầu nhiều dự án lớn.
Một số dự án có thể kể đến như: Cadivi Tower (số 70 - 72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM), Tòa nhà hỗn hợp GP Tower (Hà Nội), Sora Gardens II Project (Bình Dương), Trường phổ thông quốc tế Gateway Starlake, Kyocera (Hải Phòng), nhà máy Mappletree Logistics (Bắc Ninh).
Gần đây nhất, nhiều thông tin cho thấy Newtecons có khả năng là nhà thầu chính của một dự án thuộc Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son đang rục rịch khởi công.
Một cái tên khác cũng đang bắt đầu "làm mưa làm gió" trên thị trường xây dựng là Central. Được thành lập từ năm 2017, cái tên "mới toanh" của ngành xây dựng này lại đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của những ông lớn dẫn đầu.
Cũng giống như Newtecons, Central cũng được tạo ra từ người cũ của Coteccons, ông Trần Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc Coteccons, một trong những kiện tướng của ông Nguyễn Bá Dương đã theo ông từ những ngày đầu.
Ông Tuấn là người được đánh giá là có năng lực ngoại giao và có mối quan hệ rất tốt với các chủ đầu tư lớn trong nước. Bởi vậy, dù chỉ mới ra đời không lâu, Central đã liên tiếp trúng thầu cá dự án lớn.
Các dự án lớn khác do Central làm nhà thầu có thể kể đến như Vinhomes Star City (Thanh Hoá), Vincom Shophouse (Cà Mau), Vinpearl Nam Hội An, Vinhomes Riverside – The Harmony, Vinhomes Grand Park của Tập đoàn Vingroup; Opal Tower (Saigon Pearl) của SSG Group, ... và gần đây là Dự án Thảo Điền Towers tại số 192 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM.
Một công ty khác cũng là cái tên khá nổi trên thị trường xây dựng là CTCP xây dựng An Phong. Mới đây, ngày 4/10/2020, Tổng thầu An Phong phối hợp cùng CĐT Công ty TNHH Capitaland Tower đã tổ chức lễ khởi công dự án The Sun Tower.
Trong suốt 4 năm liên tiếp từ 2016-2019, kết quả kinh doanh của An Phong không ngừng tăng trưởng. Năm 2019, công ty đạt doanh thu 3.923 tỉ đồng, tăng 89% so với thời điểm 2016, dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty này ghi nhận chỉ hơn 3 tỉ đồng.
Bên cạnh các nhà thầu trong nước, các nhà thầu nước ngoài cũng đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Một đối thủ đáng gờm khác của những kị binh ngành xây dựng là Công ty CP Ecoba Việt Nam, chủ thầu của loạt dự án lớn như Flamingo Cát Bà Resort, TTTM Vincom Megamall (Vincity Tây Mỗ), Iris Garden, khách sạn Riviera Cam Ranh, , Aquabay Residence Ecopark, King Palace...
Được thành lập từ những năm 2000, trong 3 năm giai đoạn từ 2016-2018, lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng trưởng 21 lần. Từ con số lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 7,2 tỉ đồng, đến năm 2018, công ty này thu về hơn 153 tỉ đồng.
Mới đây, Tập đoàn Haseko (Nhật Bản) vừa có thông báo về việc mua lại thành công 36% cổ phần của Ecoba Việt Nam. Với sự góp vốn của một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, ban lãnh đạo công ty tự tin cho rằng, sắp tới Ecoba Việt Nam sẽ còn nâng cao vị thế để sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.
Trong khi đó, nhà thầu Obayashi của Nhật Bản chuyên ở mảng xây dựng công nghiệp cũng đang trên đà tăng nhờ xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại, việc các nhà thầu thiếu việc làm là điều khó tránh khỏi. Để giữ quân sau khi tăng trưởng mạnh trong khoảng 5 năm qua, các doanh nghiệp đang cạnh tranh quyết liệt để có nguồn công việc và tiếp tục tăng trưởng.
Với sự đi lên của những "chiến mã", được "cầm cương" bởi những người cũ gạo cội trong trong ngành, thị trường xây dựng được hứa hẹn sẽ trở thành cuộc đua khốc liệt, nơi mà cả kẻ cũ và người mới có xuất phát điểm dường như không còn quá chênh lệch.