|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 [Phiên 3]: Cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2024

18:45 | 09/11/2023
Chia sẻ
Tại phiên 3 - Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024, các chuyên gia đầu tư từ nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư lớn trên thị trường sẽ cùng chia sẻ về các chủ đề đầu tư cho năm 2024, triển vọng của các nhóm ngành được nhà đầu tư quan tâm.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 [Phiên 3]: Cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2024. (Ảnh: BTC chương trình).

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, triển vọng toàn thị trường quý IV được hỗ trợ từ yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định, nền lợi nhuận cùng kỳ ở mức thấp, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất,... 

Trước các thông tin trái chiều, nhà đầu tư đang đứng trước nhiều ngã rẽ. Triển vọng kinh doanh của các nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, bán lẻ... sẽ ra sao trong năm 2024? Nhóm cổ phiếu nào có thể tạo ra hiệu suất sinh lời cao nhất cho nhà đầu tư? Đâu là các chủ đề đầu tư đáng quan tâm trong năm 2024? Các rủi ro nào cần lưu ý?

Đến với phiên 3, các chuyên gia đầu tư từ nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư...sẽ cùng chia sẻ về các chủ đề đầu tư cho năm 2024, đặc biệt khi thị trường chứng khoán đã giảm về vùng định giá thấp trung bình nhiều năm.

Phiên 3: Cơ hội đầu tư năm 2024 với sự tham gia của các diễn giả:

- Điều phối: Bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng giám đốc PVIAM

- Bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích VDSC

- Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành VinaCapital - VESAF

- Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research

- Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc đầu tư VCBF.

Những diễn giả tham gia thảo luận phiên 3. Ảnh: BTC.

TỔNG THUẬT PHIÊN 3 (Tiếp tục cập nhật)

Đâu là chủ đề đầu tư phù hợp nhất trong giai đoạn từ nay đến hết 2024? 

Bà Hoàng Việt Phương: Mọi người chắc đều đồng ý 2024 là một năm rất khó để có thể đưa một dự báo rõ ràng. Tuy nhiên, ai cũng đồng ý rằng trong năm sau có nhiều yếu tố rất khó để đoán chính xác xu hướng sẽ như thế nào. Theo quan điểm của chúng tôi, có những yếu tố tích cực, yếu tố tiêu cực.

Các yếu tố tích cực có thể lấn át yếu tố tiêu cực, tất nhiên là ở một xác suất nhất định. Trong đó, có thể nói đến những điểm tích cực là FDI sẽ tốt hơn, xuất khẩu sẽ tốt hơn, cái yếu tố mà năm nay cũng tốt mà năm sau cũng tốt là đầu tư công, tiếp tục duy trì năm sau. Yếu tố thứ tư mà ai cũng đang thận trọng quan sát là liên quan đến thị trường bất động sản, hiện tại chúng ta đã đã có một chút ấm hơn về mặt thanh khoản của thị trường bất động sản, kỳ vọng đên cuối năm sau có thể nhìn thấy bức tranh khởi sắc hơn.

Về yếu tố tiêu cực chỉ có một, đó là tình hình nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể sẽ đạt đỉnh vào năm sau. Đó là cái nhìn chung, còn đưa ra nhận định như thế nào, tôi nghĩ có một từ có thể dùng luôn luôn đúng là “hồi phục”. Năm nay là một năm quá tệ, hy vọng sẽ không có thể tệ trên nhiều phương diện và không thể còn cái gì mà khó hơn thế nữa.

Nhìn lại chu kỳ trước 2011 - 2012 thì đến 2013 có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. “Hồi phục” là chủ đề, nhưng hồi phục đến mức độ nào, liệu có sự bùng nổ không thì chắc là không, nhưng sẽ hồi phục và hồi phục dựa trên nền rất yếu của năm 2023.

Chúng ta có thể lựa chọn ngành đã rất yếu vào năm nay và năm sau dựa trên xác suất chúng ta sẽ vượt qua khó khăn này. Trong đó sẽ có những ngành bám theo các chủ đề như xuất khẩu, đầu tư công, khu công nghiệp, bám theo các chủ đề FDI, và cũng như các ngành mà năm nay bị ảnh hưởng rất mạnh, trong đó có hai ngành nổi bật là vật liệu cơ bản và bán lẻ.

 Bà Hoàng Việt Phương,Giám đốc SSI Research. Ảnh: BTC.

