|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cộng đồng tài xế công nghệ 'dậy sóng' vì thông báo cấm tài xế Grab lên tầng trong tiệm trà sữa Toco Toco, nhân viên nói đó không phải chủ trương của tiệm

16:10 | 10/06/2019
Chia sẻ
Nhiều tài xế tỏ ra bức xúc trước thông báo "Cấm Grab không lên tầng trên" ở cửa hàng trà sữa Toco Toco ở Hà Nội, song nhân viên cửa hàng khẳng định đó là ý kiến của chủ ngôi nhà mà họ thuê mặt bằng.

Cộng đồng tài xế công nghệ đang bàn tán sôi nổi về một thông báo mới ở cửa hàng trà sữa Toco Toco ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Nội dung của thông báo trong tờ giấy A4 trên tường là: Cấm Grab không lên tầng trên.

Khi thông tin về thông báo này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người giao món ăn tỏ ra bức xúc và bình luận khá tiêu cực. Trương Quang Minh, một tài xế Grab, kể rằng anh cảm nhận được sự coi thường của nhân viên Toco Toco mỗi khi anh đến đây để mua trà sữa.

"Vì đây là công việc của tôi, và nhiều khi thời gian để mua cũng không nhiều, nên tôi không chấp thái độ của họ", Minh nói.

Nguyễn Trường Thông, một tài xế khác, khẳng định anh từng gặp thái độ tương tự với tài xế xe ôm ở một số chi nhánh khác của Toco Toco.

"Cả nhân viên lẫn quản lý của họ đều tỏ ra lề mề. Tôi không hiểu nếu GrabFood ngừng hợp tác với Toco Toco thì họ sẽ kinh doanh thế nào?", Thông bình luận.

Cộng đồng tài xế công nghệ dậy sóng vì thông báo cấm tài xế Grab lên tầng trong tiệm trà sữa Toco Toco, nhân viên nói đó không phải chủ trương của tiệm - Ảnh 1.

Bình luận của một người về thông báo cấm tài xế Grab lên tầng ở quán trà sữa Tocotoco tại số 2 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Một người có tên Đặng Văn Tâm suy luận rằng có thể các tài xế Grab thường ngồi ở tầng trên để chờ trong lúc nhân viên của quán pha chế trà sữa, dẫn tới tình trạng thiếu chỗ ngồi. 

"Vì các anh ấy ngồi chờ lâu nên có lẽ nhân viên của quán ức chế. Nhưng họ hoàn toàn có thể dùng từ 'vui lòng' trong thông báo", Tâm lập luận.

Tài khoản Facebook có tên Lê Hữu Trí đồng ý rằng nếu người viết thông báo dùng từ "vui lòng", những tài xế hiểu biết sẽ thông cảm, còn từ "Cấm" sẽ gây cảm giác nặng nề.

Hà Xuân Đăng, một tài xế Grab, lại thắc mắc tại sao thông báo chỉ nhắc tới Grab.

"Đâu chỉ riêng tài xế Grab tới Toco Toco nhận hàng. Sao họ không cấm cả tài xế của các công ty khác như Now, Go-Viet?", Đăng đặt câu hỏi.

Giải thích của nhân viên trong quán

Một nam nhân viên trong quán trà sữa Toco Toco giải thích rằng thông báo cấm tài xế Grab lên tầng trên không phải là chủ trương của quán.

"Đó là ý kiến của chủ nhà cho chúng tôi thuê mặt bằng để bán hàng, chứ không phải là quyết định của người quản lý quán", chàng nhân viên khẳng định.

Ngoài ra, nam nhân viên cũng nói thêm rằng, nếu tài xế giao món đứng ở quầy để đợi lấy trà sữa thì sẽ tiện hơn so với việc họ lên tầng hai.

"Nhân viên của cửa hàng không bao giờ có ý kiến gì khi tài xế lên tầng hai. Khi tài xế lên tầng hai, mỗi khi hoàn thành đơn hàng, nhân viên của quán phải gọi họ xuống, hay thậm chí phải lên tầng để gọi. Tình trạng ấy gây bất tiện cho cả nhân viên lẫn tài xế, và cũng làm mất thời gian của cả hai bên", nam nhân viên nói.

Một số người cho rằng tấm biển thông báo xuất hiện bởi những hành vi tùy tiện, vô ý của một số tài xế Grab.

"Nhiều tài xế Grab mặc lôi thôi, vào quán lại nói chuyện ồn ào. Nếu tài xế nào cũng lịch sự, chắc tấm biển thông báo không xuất hiện", Vũ Minh Thương, một nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội, bình luận.

Luân Thường