|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO Phúc Sinh: Khi làm thương hiệu tốt, cà phê arabica của Việt Nam có thể bán ngang giá với hàng Honduras

14:38 | 07/04/2023
Chia sẻ
Ông Phan Minh Thông khẳng định khi làm thương hiệu tốt, Blue Sơn La của doanh nghiệp này có thể bán giá ngang với cà phê của Honduras, một quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất ở Trung Mỹ.

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam”, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh cho biết mỗi năm doanh nghiệp này kiếm được khoảng 250 triệu USD, trở nên thịnh vượng và có mọi thứ như nhà máy, văn phòng… là nhờ ngành nông nghiệp.

Tại hội thảo, ông Phan Minh Thông cũng chia sẻ cách Phúc Sinh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê, hạt tiêu, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp này.

Ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh chia sẻ tại hội thảo Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên)

Đứng trên vai người khồng lồ để phát triển

Từ trước đến nay, Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất khẩu dòng cà phê robusta lớn nhất thế giới, còn arabia vẫn “mờ nhạt”.

Ông Phan Minh Thông cho biết có một giai đoạn, thương hiệu arabica của chúng ta “nát khủng khiếp”, một container hàng xuất khẩu có tới 10 loại chất lượng. Sau khi biết đến vùng nguyên liệu cà phê arabica ở Sơn La, Phúc Sinh đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

“Khi quyết định đầu tư, tôi tự hỏi đâu sẽ là lợi thế của Phúc Sinh? Tôi nghĩ rằng mình phải đứng trên vai người khổng lồ để phát triển, Phúc Sinh đã liên hệ với một công ty của Mỹ, mua toàn bộ máy móc ở Colombia, thuê các kỹ sư xây dựng nhà máy chế biến lớn ở Sơn La”, ông Phan Minh Thông nói.

Sau 8 tháng thực hiện, Phúc Sinh đã khai trương nhà máy chế biến cà phê ở Sơn La, doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá, video về hành trình từ cánh đồng đến ly cà phê, đồng thời mời đối tác quốc tế đến dự và trải nghiệm. Từ đó Phúc Sinh đã xây dựng được thương hiệu cà phê Blue Sơn La, đem lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và người dân.

"Sau khi xây dựng được thương hiệu Blue Sơn La, giá cà phê tươi ở đây tăng từ 6.500 đồng/kg lên tới 15.000 đồng/kg, sản xuất được khoảng 400.000 tấn/năm. Nguyên lãnh đạo tỉnh Sơn La vui mừng chia sẻ với tôi rằng lần đầu tiên, người nông dân Sơn La trong mùa dịch có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tới hàng 2.500 tỷ đồng”, CEO Phúc Sinh nói.

Ông Phan Minh Thông khẳng định giá bán cà phê arabica của Sơn La cũng cao hơn rất nhiều so với các loại cà phê nội địa của Việt Nam hiện nay. Khi làm thương hiệu tốt, Blue Sơn La có thể bán giá ngang với cà phê của Honduras, một quốc gia sản xuất cà phê lớn ở Trung Mỹ, nổi tiếng với cà phê La Tortuga.

Vị CEO này cho rằng để biến các nguyên liệu thô thành sản phẩm chế biến có giá trị, tạo nên thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam cần phải đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sâu một cách bài bản và kiên định làm thương hiệu. Nếu doanh nghiệp chỉ đơn thuần mua đi bán lại thì sẽ không phát triển bền vững.

Indonesia, Brazil cần hàng trăm nay xây dựng thương hiệu hạt tiêu, Việt Nam chỉ cần 20 năm

Trước khi đến với lĩnh vực cà phê, Phúc Sinh Group vốn được biết đến là một doanh nghiệp nhiều năm đứng đầu về xuất khẩu tiêu.

“Vua tiêu” Phan Minh Thông cho biết khi Phúc Sinh thành lâp vào năm 2001, ngành tiêu Việt Nam còn rất nhỏ bé, cả nước xuất khẩu được khoảng 60.000 tấn hạt tiêu, chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong nguồn cung thế giới. Điều này giúp Phúc Sinh nhận ra rằng khi bước chân vào thị trường thế giới, nếu không cải thiện chất lượng sẽ không đi đến đâu.

Thị trường xuất khẩu chính của Phúc Sinh là Mỹ và EU, có yêu cầu cao về điều kiện an toàn thực phẩm, do vậy từ những năm 2010, Phúc Sinh đã theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp này bắt đầu từ những sản phẩm hạt tiêu sạch, sau đó là tiêu tiệt trùng.

Nhờ tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn, Phúc Sinh đưa hạt tiêu Việt Nam vào các thị trường khó tính hàng đầu như Mỹ, EU và hiện đã có mặt tại 102 nước trên thế giới.

"Một đối tác Canada của tôi nhận xét rằng Việt Nam phát triển ngành tiêu quá xuất sắc. Dù mới chỉ phát triển khoảng 20 năm nhưng ngành tiêu của Việt Nam đã đi khắp thế giới, hơn cả Indonesia hay Brazil đã có lịch sử hàng trăm năm phát triển ngành tiêu”, ông Thông thuật lại.

Theo CEO Phúc Sinh, một trong những thành công của ngành tiêu Việt Nam là nhập nguyên liệu thô từ Brazil chế biến sâu và tái xuất. Bên cạnh đó, chính sách nông nghiệp cũng tự do, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, song cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào doanh nghiệp, tư duy của người lãnh đạo về phát triển bền vững.

Hoàng Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.