|
 Thuật ngữ VietnamBiz

PV: 2020 - 2021 là khoảng thời gian đầy khó khăn với các doanh nghiệp, với với những doanh nghiệp xuất khẩu. Phúc Sinh chắc không là ngoại lệ?

Ông Phan Minh Thông: 2021 là một năm rất khó khăn với Phúc Sinh, đặc biệt là vấn đề cước tàu. Nếu như trước đây một tháng tôi phải trả tối đa 5 tỷ tiền cước tàu thì năm 2021 có những tháng số tiền ấy lên tới 32 tỷ, chưa kể tiền tip, phụ phí. Thậm chí trả tiền cao còn chưa chắc đã đặt được tàu. Giá cước cao như vậy ăn hết vào lợi nhuận. Đến giờ tôi vẫn thấy đâu đó có nhiều công ty khác không thể vực lại được. Mặc dù vậy, điều may mắn của Phúc Sinh là vẫn có thể hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng. Nhân viên của chúng tôi vẫn được đi làm trong khi người khác phải nghỉ. Phúc Sinh vẫn có thể xuất hàng và đem về doanh thu.

Kết quả là lợi nhuận của Phúc Sinh năm 2021 tăng gấp đôi so với năm 2020. Trong đó, các mảng liên quan đến xuất khẩu hàng hoá và mảng tiêu dùng đều cho kết quả tốt.

PV: Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lượng xuất khẩu tiêu của Phúc Sinh năm ngoái giảm tới 24%. Tại sao kết quả kinh doanh chung lại có thể khởi sắc trong khi lượng xuất khẩu giảm mạnh?

 

Ông Phan Minh Thông: Đó là vì chúng tôi lựa chọn khách. Có những khách hàng chào mua 100 container hàng và nhiều công ty khác đổ xô chào bán. Họ phải đẩy giá mua tiêu nguyên liệu lên để có đủ hàng. Trong khi cước tàu tăng phi mã để rồi cuối cùng lỗ. Chúng tôi không làm điều đấy. Chúng tôi chọn ra khách hàng tốt, có thể số lượng mua ít hơn nhưng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua hàng Phúc Sinh. Do đó, mặc dù lượng xuất khẩu giảm 24% nhưng giá trị lại tăng 60%.

Chúng tôi không chạy theo miếng bánh lớn nếu không có lợi nhuận. Ai trả giá cao hơn, an toàn hơn thì chúng tôi làm.

Bây giờ người mua khác xưa rất nhiều. Khi có đơn hàng lớn thay vì chỉ mua của một hai công ty như ngày trước, các công ty nhập khẩu thường chia ra, mua từ nhiều công ty tiêu Việt Nam khác nhau. Khi đó, các công ty Việt Nam phải càn quét thị trường để mua bằng được tiêu nguyên liệu. Điều này đã đẩy giá tiêu nguyên liệu lên cao. Trước khi gom hàng, nhiều doanh nghiệp dự tính lời khoảng 100 USD/ tấn. Nhưng sau khi gom hàng xong, giá tiêu tăng cộng thêm cước tàu cũng tăng thành ra không lãi được đồng nào thậm chí lỗ.

Ngày trước Phúc Sinh đi đầu trong khâu marketing và đi tận các nước để chào hàng. Thời điểm đó, chiến lược của công ty là tìm càng nhiều khách hàng càng tốt. Nhưng về sau này khi khách hàng đã quen dần và đến tận Việt Nam để tìm các nhà cung cấp khác. Bắt đầu từ đấy, chúng tôi nhận ra là cần tìm đến một phân khúc khác để làm bởi nếu cứ cạnh tranh dữ dội tại một phân khúc thì không có lời.

