|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hiện tượng trà sữa Phê La và thương hiệu trà chanh nhượng quyền Tmore có chung một chủ?

10:41 | 23/03/2023
Chia sẻ
Phê La, một thương hiệu trà sữa mới nổi trong hai năm trở lại đây với concept khác biệt so với các đối thủ tên tuổi cùng phân khúc, được sở hữu bởi đơn vị từng bùng nổ với trào lưu trà chanh.

Thương hiệu Phê La được CTCP Tập đoàn Tra La đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận vào tháng 8/2021. Công ty này có địa chỉ tại số 24 ngõ 128C Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, CTCP Tập đoàn Tra La cũng đang làm thủ tục giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu trà chanh Tmore. Đồng thời, CTCP Tmore - đơn vị vận hành chuỗi trà chanh Tmore cũng có người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Hạnh Hoa. 

Ngoài ra, hai công ty này có chung một mã số thuế, nhưng điều này là không thể với hai doanh nghiệp độc lập. Do đó, có thể bà Nguyễn Hạnh Hoa dường như đang thực hiện kế hoạch đưa hai thương hiệu trà chanh Tmore và trà sữa Phê La về cùng một mái nhà mới là Tập đoàn Tra La. 

 Dữ liệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Chụp màn hình).

Trào lưu trà chanh Tmore

Trong giai đoạn 2019-2021, thị trường F&B chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của trào lưu trà chanh. Trong khoảng thời gian này, một thương hiệu trà chanh Tmore nhanh chóng mọc lên như nấm sau mưa. Ở giai đoạn cực thịnh, thương hiệu này có hơn 180 cửa hàng hoạt động theo hình thức nhượng quyền từ Bắc tới Nam. 

Trà chanh Tmore là ý tưởng của bà Nguyễn Hạnh Hoa với mục tiêu tạo ra một thương hiệu nhượng quyền bài bản cho trà chanh. Thương hiệu này thuộc sở hữu của CTCP Tmore có địa chỉ tại số 166 Trần Đại Nghĩa, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện pháp luật.

Tmore được xây dựng dựa trên các yếu tố như không gian được đầu tư, vị trí mặt bằng đẹp, nguồn nguyên liệu pha chế được kiểm soát và có chiến lược kinh doanh - marketing rõ ràng.

Bên cạnh Tmore còn rất nhiều cái tên khác hoạt động theo hình thức nhượng quyền như Trà chanh Bụi Phố, Trà chanh Chill, Tiệm trà chanh Layla...

 Bà Nguyễn Hạnh Hoa, người sáng lập hệ thống Trà chanh Tmore. (Ảnh: Tmore).

Tuy nhiên, tương tự những trào lưu mì cay hay trà sữa từng làm mưa làm gió trên thị trường F&B Việt, Tmore cùng các thương hiệu nhượng quyền trà chanh cũng sớm rơi vào trạng thái bão hòa và dần không còn được chú ý nhiều.

Phép thử đại dịch COVID-19 như cơn bão, cuốn sạch hình bóng các quán trà chanh nhượng quyền. Từ chỗ mọc lên ồ ạt như nấm sau mưa, các thương hiệu kể trên gần như biến mất hoàn toàn trên các con phố, chỉ còn một số ít còn hoạt động tại các khu công nghiệp, trường đại học...

Trở lại với trà sữa Phê La

Trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây, Phê La nổi lên ở thị trường trà sữa Việt với concept cắm trại - xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội ở giai đoạn hậu COVID, khi người người nhà nhà tìm về thiên nhiên để chữa lành. Đây được xem là điểm khác biệt của Phê La so với những thương hiệu trà sữa có tiếng khác.

"Trong mỗi góc nhỏ tại Phê La đều có sự xuất hiện của ghế dù và bàn xếp, kết hợp với tone màu nâu trầm ấm làm chủ đạo,... khách hàng như được hoà mình vào thiên nhiên để tâm tình, thủ thỉ vài ba câu chuyện nhỏ bên những cốc trà, và bỏ lại những suy nghĩ mệt mỏi, xô bồ của cuộc sống", Phê La giới thiệu về ý tưởng concept cắm trại của họ.

 Bàn ghế theo phong cách cắm trại mà Phê La theo đuổi. (Ảnh: Phê La).

Cửa hàng Phê La với câu slogan quen thuộc "Chúng tôi bán Ô long đặc sản Đà Lạt" lần đầu tiên xuất hiện trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) vào tháng 3/2021. Cửa hàng ban đầu của Phê La có diện tích khá nhỏ, thường phục vụ bán hàng mang đi.

Dường như đây là một phép thử nghiệm của Phê La với thị trường. Sau khi tiếp cận các nền tảng giao hàng online, Phê La tiếp tục quá trình mở rộng với cửa hàng thứ hai vào tháng 5/2021. Cửa hàng này có diện tích 200 m2 ở đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Dùng Hà Nội làm bàn đạp tiến công với 9 cửa hàng, Phê La nhanh chóng tiếp cận thị trường TP HCM với 4 cửa hàng. Chuỗi trà sữa này cũng đặt một cửa hàng ở TP Đà Lạt. Theo công bố trên website, Phê La hiện đang có 15 cửa hàng trên toàn quốc.

Với tuyên bố bán trà ô long đặc sản Đà Lạt, sản phẩm của Phê La tập trung vào các thức uống làm từ trà ô long, bên cạnh cà phê. Mức giá của Phê La nằm trong khoảng 55.000-65.000 đồng/ly. Phê La từng cho biết ngay trong 5 tháng dịch bệnh căng thẳng, hãng vẫn bán ra hơn 210.000 sản phẩm, tức trung bình 42.000 sản phẩm mỗi tháng. Hiện tại, trà sữa Phê La chưa công bố bất cứ thông tin gì về hình thức nhượng quyền. 

Doanh Chính