|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT nên hành động thế nào khi VN-Index vượt 1.100 điểm nhưng xuất hiện tín hiệu suy yếu ?

08:35 | 13/11/2023
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam có hai tuần hồi phục liên tiếp và VN-Index tăng khoảng 80 điểm từ vùng đáy cuối tháng 10. Nhưng tín hiệu suy yếu đã xuất hiện trong hai phiên cuối tuần (9 – 10/11), NĐT đứng trước hai lựa chọn là bán chốt lời hay canh mua gia tăng tỷ trọng.

Tín hiệu suy yếu xuất hiện sau hai tuần hồi phục

Khác với diễn biến trong nhịp điều chỉnh và tuần đầu hồi phục, thanh khoản là điểm sáng thị trường tuần qua. Khối lượng giao dịch bình quân trên HOSE và HNX tuần 6 – 10/11 tăng lần lượt 22,4% và 15,8% so với tuần kế trước đó.

Điểm trừ là động thái gia tăng rút ròng từ khối ngoại với quy mô trên 1.200 tỷ đồng. Tổ chức hành động quyết liệt nhất giai đoạn thị trường giảm sâu là Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan) đảo chiều rút ròng cuối tuần với tổng giá trị bán ròng trong tuần hơn 43 tỷ đồng.

Bình luận về diễn biến tuần vừa qua, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư SSI Research đánh giá điểm nhấn bắt đầu từ phiên thứ Tư (8/11) khi chỉ số tăng 3%, nhiều cổ phiếu tăng trần và lan tỏa trên hầu hết mã. “Nhiều nhà đầu tư bắt đầu mở ra kỳ vọng về câu chuyện bùng nổ theo đà để có thể nối dài đà tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng còn nhiều điểm để quyết định đó có phải là một phiên bứt phá thành công hay không”.

Tín hiệu vị chuyên gia từ SSI Research lo ngại, sau phiên tăng mạnh giữa tuần là hai ngày VN-Index suy giảm về mốc 1.100 điểm, tương đương mốc kiểm định 1/2 thân nến tăng phiên bùng nổ. Đây là điểm kiểm định quan trọng trong bối cảnh hai phiên suy giảm của điểm số tiếp theo đi cùng với thanh khoản gia tăng.

Dựa trên tín hiệu trên, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu nhận định kịch bản thị trường điều chỉnh cũng bắt đầu lớn dần. Dù thanh khoản tích cực, đi kèm với đó là sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã thoát khỏi vùng đáy và vẫn vững vàng cho đến những phiên cuối tuần.

“Chúng tôi cho rằng đây là “lá cờ đầu” cho tâm lý tích cực của thị trường lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, thép, sau đó là các cổ phiếu đi sau”, vị chuyên gia từ SSI Research đánh giá.

Cùng quan điểm, nhiều công ty chứng khoán đưa ra lưu ý về mốc 1.100 điểm trên. Khối phân tích Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục đầu tiên và vận động lỏng lẻo, cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. SHS kỳ vọng nền tích lũy sẽ hình thành trên 1.100 điểm, phiên cuối tuần chỉ số có xu hướng kiểm định lại hỗ trợ 1.100 điểm nhưng có khả năng thành công.

Nhận định xu hướng của VN-Index. (Nguồn: SHS).

Nhà đầu tư giao dịch thận trọng, tránh tâm lý FOMO

Dựa trên những phân tích diễn biến tuần qua, chuyên gia và các nhà phân tích đưa ra khuyến nghị giao dịch với tâm lý thận trọng cho các nhà đầu tư.

Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu dự báo thị trường cần thời gian để kiểm định lại sức mạnh cũng như tìm kiếm một điểm cân bằng và tích lũy mới, nhà đầu tư nên hành động thận trong hơn so với tuần trước đó.

Hai thông tin đáng quan tâm tuần này là kỳ công bố số liệu CPI tháng 10 của Mỹ. Ông Hiếu đánh giá đây là chỉ báo dự báo quan điểm điều hành của Fed và có những tác động ngắn hạn lên thị trường tài chính toàn cầu. Thứ hai là phiên đáo hạn phái sinh tháng 11 vào ngày (16/11).

Về chiến lược hành động cụ thể, đại diện từ SSI Research đưa quan điểm, những hồi phục tiếp theo của chỉ số trong tuần sau có thể là điểm hạ tỷ trọng với các danh mục đang nắm giữ tỷ trọng cao về cổ phiếu. Song, NĐT chưa vội vàng nghĩ về kịch bản rủi ro giảm sâu của thị trường phá vỡ vùng đáy cũ, thị trường đang tìm kiếm một điểm cân bằng mới, tích lũy lại và phát đi những tín hiệu về xu hướng tiếp theo.

“Nếu như điểm kiểm định này chúng ta được chứng kiến sự duy trì sự tích cực của thanh khoản thị trường, sự duy trì xu hướng của nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt cao như bất động sản, chứng khoán, thép, đây là thời điểm phù hợp để gia tăng vị thế cổ phiếu với khung thời gian nắm giữ dài hơn”.

Góc nhìn tương đồng, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNDirect khuyên nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý “Fomo” mua đuổi khi cổ phiếu được “kéo xanh mạnh” trong phiên. Thay vào đó là chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu.

“Nhà đầu tư lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý khoảng 50-60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư”, ông Hinh nói.

Thận trọng hơn, khối phân tích của VCBS gợi ý nhà đầu tư tiếp tục hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công, chỉ duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức 30% tài khoảnkiên nhẫn chờ đợi nhưng phiên rung lắc điều chỉnh lớn hơn để có thể giải ngân với mức giá chiết khấu tốt.

Thu Thảo