Tiếp tục câu chuyện triển vọng phục hồi. Năm ngoái đã có nhiều dự báo tích cực rằng triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi tốt từ nửa cuối năm 20023.  Tuy nhiên, hiện hầu hết dữ liệu đều cho thấy thực tế xảy ra không đạt như kỳ vọng. Vinacapital là nhà đầu tư có mạng lưới đầu tư rộng, am hiểu các ngành nghề do làm việc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp, Bà có thể chia sẻ về bức tranh hoạt động một số ngành sản xuất kinh doanh & triển vọng phục hồi của từng nhóm ngành trong quá trình tiếp xúc với DN? 

Bà Nguyễn Hoài Phương: Những yếu tố dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thấp hơn kỳ vọng là sự phục hồi rất chậm của nền kinh tế Trung Quốc, tốc độ giảm hàng tồn kho của Mỹ, nhu cầu của thị trường Việt Nam, trừ đi tất cả những yếu tố tích cực về hồi phục của doanh nghiệp.

Tất cả những yếu tố này khiến tăng trưởng của các doanh nghiệp ở mức thấp so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Quý II năm nay, VinaCapital đã hạ dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2023. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm khá thấp. Quý IV sẽ có sự hồi phục rất mạnh, tăng 35% so với cùng kỳ vì mức nền năm ngoái rất thấp.

Dựa trên các yếu tố trên, VinaCapital dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2024 đạt trung bình là 19%.

Thị trường dựa trên các xu hướng là các công ty có sự nổi trội về tăng trưởng lợi nhuận là các công ty công nghệ, chứng khoán. Với nhóm vật liệu xây dựng, dầu khí kết quả năm 2023 vẫn đang là tăng trưởng dương nhờ sự phục hồi từ nền thấp của năm ngoái.

Nhóm doanh nghiệp tiêu dùng vẫn gặp khó do nhu cầu phục hồi thấp thể hiện trên doanh thu tăng rất chậm. Họ vẫn phải đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Về các công ty liên quan tới xuất khẩu như cảng biển, điện nước… bị ảnh hưởng mạnh, đầu ra rất kém. Doanh nghiệp bất động sản thì đang ở trong chu kỳ không thuận lợi.

Khảo sát doanh nghiệp cho thấy họ có một bức tranh thiếu tự tin về sự hồi phục, nhu cầu… chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi vì đây còn là một ẩn số. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy sự phân hóa khá rõ ràng về lợi nhuận của doanh nghiệp và tôi nghĩ đây là xu hướng của 2024, trong đó có những công ty lấy thị phần rất tốt dù ngành của họ có sự sụt giảm rất lớn ở trong nước lẫn quốc tế, ví dụ như FPT (Công nghệ), PNJ (Bán lẻ), Gemadept (cảng biển), Kinh Bắc (bất động sản khu công nghiệp).

Trong 2024, chúng tôi nhận thấy các công ty có thể tạo lợi nhuận tốt là doanh nghiệp công nghệ và hưởng lợi từ đầu tư công. Năm nay, chi phí giải phóng mặt bằng cho đầu tư công cao và tác động tới doanh nghiệp sẽ nhìn thấy rõ ràng ở năm 2024.

Báo cáo quý III cho thấy chi phí lãi suất thực tế mà doanh nghiệp đang phải chịu vẫn cao so với cùng kỳ và quý II. Chúng tôi đánh giá chí phí lãi suất hay áp lực về tỷ giá sẽ có sự sụt giảm trong các quý tiếp theo. 

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành VinaCapital-VESAF. Ảnh: BTC.

VCBF được biết rất kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao trong vòng 5-10 năm tới. Vậy với những chuyển biến gần đây, đặc biệt từ sau khi COVID-19 diễn ra, VCBF có thay đổi chiến lược đầu tư hay không?

Ông Nguyễn Triệu Vinh: Tỷ lệ vòng quay danh mục của VCBF thấp. Tôi đưa ra bốn xu hướng cho thị trường thời gian tới. Thứ nhất là gia tăng quy mô sản xuất vào Việt Nam, vốn FDI vào Việt Nam rất nhiều. Thứ hai là xu hướng gia tăng đầu tư công khi chính phủ quyết liệt đẩy mạnh rất mạnh thời gian qua. Xu hướng thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin.

Ví dụ, trong thời điểm nhiều doanh nghiệp khó khăn thì FPT vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trên hai chữ số trong nhiều quý liên tiếp. Xu hướng thứ tư là gia tăng tiêu dùng của người Việt Nam.

