|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam cần chuẩn bị gì trước khi nâng hạng?

16:30 | 14/11/2023
Chia sẻ
Sau nhiều năm nỗ lực, khả năng chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi dần sáng tỏ hơn. Nhưng để gặt hái được những cơ hội lớn từ dòng vốn ngoại, các doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi.

Nâng hạng thị trường là câu chuyện liên tục được nhắc đến trong năm 2023. Mục tiêu nâng hạng vào 2025 cũng được lãnh đạo Bộ Tài chính nhắc lại mới đây.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 do VietnamBiz phối hợp CFO Việt Nam tổ chức với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền”, đại diện cơ quan quản lý thị trường cùng các chuyên gia đã đưa ra nhiều góc nhìn sâu sát và đa chiều xoay quanh câu chuyện này.

Cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh quy định

Đại diện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, cho biết phía cơ quan quản lý đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của khối ngoại.

Đồng thời, UBCKNN tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi tổng thể các quy định pháp luật chứng khoán và các pháp luật khác liên quan (nếu có) nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm tính toàn diện của khung pháp lý quản lý hoạt động trên TTCK, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.

Mặt khác, hệ thống thông tin KRX dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2023, sẽ giúp TTCK cải thiện về thanh khoản, vốn hóa và giải quyết một số nút thắt của thị trường hiện này để tiến tới mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Với các động thái gần đây của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) kỳ vọng việc nâng hạng sẽ sớm thành hiện thực. Vị lãnh đạo trên ví nâng hạng như cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” và thị trường đang ở giai đoạn tăng tốc và về đích.

Thực tế câu chuyện nâng hạng được bàn tới 10 năm nay, bắt đầu từ những năm 2012 - 2013. Đến năm 2018, TTCK Việt Nam đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng của FTSE.

Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 155 hướng dẫn thi hành luật chứng khoán, trong đó có một điểm ông Linh đánh giá cực kỳ quan trọng là thanh toán bù trừ CCP (Đối tác bù trừ trung tâm).

Đến 2023, chứng khoán Việt Nam vượt qua các yếu tố định lượng của MSCI (9/18 tiêu chí ) và 7/9 tiêu chí của FTSE. Thị trường đã đáp ứng các chỉ tiêu định lượng. Các yếu tố định tính còn liên quan đến hai nhóm, tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài như tính bình đẳng ở việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, minh bạch thị trường…

Một yếu tố quan trọng thứ hai là pre-funding (yêu cầu có tiền khi giao dịch), là tiền. Để giải quyết điều này, ông Linh đề xuất cần chờ sự nỗ lực của cơ quan Nhà nước để triển khai hệ thống KRX, thay đổi văn bản pháp quy để công ty chứng khoán được thẩm định nhà đâu tư nước ngoài và quy định tỷ lệ ký quỹ ở mức độ nào đó... Phía FTSE đánh giá đây là những bước tiến, xóa bỏ rào cản ban đầu.

Nhà điều hành VPBankS dđoán đến tháng 9/2024, Việt Nam sẽ được thông báo, nhận sự chấp thuận của FTSE, đến tháng 9/2025 sẽ chính thức trở thành thị trường mới nổi. Với MCSI, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách công bố định kỳ thường niên vào tháng 6/2025, đến tháng 6/2026 vào danh sách nâng hạng.

Các diễn giả chia sẻ về câu chuyện nâng hạng thị trường tại phiên 1 Diễn đàn Đầu tư 2024. Ảnh: BTC.

Công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết phải có sự chuẩn bị trước

Vmặt lợi ích, ông Nguyễn Duy Linh cho biết việc nâng hạng giúp hoàn thiện thể chế và minh bạch thị trường. Lợi ích lớn nhất là thị trường tăng giá. Dẫn theo dự báo của nhiều tổ chức, khi nâng hạng sẽ khoảng 3-4 tỷ USD chảy vào thị trường. Xa hơn, quan trọng là Việt Nam tiệm cận với các TTCK phát triển.

Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc đầu tư VCBF đồng thuận việc nâng hạng sớm muộn sẽ xảy ra, khi xét về quy mô vốn hóa, quy mô thanh khoản thị trường đều đạt hết.

Tuy nhiên, ông Vinh đưa ý kiến cũng cần thiết có tính toán lại, vì Việt Nam đang là thị trường cận biên. Khi nâng lên thị trường mới nổi, dòng vốn dành cho thị trường cận biên Việt Nam sẽ được phân bổ cho các thị trường khác, TTCK không được hưởng toàn bộ phần vốn mới.

