|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CNBC: Tổng thống Trump tuyên bố đang thắng lớn trước Trung Quốc, dòng chảy thương mại lại vẽ ra một bức tranh rất khác

16:50 | 14/11/2019
Chia sẻ
Kể từ đầu tháng 10, Tổng thống Trump liên tục khoe về những thắng lợi lớn trước Trung Quốc và hứa hẹn đem về nhiều lợi ích hơn nữa cho nước Mỹ. Tuy nhiên, dòng chảy thương mại giữa hai cường quốc này lại cho thấy một bức tranh rất khác so với khẳng định của ông Trump.
iStock-938732310-e1527201216179-1030x615

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trade Vistas)

Một tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông đã chốt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Trên thực tế đây chỉ là giai đoạn đầu của một thỏa thuận toàn diện.

Kể từ đó, Nhà Trắng đã đưa ra vô số tuyên bố về "thắng lợi" trong cuộc đàm phán nhưng khẳng định chỉ kí thỏa thuận khi "các điều khoản trở nên hợp lí".

Những lời khoe khoang trên đã làm mờ đi nội dung thực tế của thỏa thuận thương mại sơ bộ này. Theo CNBC, cách duy nhất để dẹp bỏ những lời hứa và bình luận trái chiều là phân tích dòng chảy thương mại hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc.

Với 90% khối lượng hàng hóa được vận chuyển thông qua đường biển, đây là thước đo thực chất nhất về tình hình cung - cầu. Dòng chảy thương mại rất khó đoán biết, vì nó dịch chuyển bất kể ai là người thắng hay kẻ thua cuộc.

Tác động của thương chiến Mỹ - Trung và vô số cơ hội dù lớn hay nhỏ mà doanh nghiệp Mỹ đã đánh mất không thể theo dõi thông qua các báo cáo lợi nhuận được mà phải qua hoạt động xuất khẩu của Mỹ.

Do đó, theo tính toán dựa vào sự sụt giảm khối lượng hàng hóa trên các container, tàu chở hàng và tàu chở dầu đi vào các cảng biển của Mỹ, dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thuận về vấn đề gì trong thỏa thuận thương mại, nó cũng sẽ không bao giờ bù đắp được cho những tổn thất kéo dài trong cuộc thương chiến.

Cảng Los Angeles - minh chứng cho hàng loạt tổn thất nặng nề của Mỹ

Xét dưới góc độ các tổn thất do thương chiến gây ra, không bằng chứng nào rõ ràng hơn Cảng Los Angeles - cảng biển lớn nhất nước Mỹ. Khối lượng hàng hóa xuất từ Mỹ sang Trung Quốc từ cảng biển nhộn nhịp này đã giảm trong 12 tháng liên tiếp.

Trong tháng 10, tổng lượng hàng hóa xuất đi từ Cảng Los Angeles sụt giảm 19,1% so với cùng kì năm ngoái. Thuế quan trả đũa của Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến 96,6% hàng hóa Mỹ đi qua khu phức hợp này để sang Trung Quốc, với giá trị tương đương 19,9 tỉ USD.

Nếu tính gộp thuế quan trả đũa từ các quốc gia mà Mỹ đang có tranh chấp thương mại, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng lên đến 20,2 tỉ USD, tương đương 28,8% tổng giá trị xuất khẩu đi qua hệ thống Cảng Los Angeles.

95% người tiêu dùng trên thế giới ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, do đó thuế quan áp lên hàng hóa Mỹ gần như đã loại tên tuổi của các nhà sản xuất Mỹ khỏi thị trường toàn cầu.

Nông nghiệp, khí hóa lỏng, bán lẻ: thêm bằng chứng cho lời hứa suông của ông Trump

Tác động của hàng loạt tổn thất mà Mỹ phải gánh chịu sẽ còn kéo dài và biến động. Chỉ tính riêng mảng nông nghiệp, Mỹ đã thiệt hại hơn 11 tỉ USD nhưng ảnh hưởng của cuộc thương chiến còn vượt ra ngoài lĩnh vực này.

Việc Tổng thống Trump hứa hẹn Trung Quốc sẽ mua 40 - 50 tỉ USD nông sản Mỹ trong thỏa thuận giai đoạn một chỉ là một dòng tiêu đề bị thổi phồng quá mức.

Nếu phân tích số liệu thì trong hai năm trước thương chiến, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực giao dịch nông sản chỉ thu được 49,807 tỉ USD. Trung Quốc sẽ phải mua đến 50 tỉ USD nông sản trong thời hạn hai năm thì lời hứa của ông Trump mới được xem là đã hoàn thành.

Tuy nhiên, để được coi là "thắng lợi" cho chính quyền Tổng thống Trump trong đàm phán thương mại thì giá trị doanh thu bị mất thời gian qua cũng cần được tính vào. 

Nông nghiệp không phải là lĩnh vực duy nhất đang cố gắng bịt lỗ hổng doanh thu từ thị trường Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang mở rộng quan hệ hợp tác về lĩnh vực khí hóa lỏng với Qatar và Australia, trong khi "nghỉ chơi" với Mỹ.

Trong 12 tháng trước thương chiến, sản phẩm khí hóa lỏng của Mỹ chiếm 4,3% tổng nhập khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc chiếm 16% tổng xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ. Trong 12 tháng tính đến tháng 8/2019, tỉ lệ khí hỏa lỏng Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã giảm mạnh xuống còn 1%. 

Cùng chung số phận, tỉ lệ dầu thô Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 20% trong 12 tháng tính đến 1/2018 xuống chỉ còn 1,2% trong 12 tháng tính đến 8/2019.

Cùng lúc này, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như kế hoạch "China 2025". Dòng chảy thương mại song phương cho thấy Trung Quốc đang tránh xa Mỹ và chuyển sang châu Âu.

Lĩnh vực bán lẻ và công nghệ của Mỹ cũng được cho là tổn thất hàng tỉ USD. Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này phải trả thêm 38 tỉ USD kể từ khi thương chiến bắt đầu vào tháng 2/2018 cho đến tháng 9/2019.

Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ cho biết đợt thuế quan có hiệu lực vào ngày 1/9 đã khiến người dân và doanh nghiệp Mỹ tổn thất thêm 15,5 tỉ USD.

Như vậy, trong khi Tổng thống Trump hứa hẹn về nhiều thắng lợi trước Trung Quốc, dòng chảy thực sự của thương mại lại vẽ nên một bức tranh rất khác.

Khả Nhân