|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm khách hàng mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới

08:16 | 12/08/2023
Chia sẻ
Với quy mô nền kinh tế internet đứng thứ 3 khu vực, các doanh nghiệp Việt đứng trước cơ hội tham gia sâu rộng vào thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tại toạ đàm "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới" diễn ra vào ngày 11/8, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng TMĐT phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam ...

Theo Statista,thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 22% tổng tỷ trọng TMĐT trên thế giới năm 2022. Tại các thị trường EU năm 2022, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 220 tỷ euro và chiếm khoảng 38,9% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.

Theo số liệu Chính phủ Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2021 của nước này đạt tổng cộng 2,25 nghìn tỷ USD, chiếm 40% tổng doanh số TMĐT.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, ước tính doanh thu TMĐT bán lẻ trong năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

6 tháng đầu năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Việt Nam ghi nhận số lượng người mua hàng trực tuyến tăng mạnh. (Ảnh minh hoạ: Diễm Ly)

Theo đánh giá của Google và Temasek, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế internet đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia, Thái Lan), khi đạt 49 tỷ USD năm 2022. Dự báo trong giai đoạn 2022 – 2025, kinh tế internet Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

Trước đây, khi cần mua hàng hóa ngoại nhập, người tiêu dùng Việt luôn phải chờ đợi đến khi có doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lại, hoặc phải trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm và đặt hàng. Hiện nay, chỉ cần truy cập vào các trang TMĐT lớn như Amazon, Ebay, Alibaba…, bất kì ai cũng có thể tiếp cận với hàng tỷ sản phẩm từ vô số nhà cung cấp trên toàn thế giới.

Các hình thương mại điện tử xuyên biên giới rất đa dạng, người tiêu dùng có thể mua hàng toàn cầu thông qua website/ứng dụng TMĐT, thông qua mạng xã hội, hoặc thông qua các ứng dụng mua hộ,...

Với doanh nghiệp, việc đăng bán trực tiếp trên các trang TMĐT quốc tế là cách nhanh nhất để kết nối với khách hàng, tìm thị trường xuất khẩu và đối tác mới. Hình thức này vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối tại nhiều thị trường với chính thương hiệu của sản phẩm.

Theo Bộ Công Thương năm 2023, có 35% người tiêu dùng mua hàng trên các website nước ngoài, 43% người tiêu dùng mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT Việt Nam.

Đại diện Bộ Công thương chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, qua việc tham gia vào hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nội dung về TMĐT cũng bắt đầu xuất hiện trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP),…

Đây được coi là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam, góp phần kết nối trở lại chuỗi cung ứng xuyên biên giới đang bị đứt gãy do đại dịch, mở đường cho những sản phẩm vốn là thế mạnh trong nước tiếp tục tiếp cận thị trường quốc tế.

Diễm Ly