|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơn khát khí đốt của châu Âu là rủi ro tiềm tàng cho thị trường toàn cầu

09:59 | 14/09/2021
Chia sẻ
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 35% trong tháng qua do giới đầu tư lo ngại rằng thị trường không đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông khắc nghiệt ở bán cầu Bắc, đặc biệt là tại châu Âu.

Trong nhiều năm qua, thị trường khí đốt thường khá im ắng. Song, chỉ trong vài tuần trở lại đây, thị trường bỗng trở nên nóng hơn khi nhà đầu tư nhận thấy nhu cầu khí đốt trên toàn cầu đang tăng cao và nguồn cung thì dưới mức bình thường.

Khu vực gặp rủi ro lớn nhất chính là châu Âu, CNBC nhấn mạnh. Nhà phân tích John Kilduff của Again Capital cho biết, dự trữ khí đốt tại châu Âu đang nằm dưới mức trung bình 5 năm khoảng 16% và dự trữ của riêng tháng 9 đang ở mức thấp kỷ lục.

Thậm chí, ngay cả ở Mỹ, dự trữ khí đốt cũng thấp hơn mức trung bình 5 năm hơn 7,6%, theo dữ liệu mới từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Khí đốt tự nhiên là một nhiên liệu sưởi ấm quan trọng và chịu trách nhiệm cho khoảng 35% sản lượng điện ở Mỹ.

"Châu Âu sắp rơi vào thế khó trong mùa đông năm nay. Các nước trong khu vực sẽ phải quan tâm hơn tới khí đốt, một mặt hàng vốn đã bị bỏ quên trong nhiều năm qua", ông Kilduff khẳng định.

Thời điểm mấu chốt có thể xuất hiện sau vài tháng nữa, khi thị trường biết rõ mùa đông tại châu Âu cũng như ở Mỹ sẽ diễn ra như thế nào. Một số nhà phân tích cho rằng trong kịch bản cực đoan nhất, giá khí đốt của Mỹ sẽ tăng gấp đôi nếu có đợt lạnh ở bán cầu Bắc kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu nơi mà tình trạng thiếu hụt khí đốt có thể trở nên trầm trọng.

Giá khí đốt có thể lập đỉnh 13 năm

Trong phiên giao dịch hôm 13/9, giá khí đốt giao tháng 10 tại Mỹ có thời điểm tăng gần 5,3% lên khoảng 5,2 USD/mmbtu. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tự nhiên đã nhảy vọt 106% và đang ở mức đỉnh hơn 7 năm.

Cơn khát khí đốt của châu Âu là rủi ro tiềm tàng cho thị trường toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa của Bank of America, cho hay: "Giá khí đốt tại Mỹ thường khá tách biệt, nhưng trong khoảng 3 hoặc 4 năm trở lại đây, thị trường khí đốt của Mỹ và toàn cầu thường có một mối tương quan nhất định".

Theo CNBC, Mỹ là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn trên thế giới, dưới dạng khí hóa lỏng (LNG). Lượng hàng xuất khẩu chiếm khoảng 10% sản lượng của Mỹ. Hàn Quốc là khách hàng lớn nhất, sau đó là Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, khách hàng của Mỹ còn có Brazil, Ấn Độ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.

"Nếu mùa đông năm nay thực sự giá lạnh, giá khí đốt sẽ không chỉ tăng mà còn leo thang chóng mặt", Phó Chủ tịch Daniel Yergin của IHS Markit nhấn mạnh. Chiến lược gia hàng hóa Christopher Louney của RBC Capital Markets đồng quan điểm: "Chúng tôi dự đoán rủi ro giá khí đốt tăng nóng là rất lớn…"

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, nếu mùa đông năm nay lạnh hơn thông thường, giá khí đốt của Mỹ thậm chí có thể bật tăng lên trên 10 USD/mmbtu. Đây là mức giá từng ghi nhận cách đây 13 năm, vào năm 2008.

Cơn khát khí đốt của châu Âu là rủi ro tiềm tàng cho thị trường toàn cầu - Ảnh 2.

