|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

COVID-19 thổi bay hàng chục triệu việc làm: Bài kiểm tra sức chịu đựng của các nền kinh tế

07:06 | 05/04/2020
Chia sẻ
Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo 25 triệu người lao động trên toàn cầu sẽ rơi vào cảnh mất việc làm nếu COVID-19 không được kiểm soát. Chuyên gia kinh tế nhận định tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ và châu Âu có thể tăng đến mức kỉ lục trong 90 năm trở lại đây.
COVID-19 tàn phá việc làm trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Các cửa hàng đóng cửa tại Phố Thời trang Los Angeles, California, ngày 1/4. Ảnh: Bloomberg

Người lao động trên toàn thế giới đang phải vật lộn với cú sốc của cuộc suy thoái kinh tế vì COVID-19. Chỉ trong tuần vừa qua, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trên toàn thế giới đã tăng đến hàng triệu. Chỉ tính riêng tại Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 28/3 lên đến 6,6 triệu người.

Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo 25 triệu người lao động trên toàn cầu sẽ mất việc nếu COVID-19 không được kiểm soát. Số việc làm bị cắt giảm tại nhiều nước phương Tây như Mỹ và Áo phản ánh cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930, trong tình cảnh hoạt động kinh tế bị đóng băng để chống lại sự lây lan virus.

Ông Peter Hooper, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Deutsche Bank AG nói với Bloomberg TV: "Chúng tôi cho rằng tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ và châu Âu lên đến mức 13-19%. Đây là mức kỉ lục kể từ cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930".

COVID-19 tàn phá việc làm trên toàn thế giới - Ảnh 2.

Số người thất nghiệp gia tăng sẽ buộc các chính phủ và ngân hàng trung ương phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình hỗ trợ người mất việc, hoặc cố gắng thuyết phục doanh nghiệp giữ lại nhân viên cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nếu những nỗ lực trên thất bại, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái sâu hơn, hoặc chỉ hồi phục yếu ớt. Trong trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ lại phải cân nhắc tung ra các gói hỗ trợ mới.

Các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase dự đoán đến giữa năm nay, tỉ lệ thất nghiệp tại các quốc gia phát triển sẽ tăng thêm 2,7 điểm phần trăm so với tỉ lệ thất nghiệp đo lường hồi đầu năm.

Dù tình hình sẽ được cải thiện khi nền kinh tế dần phục hồi, các nhà kinh tế vẫn dự đoán tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ và khu vực đồng euro tại Mỹ và châu Âu lần lượt là 4,6% và 8,3% vào cuối năm 2021.

Bài kiểm tra sức chịu đựng

Cú sốc đến thị trường lao động cũng là một bài kiểm tra sức chịu đựng của nhiều mô hình xã hội khác nhau. Văn hóa làm việc linh hoạt của Mỹ đồng nghĩa với việc nước này sẽ có nhiều người lao động bị mất việc hơn là các nước EU hoặc Nhật Bản. Chủ lao động tại các quốc gia này thường cảm thấy họ có trách nhiệm bảo vệ việc làm cho nhân viên trong thời kì khó khăn hơn là giới doanh nghiệp Mỹ.

Theo báo cáo công bố ngày 3/4, tháng 3 là lần đầu tiên trong một thập kỉ số lượng việc làm tại Mỹ trong một tháng giảm so với tháng trước. Trong tháng 3, nền kinh tế nước này mất khoảng 701.000 việc làm phi nông nghiệp, lớp hơn gấp 7 lần so với dự báo của các nhà kinh tế.

Những con số càng khiến các nhà phân tích thêm lo lắng vì chúng mới chỉ đo lường thiệt hại của thị trường lao động tính đến đầu tháng 3, chưa tính đến đợt sa thải lớn nhất và đóng cửa của hàng loạt doanh nghiệp diễn ra vào cuối tháng.

Do đó, các số liệu được công bố tiếp theo sẽ còn thảm khốc hơn nhiều, bằng chứng là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong hai tuần gần đây đã tăng vọt đến 9,96 triệu. Con số này bằng với tổng số đơn xin thất nghiệp trong 6,5 tháng đầu trong cuộc suy thoái 2007-2009.

