Vốn ủng hộ năng lượng sạch, tại sao Tổng thống Biden lại kêu gọi OPEC bơm thêm dầu thô?
Chính quyền ông Biden nhờ cậy OPEC
Từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh hiện tượng Trái đất nóng lên ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trong cuộc tranh luận tổng thống cùng đối thủ Donald Trump hồi tháng 10/2020, ông Biden khẳng định: "Ngành công nghiệp dầu mỏ rất ô nhiễm. Theo thời gian, chúng ta phải thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo".
Tuy nhiên, vào ngày 12/8, chính quyền ông Biden đã mở lời kêu gọi Arab Saudi và các đồng minh bơm thêm dầu thô vào thị trường toàn cầu. Washington cho rằng giúp người dân tiếp cận nguồn năng lượng giá cả phải chăng là một nhiệm vụ quan trọng.
Trong một tuyên bố, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho rằng mức tăng sản lượng dầu thô của các nhà sản xuất chủ chốt trên thế giới là không đủ vào thời điểm quan trọng hiện nay khi mà các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo Bloomberg, chính quyền ông Biden đưa ra lời đề nghị với OPEC chỉ hai ngày sau khi các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới thục giục các nước nhanh chóng giảm khí thải carbon bằng cách dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ông John Kerry, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về vấn đề khí hậu, cũng kêu gọi Washington "tích cực hành động".
Giá dầu thô tăng cao làm lộ thế khó của ông Biden
Động thái mới của Washington không đồng nghĩa rằng ông Biden đột ngột quay lưng với các nguồn năng lượng sạch, song điều đó chứng tỏ Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với áp lực chính trị lớn, vì phần đông cử tri đã bỏ phiếu cho ông sẽ không chấp nhận việc giá xăng dầu tăng mạnh.
Chia sẻ với Bloomberg, một quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chính quyền ông Biden vẫn cam kết hướng đến một nền kinh tế không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và khử carbon ngành năng lượng vào năm 2035.
Đồng thời, ông Biden đang tìm cách để người dân Mỹ có thể tiếp cận với các nguồn nhiên liệu vừa túi tiền, vị quan chức cho hay. Nếu giá xăng dầu tăng cao mà không được kiểm soát, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị cản trở.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết kế hoạch tăng sản lượng hiện tại của OPEC quá chậm, gây khó khăn cho tham vọng của ông Biden.
Ở diễn biến khác, sản lượng dầu thô của ngành công nghiệp đá phiến Mỹ đã chững lại đáng kể sau khi bứt tốc trong những năm 2010. Kể từ sau năm ngoái, sản lượng dầu thô tại Mỹ đã giảm về khoảng 11,3 triệu thùng/ngày do các nhà khai thác tập trung cải thiện lợi nhuận cho nhà đầu tư thay vì rót tiền mở rộng sản xuất.
Từ đầu năm nay đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 40% và giá xăng trung bình tại các trạm xăng trên khắp nước Mỹ đã vượt mức 3 USD/gallon kể từ tháng 5. Tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước và nhảy vọt 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ.
Sau hơn một thập kỷ lạm phát neo ở mức thấp, giá cả đồng loạt tăng cao, bất luận là ở lĩnh vực nhà đất hay hàng hóa tiêu dùng. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy còn đẩy một số ngành vào căng thẳng. Giá dầu leo thang hơn nữa chắc chắn sẽ khiến bức tranh kinh tế thêm tồi tệ.
Hai động thái tương phản của chính quyền Tổng thống Biden nêu bật lên những thách thức mà các chính trị gia trên khắp thế giới phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi từ dầu mỏ sang năng lượng tái tạo mà vẫn phải giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, điều đó cũng chứng tỏ rằng những rào cản chính trị có thể buộc chính phủ các nước thu hẹp chiến lược xanh để bảo toàn lợi ích kinh tế, Bloomberg lưu ý thêm.
Ông Bob McNally, Chủ tịch của hãng tư vấn Rapidan Energy Group, nhận xét: "Chính quyền ông Biden đang chịu áp lực chính trị to lớn vì vấn đề lạm phát, trong đó việc xăng dầu tăng phi mã là thứ dễ nhận ra và gây khó chịu nhất đối với công chúng".