|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu tăng 460%, BOT Cầu Thái Hà vừa báo lỗ lớn năm 2019

10:24 | 30/01/2020
Chia sẻ
Nằm trong top cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2019, BOT Cầu Thái Hà lại ghi nhận kết quả thua lỗ trong năm 2019 trong lần đầu hạch toán kết quả kinh doanh.

CTCP BOT Cầu Thái Hà (Mã: BOT) công bố báo cáo tài chính quí IV/2019 với doanh thu thuần đạt gần 6,9 tỷ đồng; trong khi giá vốn hàng bán đến 21,3 tỷ đồng, ngoài ra công ty còn phải cõng chi phí lãi vay 26,7 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 41,5 tỷ đồng.

Cũng với lí do doanh thu thấp, giá vốn cao và lãi vay lớn, BOT Cầu Thái Hà ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 170 tỉ đồng trong cả năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên Công ty bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh. 

Kết quả này cách xa so với kế hoạch kinh doanh được BOT Cầu Thái Hà thông qua trong năm 2019 tổng doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 400 tỷ và 5,73 tỷ đồng.

Cổ phiếu tăng 460%, BOT Cầu Thái Hà thua lỗ trong năm đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh  - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính quí IV/2019 của BOT Cầu Thái Hà

Tính đến hết 31/12, tổng tài sản của BOT Cầu Thái Hà gần 1.403 tỷ đồng, giảm khoảng 84 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm chủ yếu là tài sản cố định gần 1.300 tỷ đồng. Khoản mục này được chuyển toàn bộ từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1.381 tỷ đồng sau khi trừ khấu hao.

Cổ phiếu tăng 460%, BOT Cầu Thái Hà thua lỗ trong năm đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh  - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính quí IV/2019 của BOT Cầu Thái Hà

Tiền và tương đương tiền gần 843 triệu đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 83,2 tỷ đồng chủ yếu do chi trả lãi vay gần 106 tỷ đồng. Công ty không mua sắm thêm tài sản cố định (năm trước hơn 111,4 tỷ đồng).

Nguồn tiền trong năm được duy trì chủ yếu nhờ khoản tăng từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ 85 tỷ đồng. Toàn bộ khoản 85 tỷ đồng này được Công ty sử dụng để thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính.

Cổ phiếu tăng 460%, BOT Cầu Thái Hà thua lỗ trong năm đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh  - Ảnh 3.

Danh sách nhà dầu tư chiến lược tham gia đợt phát hành riêng lẻ (Nguồn: Công bố thông tin của BOT Cầu Thái Hà)

Cơ cấu nguồn vốn với tổng nợ phải trả chiếm tới 77,5%, gấp khoảng 3,5 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là vay và vợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.022 tỷ đồng.

Năm 2019, BOT Cầu Thái Hà quản lý và vận hành trạm BOT Cầu Thái Hà, thực hiện thu phí dự án. Ngoài ra, Công ty tham gia lĩnh vực đầu tư nạo vét các vùng sông, biển trên cả nước.

Bên cạnh đó, Công ty đầu tư vào dự án chế biến và tiêu thụ quặng sắt, đầu tư xây dựng các dự án bất động sản và chung cư Hạ Đình (góp vốn cùng công ty mẹ là Công ty TNHH Tiến Đạt Phát). Dự án khác của Công ty là dự án đầu tư y dược – bệnh viện, xây dựng và vận hành Trung tâm sản nhi giai đoạn I quy mô 560 giường bệnh thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh theo mô hình xã hội hóa.

Toàn bộ nguồn vốn đầu tư của Công ty tại các dự án huy động thông qua phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi hoặc vốn vay trực tiếp từ tổ chức tín dụng, cá nhân.

Cổ phiếu tăng 460%, BOT Cầu Thái Hà thua lỗ trong năm đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh  - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu BOT kể từ lần đầu lên UPCoM (Nguồn: VNDirect)

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BOT tăng 5,6 lần cho đến 21/1 với 55.600 đồng/cp từ thời điểm giao dịch lần đầu trên UPCoM ngày 14/2/2019. Giá trị vốn hóa thị trường 2.224 tỷ đồng.

Sau khi lên thị trường chứng khoán, anh ruột của của Ngô Tiến Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị của BOT Cầu Thái Hà là ông Ngô Tiến Cường liên tục đăng ký bán cổ phần tại công ty vào thời điểm giá cổ phiếu tăng mạnh. Đến tháng 9, ông Cường bán thành công hơn 1,2 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ vốn còn 1,49%.

Một giao dịch cá nhân đáng chú ý khác thuộc về bà Nguyễn Thị Lan Hương khi không còn là cổ đông lớn sau thời điểm bán ra 245.900 cổ phiếu, tỷ lệ vốn còn lại là 4,65%.

Đặc biệt, cổ đông lớn nhất của BOT Cầu Thái Hà là Công ty TNHH Tiến Đạt Phát có ý định bán 10 triệu cổ phần của ty ngay sau 3 tháng lên UPCoM. Tuy nhiên, giao dịch này không thành công. Ông Cương hiện đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tiến Đạt Phát.

Tiến Đạt Phát đang nắm giữ tỷ lệ vốn gần 59,5% tại BOT Cầu Thái Hà. Cổ đông lớn thứ hai là CTCP CNC Capital Việt Nam với hơn 21%. Tiếp đến là CTCP PIV với hơn 10,4%.

Theo thông tin từ website BOT Cầu Thái Hà, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà có tổng vốn đầu tư 1.709 tỉ đồng, sử dụng khoảng 24,1 ha đất.

Dự án có tổng chiều dài tuyến chính 2.846 m. Trong đó, phần cầu dài 2.159 m và phần đường dẫn dài hơn 687 m (phía Hà Nam dài 316 m, phía Thái Bình dài 371 m).

Công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng được khởi công vào ngày 17/10/2014 và hoàn thành vào năm 2016 nhưng sau khi dự án hoàn thành 2 năm vẫn không được thu phí.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên cơ sở sự chấp thuận của Bộ GTVT, CTCP BOT Cầu Thái Hà đã triển khai thu phí dịch vụ tại trạm thu phí BOT cầu Thái Hà từ 0h ngày 10/1/2019.

Tuy nhiên, chỉ sau nửa ngày, đến 11h ngày 11/1/2019 phải ngưng thu phí do xung đột với liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh và CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Bắc.

Được biết, hiện một số phương tiện (chủ yếu là nội vùng) đã lưu thông và trả phí ở BOT cầu Thái Hà.


Minh Đăng