Có một quyền năng tín dụng 'buông rèm nhiếp chính'
Nói là “buông rèm nhiếp chính”, vì nó không xuất hiện trực diện với vai trò một công cụ truyền thống và kinh điển trong điều hành như lãi suất, dự trữ bắt buộc, hay các giới hạn an toàn CAR, LDR…, nhưng lại có quyền năng và tác động lớn. Năm 2016 ghi nhận rõ hơn sức ảnh hưởng của nó.
Đó chính là cơ chế Ngân hàng Nhà nước xem xét giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại, căn ke từng thời điểm trong năm.
Dù đường không hẹp…
Sức nặng quyền năng của cơ chế trên như thế nào? Năm 2016 có những dữ kiện điển hình để tham khảo.
Ngay đầu năm, thị trường xôn xao khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng mạnh hệ số rủi ro trong cho vay lĩnh vực bất động sản, lên tới 250%. Đến giữa năm, tình huống này khép lại, với bước đầu chỉ 150%.
Tưởng như giới kinh doanh bất động sản, hay những quan ngại trước đó sẽ thở phào. Không hẳn vậy. Sau “rèm”, cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới thực sự là công cụ “nhiếp chính”.
Tương tự, với cho vay đầu tư chứng khoán, ngay cả khi nếu được áp hệ số rủi ro thấp, không siết giới hạn theo quy mô vốn tự có hoặc vốn điều lệ của các nhà băng, thì cũng không có nghĩa là được cho vay thoải mái.
Rồi theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2015 và tiếp tục nhấn mạnh nhiều lần trong 2016, cho vay các dự án giao thông BOT… cũng là một dẫn chứng.
Chủ trương chung Ngân hàng Nhà nước nêu và khẳng định nhiều lần: không khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay quá nhiều vào những lĩnh vực trên.
Vậy trường hợp nào cho vay vào những lĩnh vực đó quá nhiều thì sao? Ngân hàng Nhà nước sẽ siết lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, “đánh” trực tiếp vào đầu ra và nguồn thu, theo các tiêu chí, đánh giá khi cấp chỉ tiêu từng năm, từng thời điểm trong năm.
Như 2016, theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, đến tận những tháng cuối năm, dù nhu cầu vay của doanh nghiệp tăng cao, nhưng họ vẫn phải ngóng nhà điều hành, xem chỉ tiêu của mình có được nới hay không.
Với định hướng lái vốn của Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây, bên cạnh việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn, điều kiện vốn tốt, nếu thành viên nào tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, sẽ được tạo điều kiện về chỉ tiêu tín dụng, và ngược lại.
Cái lý của quyền năng
Thực ra cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng không mới. Giai đoạn 2008 - 2011 thị trường đã từng ghi nhận, có phần ngột ngạt và cứng nhắc hơn. Nhiều thành viên đã từng phản ứng khi Ngân hàng Nhà nước áp trần tăng trưởng tín dụng cả năm tối đa 20%, vì cào bằng các thực tế và điều kiện.
Về sau, cơ chế linh hoạt hơn, chỉ tiêu hàng năm khác nhau giữa các thành viên, có cao, có thấp, có rất cao và có những trường hợp không được tăng trưởng hoặc cực thấp…
Dù vậy, đã linh hoạt hơn, nhưng theo ghi nhận của VnEconomy, vẫn có những ý kiến trong hệ thống cho rằng đây là cơ chế cần xem xét lại, vì can thiệp quá sâu đến hoạt động của họ, cũng như phải minh bạch các điều kiện, tiêu chí khi xem xét giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Một mặt, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện có thể khó chịu, bức bí với những giới hạn tốc độ. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, đã có các quy định hiện hành, cơ chế trên càng tạo thêm cơ chế xin cho, hành chính và họ bị thụ động trong kinh doanh.
Cụ thể, với khung pháp lý hiện hành, các ngân hàng đã bị bó buộc chứ không phải muốn cho vay bao nhiêu cũng được. Đó là giới hạn về tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR), chỉ được 80-90% tuỳ loại hình; hay tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) phải đảm bảo 9% để cân đối; các hệ số rủi ro xác định cụ thể trong cho vay…
Song, Ngân hàng Nhà nước có cái lý khi áp dụng quyền năng này.
Ngay từ đầu năm 2011, bắt đầu áp trần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, bối cảnh đầu tiên và rõ ràng là lạm phát vừa có những năm bùng nổ, yêu cầu hãm yếu tố tiền tệ đặt ra.
Và như 2016, việc xem xét chỉ tiêu cho từng thành viên đã linh hoạt hơn, nhưng chặt chẽ cho đến những tháng cuối năm, vì mối quan hệ giữa lạm phát (có áp lực tăng trở lại) với tiền tệ cần được chủ động đề phòng, kể cả với độ trễ rút ngắn sang năm 2017.
Cùng với lạm phát, việc căn chỉnh mức tăng tín dụng của mỗi ngân hàng thương mại, chi tiết đến từng quãng trong năm, tổng thể lại cũng nằm trong yêu cầu cân đối chính xác hơn cho các vùng lãi suất, tỷ giá mục tiêu của nhà điều hành muốn đạt đến.
Ngoài ra, cái lý của cơ chế này còn để sát thực hơn trong kiểm soát các điều kiện thực tế cho vay tại mỗi ngân hàng, tránh tình trạng lạm dụng tăng tín dụng để cuồng huy động vốn và cạnh tranh, xáo trộn lãi suất; tránh tình trạng các chỉ số an toàn thực tế có thể lệch với báo cáo mà cho vay quá tay; và quan trọng hơn là một sự phòng ngừa trong hoạt động cho vay nói chung, để hạn chế tình trạng phải đi xử lý, khắc phục sau khi sự đã rồi, hoặc tương lai phải trả giá…
Và nếu đặt mình ở vị thế của nhà điều hành, dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước muốn có và muốn tạo được những quyền năng linh hoạt hơn, có sức nặng ảnh hưởng để điều hành chính sách và quản lý hệ thống chặt chẽ hơn nữa.
Cho nên, năm 2017, dự kiến cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng thành viên, giám sát và có thể điều chỉnh tuỳ tình hình thực tế các thời điểm trong năm, sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng. Việc còn lại là thực hiện công bằng và minh bạch như thế nào mà thôi.