COVID-19 tàn phá việc làm trên toàn thế giới - Ảnh 3.

Trong tuần này, Goldman Sachs dự đoán tỉ lệ thất nghiệp sẽ sớm tăng đến mức kỉ lục 15%.

Tại châu Âu, một báo cáo cho thấy trong vòng hai tuần gần đây, có tới một triệu người Anh đã nộp đơn xin cấp phúc lợi, gấp 10 lần số lượng thông thường. Văn phòng thống kê của Anh đã công bố một cuộc khảo sát các doanh nghiệp, trong đó 27% doanh nghiệp báo cáo họ đang cắt giảm nhân viên trong ngắn hạn.

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Tây Ban Nha cũng tăng vọt. Tỉ lệ thất nghiệp tại nước này là 14%, thuộc hàng cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Tỉ lệ thất nghiệp tại Áo nhảy vọt lên 12%, mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Dù tỉ lệ thất nghiệp tại Đức không tăng đáng kể trong tháng 3, nhưng cũng giống như Mỹ, số liệu này chưa tính đến thời điểm các biện pháp phong tỏa có hiệu lực. Ông Detlef Scheele - Chủ tịch Cơ quan Việc làm Liên bang Đức nói rằng số liệu tháng sau sẽ cho thấy số người thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Cắt giảm giờ làm

Khoảng 470.000 doanh nghiệp tại Đức đã nộp đơn xin tham gia chương trình hỗ trợ chi phí lương của chính phủ. Nhiều khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Điều này cho thấy khoảng 1/5 lực lượng lao động nước này đang bị cắt giảm giờ làm.

Giới doanh nghiệp Pháp cũng đang vội vã xin trợ cấp của chính phủ để có thể giữ được nhân viên trong biên chế. Người lao động không thể làm việc do tác động của COVID-19 sẽ được hưởng 84% lương như bình thường, được tài trợ hoàn toàn bởi chính phủ.

Tính đến 26/3, khoảng 400.000 công ty Pháp đã đăng kí chương trình cứu trợ này cho tổng cộng 4 triệu người lao động – tương đương 20% lực lượng lao động khu vực tư nhân.

Dữ liệu từ các nước Bắc Âu cho thấy khu vực này đang chịu một cú sốc việc làm lớn. Theo tính toán của Bloomberg, hơn 800.000 người trong khu vực này đang ở trong tình cảnh không có việc làm, bao gồm hơn 620.000 người bị cho nghỉ việc tạm thời ở Phần Lan và Na Uy.

COVID-19 tàn phá việc làm trên toàn thế giới - Ảnh 4.

Ở châu Á, tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản vẫn đang được duy trì ở mức 2,4% như tháng 2. Nhưng số lượng vị trí tuyển dụng nhân viên mới lại giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại.

Các thông tin mới nhất cho thấy ngày càng nhiều người đang nhận được khoản vay khẩn cấp thông qua chương trình hỗ trợ của chính phủ dành cho những người mất việc hoặc bị cắt giảm lương.

Cho đến nay, gần 23 triệu người – tương đương 1/3 dân số Thái Lan - đã đăng kí chương trình phát tiền mặt kể từ khi chính phủ mở đăng kí vào ngày 28/3. Trong khi đó, chương trình này vốn chỉ được thiết kế để hỗ trợ cho 9 triệu người, mỗi cá nhân được cấp khoảng 15.000 baht (455 USD) trong vòng ba tháng.

Phần lớn sự tập trung sẽ đổ dồn vào Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang dần phục hồi và quay trở lại công suất tối đa. Theo khảo sát, tỉ lệ thất nghiệp tại thành thị đã tăng lên mức kỉ lục 6,2% trong tháng 2 khi nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Theo các chuyên gia kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), sự gián đoạn đó đã đẩy 8 triệu người vào tình cảnh mất việc.

Ông Peter Hooper, nhà nghiên cứu kinh tế tại Deutsche Bank nói rằng tình hình sẽ được cải thiện khi đại dịch COVID-19 chấm dứt và nhu cầu hồi phục trở lại.

Ông Hooper dự kiến: "Tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm rất nhanh so với các mức cao khủng khiếp bây giờ".

Giang