Ngoài ra, Phúc Sinh chuẩn bị trước kho bãi ở Mỹ, điều mà chưa có một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nào làm. Chúng tôi chuyển sẵn hàng qua đó, khi nào được giá thì bán ra. Giá thuê kho bãi ở Mỹ thì lại rất rẻ, thậm chí rẻ hơn ở Việt Nam. Ngoài mảng tiêu, mảng cà phê và tiêu dùng của Phúc Sinh năm qua cũng tăng trưởng tốt. Trong đó mảng cà phê tăng 10 - 15%.

PV: Người ta biết đến ông với biệt danh “Vua tiêu”. Nhưng những năm trở lại đây các doanh nghiệp FDI như Olam, Nedspice hay doanh nghiệp lớn khác là Trân Châu liên tục thay nhau giữ vị trí số 1. Đến lúc nào đó, Phan Minh Thông hay Phúc Sinh sẽ không còn là “Vua tiêu”?

Ông Phan Minh Thông: Đã lâu lắm rồi tôi không nghĩ đến việc mình phải sống chết để giữ vị trí số 1 mà nghĩ làm sao để đa dạng hoá tất cả mọi thứ để mình có thể cung cấp nhiều sản phẩm ra thị trường. Thời gian tới, Phúc Sinh sẽ thiên về mảng tiêu dùng, bán lẻ nhiều hơn. Cách đây 15 năm Phúc Sinh giữ vị trí số 1 trong thời gian dài rồi, cũng vì thế mà có cái danh hiệu “vua tiêu”.

Nhưng tôi tin rằng mọi người sẽ chấp nhận sự thay đổi để có được một Phúc Sinh đa dạng hoá sản phẩm, biến hoá trong lúc khó khăn thay vì mãi ở vị trí số 1 trong xuất khẩu tiêu.

Ngày xưa Phúc Sinh dồn tiền vào xuất khẩu nhưng giờ chúng tôi tập trung vào cái gì đem lại lợi nhuận hơn chứ không hẳn cứ phải giữ cho bằng được vị trí số 1 về xuất khẩu tiêu nữa.

Sắp tới sẽ có rất nhiều cửa hàng bán hàng tiêu dùng K Phúc Sinh được mở rộng. Thậm chí khách hàng có thể đến đó để uống cà phê, ăn sáng.

Nếu mãi đi theo con đường cũ, cứ đâm đầu vào tập trung xuất khẩu bằng mọi giá thì sẽ mãi luẩn quẩn trong câu chuyện bị người mua ép giá rồi thua lỗ. Nếu làm nhiều sản phẩm thì nhiều cơ hội, không sống bằng cái này thì sống bằng cái khác. Điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt cho Phúc Sinh so với các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu còn lại.

 

PV: Được biết Phúc Sinh có kế hoạch IPO, và sau đó là niêm yết để trở thành công ty niêm yết đầu tiên trong ngành tiêu xuất khẩu. Ngành tiêu có thực sự đủ lớn và hấp dẫn nhà đầu tư?

Ông Phan Minh Thông: Như tôi đã chia sẻ, Phúc Sinh đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái trong đó có cả mảng hàng tiêu dùng, bán lẻ, vốn đã rất thân thuộc với các nhà đầu tư. Chưa có công ty xuất khẩu tiêu nào vừa làm về mảng nguyên liệu, vừa có hàng tiêu dùng bởi mảng này làm rất khó, nhất là việc làm thương hiệu. Ví dụ như KCoffee hiện cũng đã có chỗ đứng, tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh cũng đã được nhiều người biết đến. Đây là phần thuận lợi rất lớn của Phúc Sinh.

Còn riêng đối với mảng xuất khẩu tiêu. Chúng tôi hiện đang làm với một số nhà tư vấn hàng đầu để tổ chức roadshow, giới thiệu về ngành, về Phúc Sinh để thu hút các nhà đầu tư. Dự kiến quý II/2023, Phúc Sinh sẽ chính thức lên sàn. Hy vọng mọi thứ sẽ thuận lợi.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Hà Mĩ
Alex Chu
Doanh nghiệp & Kinh doanh