Giai đoạn vừa qua có nhiều yếu tố bất lợi với hai trong 4 xu hướng trên, dự báo 2024 xu hướng đầu tư và gia tăng tiêu dùng sẽ hồi phục trở lại. Từ xu hướng này VCBF sẽ phân tích kỹ doanh nghiệp sau đó mới phân bổ danh mục.

Bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng giám đốc PVIAM điều phối chương trình. Ảnh: BTC.

Ngoài các nhóm ngành trên, nhóm ngành nào đang có mức định giá rẻ & có thể sẽ được thị trường định giá lại trong năm tới?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Để trả lời câu hỏi này, thông thường VDSC theo phương pháp cơ bản sẽ dựa trên tương quan đánh giá tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và mức định giá doanh nghiệp.

Chúng tôi đã thống kê nhóm doanh nghiệp chiếm trên 55% vốn hóa thị trường sau báo cáo tài chính quý, với biến động lợi nhuận đang khá tương đồng với toàn thị trường. Xét lợi nhuận dự phóng 4 quý (4 quý liên tiếp kề nhau), xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I năm nay, đến quý III mức độ giảm vẫn còn, song đã thấp. Chúng tôi kỳ vọng quý IV sẽ tăng trưởng trở lại.

Tương đồng với đó, hầu hết các ngành nghề dự kiến đều có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý IV và 2024. Dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 2023 không thay đổi so với năm 2022. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của VDSC là 26%, lạc quan hơn so với dự báo của VinaCapital là khoảng 20%, có thể do mẫu sử dụng khác nhau, xong nhận định chung là tăng trưởng lạc quan hơn so với 2023.

Trong đó, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan kể đến như bán lẻ, nguyên vật liệu bao gồm thép, bất động sản (có chọn lọc doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh), ngân hàng...

Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp bán lẻ đang cố gắng hạ lượng hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, nên dự kiến nhóm này sẽ cải thiện. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng giúp cho nhóm bán lẻ. Định giá hiện tại đang cao hơn so với bình quân 3 năm, nghĩa là đang phản ánh tương đối phù hợp cho kỳ vọng rồi.

Cùng một logic như vậy, một số nhóm ngành khác cũng có triển vọng kể đến như ngân hàng, bất động sản (chọn lọc), dịch vụ phần mềm, hàng tiêu dùng, năng lượng, dược. Đó là các ngành VDSC nhận thấy triển vọng trong 2024. 

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích VDSC. Ảnh: BTC.

Ngân hàng là một trong nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm, các diễn giả có nhận định như thế nào về triển vọng ngành này trong năm 2024?

Bà Hoàng Việt Phương: Trong suốt giai đoạn vừa rồi, chúng ta đã chờ sự phục hồi của nhóm ngân hàng dẫn dắt toàn thị trường, chờ từ năm ngoái đến hiện tại vẫn chưa thấy đến và cũng chưa rõ khi nào mới đến. Tỷ trọng ngành ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hoá toàn thị trường nên kỳ vọng này là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu nhìn triển vọng của ngành tôi thấy vừa có điểm tốt vừa có điểm xấu. Điểm tốt là hiện nay chúng ta đang có những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất niêm yết trên thị trường. Những ngân hàng được đánh giá cao hơn ở đây là nhóm có lợi nhuận tăng trưởng 2,5% trong quý III, trong khi những ngân hàng còn lại có mức giảm lợi nhuận là 21%. Số liệu này cũng cho thấy rằng nếu chỉ nhìn mức trung bình không thể hiện đúng bức tranh của toàn hệ thống.

Do đó, vẫn có cơ sở để chúng ta tìm được những ngân hàng tốt, có khả năng bứt phá được trong thời điểm khó khăn nhất.

Điểm tốt tiếp theo là dự báo ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024. Vậy trong bối cảnh năm nay rất xấu thì đâu là cơ sở để ngành này đạt được mức tăng 17% trong năm sau?

Dự báo này đến từ giả định rằng tăng trưởng tín dụng năm sau khá hơn năm nay, đặc biệt là kỳ vọng nửa cuối năm sau khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm, chi tiêu tiêu dùng đẩy mạnh trở lại,... giúp cho triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn.

Yếu tố thứ hai là biên lãi thuần (NIM), gần như được hiểu là biên lợi nhuận của ngân hàng. Chỉ tiêu này trong năm nay chịu áp lực lớn khi chi phí đầu vào lớn thì kỳ vọng rằng áp lực năm sau sẽ giảm dần do mức trung bình lãi suất sẽ thấp hơn. Yếu tố cuối cùng là thu nhập từ phí của ngân hàng năm nay rất yếu, tạo cơ sở cho năm sau là các ngân hàng sẽ thu phí tốt hơn từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thu từ phí bảo hiểm. Đấy là động lực để giúp cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt có thể duy trì được mức tăng trưởng vượt trội.

