|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cô gái chuyên xử lý 'cơn ác mộng' hàng tồn kho cho doanh nghiệp

08:26 | 10/10/2018
Chia sẻ
Để giúp doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, nữ doanh nhân Mai Thanh Thủy áp dụng phương thức giao dịch “hàng đổi hàng”.

Khi còn là sinh viên năm thứ ba, Mai Thanh Thủy thử thách bản thân bằng cách thực tập tại một ngân hàng – lĩnh vực cô đang học. Nhận thấy công việc không phù hợp, khó đặt ra lộ trình tương lai, cô quyết định từ bỏ để thành lập công ty Tiffany and Son, dấn thân vào thương mại điện tử với dự án kết nối điểm thưởng. Tuy nhiên, dự án thất bại do thiếu nguồn lực để đầu tư. Sau đó, cô và cộng sự tiếp tục thực hiện ba kế hoạch kinh doanh khác nhưng vẫn chưa thành công.

co gai chuyen xu ly con ac mong hang ton kho cho doanh nghiep
Mai Thanh Thủy - người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Tiffany and Son. Chiến lược kinh doanh của công ty là ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp thay vì hợp tác mùa vụ, một lần

Thủy cho biết, khi tiếp xúc với đối tác, cô nhận ra hàng tồn kho là mối quan tâm hàng đầu của mọi chủ doanh nghiệp. Vì hàng tồn kho lớn phản ánh tình trạng đình trệ sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến dòng tiền nuôi dưỡng công ty. Để gỡ nút thắt này, cô nảy ra ý tưởng kinh doanh về giải pháp xử lý hàng tồn kho.

“AnyExchange là công cụ giúp doanh nghiệp lớn xử lý hàng tồn kho bằng phương thức barter (hàng đổi hàng), không dùng tiền mặt. So với chương trình khuyến mãi, thanh lý, voucher, barter giải quyết hàng tồn kho nhưng vẫn giữ nguyên giá trị sản phẩm”, Thủy nói.

Nhân viên kinh doanh Tiffany and Son làm việc với chủ doanh nghiệp để nhập thông tin vào hệ thống. Sau đó, AnyExchange tìm doanh nghiệp muốn trao đổi hàng hóa, rồi gửi đề xuất hợp tác tới hai bên. Dựa vào giá niêm yết, tình trạng hàng hóa, công ty gợi ý doanh nghiệp điều chỉnh giá thành giúp các đối tác cảm thấy hài lòng. Đặc biệt, giải pháp này áp dụng cho mọi sản phẩm, dịch vụ, thậm chí là nhân công, phòng khách sạn.

co gai chuyen xu ly con ac mong hang ton kho cho doanh nghiep
Giao diện website AnyExchange.

Để tối ưu hóa xử lý hàng tồn kho, Tiffany and Son ký kết hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp thay vì hợp tác mùa vụ, một lần. Công ty ghi nhận mọi thông tin thương hiệu, tình trạng hàng hóa, lưu trữ dữ liệu trên hệ thống để kịp thời trao đổi sản phẩm khi nhu cầu phát sinh. Ngoài ra, công ty còn tư vấn cho doanh nghiệp giải pháp xử lý hàng tồn kho trong tương lai.

Chia sẻ về thương vụ trao đổi hàng hóa đặc biệt nhất, Mai Thủy tiết lộ cô dự định đàm phán với một hãng máy bay đã phá sản của Campuchia nhằm trao đổi chiếc Boeing mà họ bỏ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất. Cô đã lên kế hoạch biến chiếc máy bay thành đồ chơi cho trẻ em, hoặc người lớn.

“Yếu tố cốt lõi trong trao đổi hàng hóa là đầu vào và đầu ra. Hơn nữa, Tiffany and Son là đơn vị đầu tiên xử lý hàng tồn kho chuyên nghiệp đầu tiên. Công ty có kinh nghiệm nhiều năm nuôi dưỡng, chuẩn bị kế hoạch trưởng thành cho đứa con tinh thần. Bởi vậy, doanh nghiệp khác bắt đầu làm theo mô hình kinh doanh tương tự cần vừa học hỏi, mở rộng quan hệ, vừa phải trải qua quá trình chúng tôi từng vận hành trong nhiều năm”, Thủy nhấn mạnh nét khác biệt để cạnh tranh của doanh nghiệp.

Video: Mai Thanh Thủy chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp trong Café Khởi nghiệp.

Đến nay, AnyExchange đã thực hiện thành công hàng trăm chương trình trao đổi hàng hóa cho hệ thống doanh nghiệp đa ngành. Công ty sở hữu mạng lưới trên 50 đối tác là tập đoàn sản xuất, dịch vụ lớn cùng nhiều cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, mạng xã hội.

Nữ doanh nhân dự định phát triển hệ thống tự động giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tự cập nhật thông tin hàng tồn kho, giao dịch với đối tác. Bên cạnh đó, cô còn ấp ủ tham vọng chinh phục thị trường Singapore, Thái Lan vào cuối năm sau.

Xem thêm

Bùi Mến

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.