|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia tâm lí học: Người dân thế giới không hoảng loạn, chỉ đang phản ứng theo lẽ thường trước dịch COVID-19

11:32 | 17/03/2020
Chia sẻ
Tích trữ hàng hóa, quét sạch siêu thị, lo lắng triền miên vì dịch COVID-19 không phải là tâm lí hoảng loạn, mà đó chỉ là một phản ứng bình thường và hợp lẽ trong thời dịch bệnh. Trái với hiểu biết thông thường, trạng thái này còn giúp con người xích lại gần nhau.

* Bài viết là chia sẻ cá nhân của giáo sư tâm lí học Simon Wessely trên tờ Financial Times.

Ngay cả chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cũng hoảng loạn

Mở đầu bài viết, giáo sư Simon Wessely cho hay ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyện có thể xảy ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi giáo sư Wessely bắt tay vào thực hiện bài viết này vào cuối tuần trước, vợ ông đang ở Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump chưa tuyên bố lệnh hạn chế nhập cảnh. Ông thì mong chờ được xem đội bóng mình ủng hộ - Chelsea, trong trận đối đầu với Aston Villa.

Một tuần sau, toàn bộ trận bóng đá đều bị hủy bỏ và có khả năng toàn bộ sự kiện công cộng qui mô lớn sẽ bị cấm. Chính phủ Mỹ tuyên bố hạn chế nhập cảnh đối với đa phần khách nước ngoài đến Mỹ.

Vợ ông Wessely hiện đã trở lại Anh, nhưng bà cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). May mắn thay, bà nhanh chóng hồi phục và vị giáo sư vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, lời khuyến nghị mà ông nhận được khi là người tiếp xúc gần gũi với vợ thì thay đổi liên tục.

Vào đầu tuần này, ông Wessely phải tự cách li trong 14 ngày. Hiện tại, ông không phải chịu bất kì lệnh hạn chế nào trừ khi có triệu chứng nhiễm COVID-19. Những khuyến nghị trái ngược này có phải gây ra nhiều bối rối không?

Chuyên gia tâm lí học: Không phải hoảng loạn, người dân thế giới chỉ đang phản ứng theo lẽ thường trước dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bức họa mô tả cảnh người dân tích trữ hàng hóa trong tâm lí hoảng loạn. (Ảnh: Getty Images)

Ba nguyên tắc khi xử lí khủng hoảng: Không trấn an quá sớm, không khuyên người dân dừng hoảng loạn và hãy tìm đến chuyên gia y tế

Theo Financial Times, ông Wessely là một trong nhiều nhà khoa học được đề nghị đưa ra lời khuyên cho chính phủ Anh vào những lúc như thế này.

Khi các đồng nghiệp và ông thảo luận với quan chức chính phủ Anh được giao nhiệm vụ giao tiếp với công chúng, ông sẽ bắt đầu với ba nguyên tắc cơ bản: không trấn an quá sớm; không khuyên mọi người đừng hoảng sợ; và đưa các bác sĩ cũng như nhà khoa học lên sóng truyền hình càng sớm càng tốt.

Thông thường, quan chức chính phủ Anh sẽ hỏi có gì sai khi khuyên mọi người đừng nên hoảng sợ. Trước tiên, những người vốn đang hoảng loạn nhiều khả năng sẽ không hợp tác. Thứ hai, những người không hoảng loạn sẽ bắt đầu tự hỏi liệu họ nên lo lắng hay không.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là ông Wessely và đồng nghiệp hiểu rằng trong các trường hợp khẩn cấp, đa phần mọi người không phải lúc nào cũng hoảng loạn.

Tâm lí hoảng loạn giúp con người xích lại gần nhau hơn?

Chẳng hạn, quá trình sơ tán Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ diễn ra mà gần như không cần sự giúp đỡ của các đơn vị ứng cứu khẩn cấp.

Các cá nhân phản ứng đầu tiên trước sự việc chính là những người bị kẹt trong tòa nhà và họ hành động một cách bình tĩnh và tự chủ, giúp người khác thoát khỏi đó. Tâm lí hoảng loạn thật sự, hoặc sự mất kiểm soát hành vi tự chủ, thường chỉ xảy ra trong hai trường hợp sau.

Trường hợp đầu tiên là khi mọi người lo sợ họ đang trong tình huống nguy hiểm nhưng không tìm thấy lối thoát. Một vụ hỏa hoạn trong hộp đêm, nơi lối thoát đã bị chặn từ trước, là một ví dụ điển hình.

Trường hợp thứ hai là khi mọi người nhận thấy họ đang bị từ chối điều trị để cứu tính mạng mình, đặc biệt là do sự mất kiểm soát của cơ quan chính phủ.

Lập luận này có thể áp dụng cho tình trạng tích trữ hàng hóa trong hoảng loạn, khiến siêu thị trống trơn thời gian gần đây. Nguyên nhân là do người dân đã được cảnh báo cần phải chuẩn bị cho khả năng bị cách li bắt buộc hai tuần.

Tích trữ nhu yếu phẩm không phải là hoảng loạn, mà là một phản ứng hợp lí và thích hợp trong hoàn cảnh này. Bản thân ông Wessely đã mua đủ giấy vệ sinh, thức ăn cho chó và rượu vang đủ để gia đình dùng trong thời gian khó khăn.

Các tin tức về đám đông hỗn loạn ở Milan đã biến mất ngay sau khi chuỗi cung ứng được bảo đảm.

Theo giáo sư Wessely, chúng ta biết rằng khi mọi người bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình huống, mức độ lo lắng sẽ tăng lên, nhưng mức độ tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh cũng tăng lên.

Thăm dò ý kiến của công chúng Anh tại thời điểm hiện tại cho thấy tâm lí lo lắng gia tăng, nhưng mức độ ý thức về các biện pháp phòng ngừa như tránh bắt tay cũng tăng.

Ông Wessely cho rằng đã đến lúc chúng ta cấm sử dụng từ hoảng loạn trong dịch COVID-19. Miêu tả phản ứng tự nhiên của công chúng là hoảng loạn có thể khiến các nhà hoạch định chính sách kết luận rằng người dân nên được kiểm soát kĩ vì sức khỏe của họ.

Khi con người hoảng loạn, thường sẽ có một ai đó để đổ lỗi. Tuy nhiên, hoảng loạn không phải lúc nào cũng xấu.

Như tác giả Samuel Cohn viết trong cuốn Epidemics: Hate and Compassion from the Plague of Athens to Aids, cũng như tâm lí ghét bỏ, kì thị và bạo lực, dịch bệnh cũng có thể giúp con người xích lại gần nhau.

Theo trang web của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Anh (NIHR), ông Simon Wessely là giáo sư tâm lí học tại King's College London, từng là Chủ tịch Đại học Tâm thần học Hoàng gia Anh, điều tra viên cấp cao của NIHR, thành viên cấp cao của Bộ Y tế Anh, Văn phòng Nội các Anh,...

Yên Khê