 Bà Hoàng Việt Phương chia sẻ về nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: BTC.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Dư nợ tín dụng trên tổng GDP của Việt Nam hiện trên 120%, điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào ngân hàng. Vì vậy, sức khoẻ của ngành kinh tế có sự ảnh hưởng nhất định tới ngành ngân hàng. Vì điều này nên VDSC sẽ có cách tiếp cận khác về cổ phiếu ngân hàng. Có những giai đoạn cần tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng, có giai đoạn tập trung vào chất lượng tài sản.

Chất lượng tài sản của ngân hàng đa số đến từ nợ vay. Dư nợ của các ngân hàng niêm yết chiếm 60-70% chưa bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là mức rất cao. Khi chất lượng bị suy giảm thì chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ gia tăng. Trong giai đoạn bình thường, chi phí dự phòng chiếm trên 20% thu nhập các ngân hàng kiếm được. Do vậy chất lượng tài sản là yếu tố VDSC quan tâm.

Khi phân tích sẽ thấy tăng trưởng lợi nhuận quý III yếu. Tuy nhiên, điểm chung NIM bị ảnh hưởng là yếu tố lớn nhất làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Yếu tố thứ hai là chi phí hoạt động, yếu tố khác là thu nhập dịch vụ và thu nhập ngoài lãi. Đây là những nguồn thu nhập có tương quan nhất định trong sự chuyển động của nền kinh tế. Ngoài ra, yếu tố đóng góp tích cực lớn nhất vào tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng là tài sản sinh lãi hay tăng trưởng dư nợ cho vay của các ngân hàng.

Về chi phí dự phòng có sự phân hoá, đối với một số ngân hàng chi phí dự phòng giảm đóng góp tích cực. Ngược lại chi phí dự phòng tăng ảnh hưởng tiêu cực tới ngân hàng. Chi phí tín dụng đang ảnh hưởng lớn tới ngân hàng nhóm 2. Trong khi các nhóm còn lại đang có sự phân hoá.

CASA và NIM của ngân hàng sau giai đoạn sụt rất mạnh, CASA tạo đáy trong quý I và phục hồi trong quý II. Trong quý III, NIM của các ngân hàng vẫn đi ngang cho thấy hiệu ứng của việc huy động lãi suất cao vào cuối 2022 đã bắt đầu được tiêu hoá dần. Các ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh được lãi suất vay.

Tuy nhiên VDSC kỳ vọng mức độ phục hồi NIM sẽ vừa phải. Năm nay, các ngân hàng đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính sách. CASA hay NIM hay tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế trong năm sau. Với những kỳ vọng về việc nền kinh tế năm tới tốt hơn thì tổng thu nhập của các ngân hàng sẽ tốt hơn năm sau.

Đầu tư cổ phiếu bất động sản 2024 cần chú ý tiêu chí gì?

Bà Nguyễn Hoài Phương: Thường vận động giá của cổ phiếu bất động sản không dựa theo booking (ghi nhận) doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp ở nhóm ngành này.

Trong năm 2024, chúng tôi cho rằng các công ty bất động sản không có quá nhiều nguồn để ghi nhận lợi nhuận nhưng tình hình bán hàng bắt đầu khả quan hơn từ nửa cuối năm. Dự báo này dựa trên lãi suất thực tế phải thật sự ở mức thấp và thu nhập của người dân hồi phục trở lại thì niềm tin với bất động sản - kênh đầu tư dài hạn mới được kích hoạt trở lại.

Thực tế giá giao dịch bất động sản trong năm 2023 không giống như những đợt khủng hoảng trước đó là giảm giá diện rộng mà chỉ giảm giá cục bộ, còn lại nhiều khu vực, phân khúc vẫn neo giá cao.

Sau khi các dự thảo luật liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản được thông qua, giá các dự án những năm sau khó giảm. Hai yếu tố như tôi vừa chia sẻ gồm lãi suất phải ổn định ở mức thấp và thu nhấp tăng thì mức độ hấp thụ bất động sản mới có thể cao.

Khi đó thị trường bất động sản sẽ hồi phục theo xu hướng giao dịch ấm lên ở những phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực, vừa túi tiền (Affordable housing) rồi mới đến bất động sản vùng ven. Định giá cổ phiếu bất động sản hiện tại vẫn có khả năng để nhà đầu tư cân nhắc mua nhưng không phải tất cả mà tập trung vào doanh nghiệp thật sự có quỹ đất sạch sẵn sàng mở bán.