Nâng hạng sẽ có nhiều lợi ích, nguồn vốn nước ngoài sẽ vào TTCK, tốt cho hầu hết thành phần tham gia thị trường, bao gồm công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết.

Đối với công ty chứng khoán, khi vốn đầu tư nước ngoài vào, nhu cầu về dịch vụ chứng khoán sẽ tăng rất đáng kể. Đối với doanh nghiệp, cầu về cổ phiếu sẽ tăng, tác động lên giá cổ phiếu và giá cổ phiếu có nhiều cơ hội được quay về giá trị thực, có lợi cho doanh nghiệp. Cổ đông cũng được gia tăng lợi ích. Đối với doanh nghiệp khi thực hiện chính sách ESOP, giá cổ phiếu tăng, nhân viên sẽ hứng khởi hơn và gắn kết với công ty nhiều hơn.

Ông Vinh cho rằng, tác động và lợi ích đối với các doanh nghiệp sẽ khác nhau, tùy vào vị thế và sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Công ty chứng khoán có đội ngũ phân tích, đội ngũ quan hệ khách hàng mạnh, hệ thống giao dịch tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt, có thể được hưởng lợi.

Đối với doanh nghiệp, khi dòng vốn nước ngoài vào, có hai dòng vốn, một là từ các quỹ ETF (quỹ thụ động) và từ các quỹ chủ động. Đối với các quỹ chủ động, trước khi đầu tư, họ phải nghiên cứu rất nhiều về công ty và để nghiên cứu phải có thông tin về công ty.

Phó Giám đốc đầu tư VCBF chỉ ra, một trong sự chuẩn bị mà các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) phải nâng cao, đội ngũ IR phải nói tiếng Anh tốt, các tài liệu IR, báo cáo tài chính phải song ngữ tiếng Anh - tiếng Việt. Hơn nữa, công tác quản trị doanh nghiệp rất quan trọng, do NĐT ngoại khi đầu tư phải tin vào doanh nghiệp, phải tin vào ban lãnh đạo.

Việt Nam nắm bắt góc nhìn của NĐT ngoại

Các tổ chức đầu tư lớn trên thế giới luôn sẵn sàng rót tiền vào các thị trường tiềm năng, tăng trưởng, trong đó yếu tố xếp hạng thị trường gần như luôn được chú trọng.

Góp mặt tại sự kiện, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam đánh giá dòng vốn của NĐT ngoại rót vào chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáng kể trong khi đây là thị trường đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi.

Ông Dominic Scriven nhận định Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, từ kinh tế, dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số  hơn 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác hầu hết đang có dân số già. Yếu tố vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế, không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.

Người đứng đầu Dragon Capital cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ ông vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là, thứ nhất họ còn thận trọng và thứ hai là tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên đến 500 tỷ USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia. Với những yếu tố trên, ông Dominic Scriven nhìn nhận các NĐT ngoại không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà phải đầu tư vào Việt Nam.

Ông Dominic Scriven đưa ra ý kiến các thành viên thị trường cần phải nghiên cứu tầm nhìn NĐT ngoài về thị trường, về các ngành, về các công ty. Trong đó bao gồm việc có hay không khả năng Nhà nước cổ phần hóa.

Thay vì chờ đợi động thái từ Nhà nước, đại diện quỹ cũng đề xuất việc động viên các công ty tư nhân Việt Nam không ngại thị trường, đưa cổ phiếu lên niêm yết một phần, bắt đầu quan hệ với cộng đồng đầu tư. Đây là một tâm lý chung chưa được mạnh tại các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Về câu chuyện nâng hạng, khi trao đổi với nhóm NĐT ngoại trong khoảng một năm gần đây, Dragon Capital nhận thấy họ không đề nghị bỏ miễn bỏ room sở hữu, không đặt nặng việc TTCK Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE hay MSCI. Nếu rót tiền vào Việt Nam, theo quy chế đầu tư, nhóm này sẽ cùng lúc đầu tư vào 10 quỹ của họ. Việc đầu tư cũng sẽ có mức độ nhất định. Do vậy, ông Dominic Scriven đưa ra ý kiến cần cân nhắc khi nói về vấn đề nâng hạng.

Xuân Nghĩa