TP HCM dẫn đầu chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2023
Tuần qua, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, trong đó có phần chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) theo địa phương năm 2023.
Theo đó, trụ cột đầu tiên trong chỉ số TMĐT Việt Nam là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT). Trụ cột này năm qua vẫn giữ nguyên là một chỉ tiêu quan trọng như các năm trước.
Nhóm chỉ tiêu thành phần của chỉ số này bao gồm khả năng đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực TMĐT, mức độ ưu tiên tuyển dụng đối với nhân sự có kỹ năng hoặc được đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT, mức độ lao đồng thường xuyên sử dụng e-mail hay các công cụ hỗ trợ khác như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo,… trong công việc, tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc đầu tư vào hạ tầng CNTT và TMĐT.
Mặt khác, trụ cột này cũng được bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu quan trọng có tính chất định lượng, thông qua đó làm tăng thêm độ chính xác của bộ chỉ số. Chỉ tiêu đầu tiên có thể kể tới được bổ sung vào trụ cột hạ tầng và nguồn nhân lực là tỷ lệ tên miền trên dân số của tỉnh/thành phố được tổng hợp từ Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) và Tổng cục Thống kê. Ngoài ra, mức độ sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử cũng ngày càng được coi là một hạ tầng thiết yếu cho kinh doanh trực tuyến.
Theo báo cáo của VECOM, TP HCM là khu vực dẫn đầu về chỉ số NNL&HT năm nay. Xếp ở các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lần lượt là Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng. Mặt khác, các tỉnh/thành phố xếp cuối về chỉ số này lần lượt là Trà Vinh, Đắk Nông, Bắc Kạn, Kon Tum và Sóc Trăng.
Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tiếp tục được xây dựng dựa trên nhóm các chỉ tiêu thành phần bao gồm xây dựng website doanh nghiệp, website của doanh nghiệp có tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook...) với khách hàng không, doanh nghiệp có tham gia bán hàng qua các nền tảng như mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử hay không, website có phiên bản di động hay không, doanh nghiệp có xây dựng các ứng dụng bản sản phẩm trên các nền tảng di động không,…
Về chỉ số này, Hà Nội là khu vực dẫn đầu. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là TP HCM, Bình Dương, Hải Phòng và Nam Định. Trái lại, những tỉnh/thành phố xếp cuối bảng xếp hạng về chỉ số này gồm Kon Tum, Đắk Nông, Bắc Kạn, Ninh Thuận và Lạng Sơn.
Trụ cột thứ ba là chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong năm 2022 được xây dựng từ các tiêu chí như sử dụng các phần mềm trong doanh nghiệp, sử dụng chữ ký điện tử, sử dụng hợp đồng điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến,…
Với chỉ số này, TP HCM lại tiếp tục là nơi dẫn đầu, theo sau lần lượt là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng. Mặt khác, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kon Tum, Tiền Giang và Bình Phước là các tỉnh/thành phố xếp cuối bảng xếp hạng về chỉ số này.
Tựu chung lại, chỉ số TMĐT Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT), giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
TP HCM tiếp tục dẫn đầu xếp hạng chỉ số TMĐT Việt Nam 2023 với 89,2 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 85,7 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Đà Nẵng với 39,5 điểm.