|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp cà phê không dám ký hợp đồng xuất khẩu giao xa vì lo kịch bản 'mua giá cao, bán giá thấp' lặp lại

13:50 | 02/04/2023
Chia sẻ
Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hoá ở mức thấp. Cùng lúc, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu

Giá cà phê vẫn duy trì đà tăng mạnh trong quý I

Giá cà phê nội địa trong quý I tăng khoảng 25% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 48.600 - 49.000 đồng/kg. 

 

H.Mĩ tổng hợp

 

Giá cà phê robusta thế giới cũng diễn biến đồng pha, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với giá nội địa. Theo đó, tính đến ngày 31/3, giá cà phê robusta giao trong tháng 5 trên Sàn Giao dịch London ở mức 2.206 USD/tấn, tăng 14,5% so với đầu cuối năm ngoái. 

 

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

 

Giá cà phê tăng trong khi hoạt động xuất khẩu vẫn giảm sút. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

Một số thị trường lớn ghi nhận giảm mạnh trong nhập khẩu cà phê Việt Nam như Bỉ (43%), Nhật Bản (30%), Anh (60%) Trung Quốc (25%)…

Dự kiến số liệu xuất khẩu cà phê chính thức trong quý I sẽ được công bố vào ngày 10/4. 

Doanh nghiệp cà phê không thể gom hàng

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam cho biết (VICOFA) cho biết nguyên nhân của việc giá cà phê trong nước ở mức cao trong khi xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp khó khăn trong mua hàng. 

Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua. 

Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ thất thường. 

“Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hoá ở mức thấp. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu”, ông Hiền nói.

Việc rủi ro giá cà phê nước tăng mạnh khiến doanh nghiệp xuất khẩu chịu lỗ đối với các hợp đồng giao xa đã từng xảy ra vào năm ngoái.

Trong niên vụ cà phê 2021 - 2022, nhiều doanh nghiệp phải chịu cảnh mua giá cao, bán giá thấp đã ảnh hưởng đến lợi nhuận ngay cả khi các con số về xuất khẩu cà phê chung cả nước đạt kỷ lục. 

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Intimex - doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dẫn đầu cả nước, cho biết trong 6 tháng đầu vụ, xuất khẩu liên tục tăng (từ tháng 2 Tết) với tổng khối lượng gần 1 triệu tấn, chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu của cả vụ. 

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối, lượng xuất khẩu giảm do người dân chỉ bán với mức giá cao. Một số tháng cuối vụ, Việt Nam còn chịu cạnh tranh từ hàng robusta Indonesia được chào bán với mức trừ lùi thấp hơn.

Sau giai đoạn tháng 3, giá trừ lùi co lại giảm mạnh từ trên 450 USD/tấn xuống 50 USD/tấn. Các nhà xuất khẩu có hợp có hợp đồng giao hàng buộc phải mua nội địa giá cao. Thậm chí cuối vụ (tháng 9) do không mua được hàng nên nhiều doanh nghiệp phải xin giao hàng trễ qua tháng 10, tháng 11.  Nhiều nhà xuất khẩu nhận khiếu nại về độ ẩm bị trả hàng hoặc phải đền bù chi phí. 

CTCP Thắng Lợi là một trong những công ty chịu ảnh hưởng bởi tình trạng mua cao - bán thấp trong năm 2022. Mặc dù doanh thu trong quý IV tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 500 triệu đồng.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu của công ty đạt 450 tỷ, tăng 28% nhưng lợi nhuận giảm tới 80% xuống 1,2 tỷ đồng. 

Trước đó, trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý III, công ty cho biết mặc dù tăng trưởng doanh số bán hàng nhưng giá cà phê xuất khẩu giảm trong khi thị trường trong nước tăng nên giá thu mua nguyên liệu chính tăng cao và giá vốn bán hàng cũng tăng theo. 

Giá vốn bán của cả năm 2022 là 451 tỷ đồng tăng 32,5% và biên lợi nhuận gộp gần 4% giảm 3,3 điểm phần trăm so với năm 2021. 

 

 Nguồn: BCTC của các công ty (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

 

 Nguồn: BCTC của các công ty (H.Mĩ tổng hợp)

 

Ngoài ra, theo ông Hiền các doanh nghiệp FDI với lợi thế về nguồn tiền dồi dào nên đã gom hàng từ trước đợi khi nào doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng thì bán ra. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở niên vụ 2021 - 2022. 

“Nếu như niên vụ 2021 - 2022, tình trạng thiếu hàng chỉ xảy ra ở trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 thì niên vụ năm nay (2022 - 2023), tình trạng này xảy ra ngay từ 2 tháng đầu năm. Do đó, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều. Các doanh nghiệp FDI có nguồn tài chính dồi dào đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Hiền nói.

 

H.Mĩ

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.