Một tàu chở khí đốt. (Ảnh: Getty Images).

Mô hình thời tiết và nhu cầu khí đốt

Ông Brian Lovern, chuyên gia khí tượng tại hãng dịch vụ Bespoke Weather, cho biết Mỹ đang nằm trong trạng thái La Nina, có nghĩa là thời tiết có thể ấm hơn bình thường vào tháng 10 và 11 ở miền bắc đất nước. Nhiệt độ ấm hơn thì người dân sẽ giảm bớt nhu cầu sưởi ấm, do đó các doanh nghiệp sẽ chuyển thêm khí đốt vào kho dự trữ.

Trong khi đó, mùa đông ở châu Âu thường phụ thuộc vào kiểu thời tiết hình thành trên đảo Greenland. Ông Lovern nói: "Một số dấu hiệu ban đầu cho thấy mùa đông năm nay tại châu Âu không quá khắc nghiệt".

Dù vậy, hiện tại thị trường vẫn đang lo lắng rằng thời tiết lạnh giá cực đoan của năm ngoái sẽ xuất hiện trở lại. Thời điểm đó, nhu cầu khí đốt của châu Âu cao bất thường so với mọi năm.

Nguồn cung khí đốt dự trữ ở châu Âu hiện chưa đủ và một số nhà phân tích cho biết gần đây Nga đã giảm lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu. Song, đường ống Nord Stream 2 giúp đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu có thể giải quyết một phần lo ngại của thị trường.

Tuần trước, ông lớn ngành năng lượng Nga Gazprom thông báo đã hoàn thành đường ống Nord Stream 2. Hệ thống này sẽ cho phép Nga tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.

Tác động đến thị trường toàn cầu

Vấn đề của châu Âu đã thu hút sự quan tâm của các quan chức Mỹ. Ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ, bày tỏ lo ngại về nguồn cung và nguy cơ thiếu hụt khí đốt ở châu Âu nếu mùa đông trở nên khắc nghiệt.

Ông Hochstein cho biết, Mỹ có thể cung ứng thêm khí đốt hóa lỏng cho châu Âu và nguồn cung của Nga cũng đang dần cải thiện.

Phó Chủ tịch Yergin của IHS Markit cho hay: "Có nhiều hướng giải thích khác nhau cho những gì đang xảy ra ở châu Âu và tại sao nguồn cung của Nga bị hạn chế. Các cơ quan quản lý của Nga và Đức đang tranh cãi về các quy định mới cho đường ống Nord Stream 2".

Ông Yergin nói, nhu cầu khí đốt của châu Á cũng là một yếu tố khiến châu Âu có rủi ro thiếu nguồn cung. Năm nay, nhu cầu khí đốt hóa lỏng của Trung Quốc cao hơn 20% so với dự đoán ban đầu.

Giám đốc danh mục đầu tư Rob Thummel của TortoiseEcofin nói thêm rằng châu Âu cũng chưa mua đủ khí đốt hóa lỏng để xây dựng lại tồn kho. Nguyên nhân là do ngành thủy điện tại Brazil không đem lại kết quả như mong đợi.

"Hạn hán xảy ra trên khắp khu vực nên Mỹ Latin và Brazil cần khí đốt tự nhiên để sưởi ấm. Trong suốt mùa hè của châu Âu, rất nhiều lô hàng khí đốt hóa lỏng đã được chuyển đến Brazil", ông Thummel nói rõ.

Vị giám đốc của TortoiseEcofin cho rằng nước Mỹ sẽ "bình an vô sự" trong mùa đông năm nay và giá khí đốt tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể hạ nhiệt.

Song, vấn đề nằm ở việc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang giảm, và sản phẩm phụ của quá trình khai thác dầu đá phiến là khí đốt tự nhiên. Vì vậy, lượng khí đốt mà Mỹ xuất sang châu Âu có thể sụt giảm một phần, ông Thummel nhấn mạnh.

Khả Nhân

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.