|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường trà sữa Việt 'hụt hơi' trước cà phê

15:24 | 17/04/2023
Chia sẻ
Trong khi số lượng quán cà phê tại Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2019 - 2023, số lượng cửa hàng trà sữa lại có sự biến động không đồng đều, thậm chí đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong giai đoạn 2022 - 2023.

Vừa qua, Q&Me đã công bố báo cáo xu hướng bán lẻ Việt Nam (thương mại hiện đại) năm 2023, trong đó có những con số về thị trường trà sữa & cà phê tại Việt Nam.Theo báo cáo mới được công bố, số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2023 đã tăng qua từng năm, phần lớn nhờ sự mở rộng của hai chuỗi Highlands Coffee và Phúc Long.

Vào năm 2019, tổng số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam là 816 cửa hàng, với 456 cửa hàng tại TP HCM và 197 cửa hàng tại Hà Nội. Tính tới thời điểm hiện tại của năm 2023, số lượng cửa hàng cà phê tại Việt Nam đã tăng lên 1.657 cửa hàng, với 738 cửa hàng tại TP HCM và 370 cửa hàng tại Hà Nội.

Số lượng cửa hàng trà sữa và cà phê tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023. (Nguồn: Q&Me - Doanh Chính tổng hợp).

Tính tới thời điểm hiện tại, Highlands Coffee đang là đơn vị có số lượng chuỗi cửa hàng nhiều nhất tại Việt Nam với 609 cửa hàng, trong đó có 204 cửa hàng tại TP HCM và 139 cửa hàng tại Hà Nội. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Nguyên (411 cửa hàng), The Coffee House (152 cửa hàng), Phúc Long (133 cửa hàng), Starbucks (87 cửa hàng) và Passio (78 cửa hàng).    

Số lượng cửa hàng của một số thương hiệu cà phê tại Việt Nam hiện tại. (Nguồn: Q&Me - Doanh Chính tổng hợp).

Trái ngược với sự mở rộng của các cửa hàng cà phê tại Việt Nam, thị trường trà sữa lại chứng kiến sự biến động số lượng cửa hàng trong giai đoạn 2019 – 2023. Cụ thể, theo báo cáo của Q&Me, số lượng cửa hàng trà sữa tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023 có sự tăng giảm không đồng đều.

Năm 2019, tổng số cửa hàng trà sữa tại Việt Nam đạt mốc 446 cửa hàng, với 293 cửa hàng tại TP HCM và 79 cửa hàng tại Hà Nội. Một năm sau đó, con số này đã tăng lên 459 cửa hàng, với 258 cửa hàng tại TP HCM và 68 cửa hàng tại Hà Nội.

Dù vậy, tới năm 2021, tổng số lượng chuỗi trà sữa tại Việt Nam đã giảm xuống còn 412 cửa hàng, với 257 cửa hàng tại TP HCM và 65 cửa hàng tại Hà Nội. Tính tới thời điểm hiện tại của năm 2023, tổng số cửa hàng trà sữa tại Việt Nam là 364 cửa hàng, với 192 cửa hàng tại TP HCM và 82 cửa hàng tại Hà Nội.

Số lượng cửa hàng của một số thương hiệu trà sữa tại Việt Nam hiện tại. (Nguồn: Q&Me - Doanh Chính tổng hợp).

Thương hiệu sở hữu số lượng cửa hàng trà sữa nhiều nhất tại Việt Nam hiện tại là Bobapop với 93 cửa hàng, theo dữ liệu từ Q&Me. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Tiger Sugar (53 cửa hàng), Koi Thé (42 cửa hàng), The Alley (41 cửa hàng), Gong Cha (40 cửa hàng) và Cha Go (27 cửa hàng).

Chia sẻ trên Zing News, ông Hoàng Tùng – một chuyên gia về lĩnh vực F&B từng nhận định rằng cơn sốt thị trường trà sữa tại Việt Nam đã có tín hiệu chững lại trong hai năm qua, song sự chững lại này đến vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khiến cả ngành F&B đều gặp khó.

Trước đó, một nghiên cứu chung từ Momentum Works và qlub đã chỉ ra rằng quy mô của thị trường trà sữa Việt Nam đạt mức 362 triệu USD trong năm 2021, chỉ đứng sau hai thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan (749 triệu USD) và Indonesia (1,6 tỷ USD).

Trong khi đó, công ty dịch vụ tư vấn Fortune Business Insights, giá trị thị trường trà sữa toàn cầu đạt 2,02 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến ​​đạt 3,39 tỷ USD vào cuối năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,2% trong giai đoạn trên.

Với mức giá dao động trung bình trong khoảng 30.000 đồng – 70.000 đồng cho từng kích cỡ, topping,… trà sữa là loại đồ uống có tần suất sử dụng ở mức cao, đặc biệt được yêu thích bởi giới trẻ. Theo khảo sát từ Unica, trên địa bàn TP Hà Nội, có tới 50% người được hỏi cho biết họ mua ít nhất một cốc trà sữa mỗi tuần đơn giản vì loại đồ uống này ngon, hợp khẩu vị, nhanh gọn và thuận tiện cho việc mang đi.

Chia sẻ với tờ Doanh nghiệp hội nhập, ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện hãng trà sữa Gong Cha Việt Nam, cho hay trà sữa không phải là món ăn nổi lên như kiểu trào lưu ngắn hạn, sớm nở tối tàn như mì cay hay xoài lắc. Thay vào đó, trà sữa dần trở thành một loại thức uống quen thuộc hơn với người Việt, xuất hiện một cách phổ biến.

Doanh Chính

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.