Một rủi ro hiện nay là nợ. Chúng tôi thấy rằng áp lực nợ gốc và lãi vay của doanh nghiệp ngành này đang được đẩy lùi từ năm 2023 sang năm 2024. Rất nhiều doanh nghiệp đang quay cuồng với vấn đề dòng tiền.

Bà từng chia sẻ hiệu quả vượt trội trong dài hạn của quỹ VinaCapital-VESAF đạt được đóng góp phần lớn bởi việc quản trị rủi ro để tránh lợi nhuận của quỹ giảm mạnh trong những giai đoạn thị trường giảm điểm. Ngoài ra, thị trường giảm điểm mạnh luôn tạo ra cơ hội để mua vào những cổ phiếu trong tầm ngắm. Nhiều NĐT muốn chớp cơ hội mua khi thị trường giảm, nhưng ngoài những trở ngại tâm lý, còn loay hoay không biết nên chọn cổ phiếu nào. Vậy NĐT cần dựa vào đâu để ra quyết định đầu tư? Làm sao để quản trị tốt rủi ro khi thị trường hưng phấn?

Bà Nguyễn Hoài Phương: Các quỹ như chúng tôi dựa vào yếu tố cơ bản là chính. Thường chúng tôi sẽ có một danh mục cổ phiếu để theo dõi. Để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư trước các cạm bẫy của thị trường, chúng tôi chỉ nhìn vào giá trị nội tại để hành động, tính toán xác suất để kiếm được lợi nhuận, đó là cách VESAF đã áp dụng những năm qua.

Trường hợp lợi nhuận doanh nghiệp giảm, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại việc định giá. Chúng tôi luôn linh hoạt trước những diễn biến của thị trường, nhưng vẫn giữ lại tính kỷ luật trong quản trị rủi ro.

 Các diễn giả thảo luận về ba cổ phiếu được nhà đầu tư lựa chọn gồm BID, HPG, MWG. Ảnh: BTC.

Kết quả khảo sát nhà đầu tư tại diễn đàn cho thấy, có 3 cổ phiếu được quan tâm nhất giai đoạn này gồm BID, HPG, MWG. Các chuyên gia có đồng ý với kết quả này không?

Bà Hoàng Việt Phương: HPG, MWG thời gian vừa rồi có quá nhiều yếu tố thu hút sự chú ý. Với HPG tương đối rõ, đây là cổ phiếu có chất lượng cao nhưng liệu đây có phải là thời điểm để mua hay không?

Theo quan điểm chúng tôi, thép là ngành phục hồi rất mạnh trong năm 2024 và trong các quý tới chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc về định giá.

Theo quan sát chung của chúng tôi, khi lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành thép đã qua đáy và tăng trở lại, nhất là những doanh nghiệp có doanh thu lớn, biên lợi nhuận thấp thì mức phục hồi tăng trưởng sẽ cao so với những ngành khác.

Với MWG, sau giai đoạn cổ phiếu này rớt giá mạnh đã tạo ra rất nhiều nghi ngờ cho giới đầu tư và nhiều người đặt câu hỏi điều gì khiến cổ phiếu MWG giảm mạnh như vậy?

Tôi muốn nhấn mạnh là giai đọan hiện tại tiêu dùng nội địa rất yếu, ảnh hưởng rõ rệt đến doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm ngành này được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại vào năm sau, được hỗ trợ trước hết bởi yếu tố tiêu dùng. Về vấn đề mô hình kinh doanh của MWG đã hợp lý chưa hay cần điều chỉnh, công ty có ghi nhận chi phí không, chúng ta cần thời gian quan sát thêm.

Ông Nguyễn Triệu Vinh: Về vấn đề nâng hạng, tôi tin rằng việc này sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra, vì xét về quy mô vốn hóa, quy mô thanh khoản thị trường thì chúng ta đều đạt hết rồi. Tôi cho rằng, nâng hạng sẽ có nhiều lợi ích, nguồn vốn nước ngoài sẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhưng chúng ta cũng cần tính toán lại, vì Việt Nam đang là thị trường cận biên. Khi chúng ta lên thị trường mới nổi, dòng vốn dành cho thị trường cận biên Việt Nam sẽ được phân bổ cho các thị trường khác, chúng ta không được hưởng toàn bộ phần vốn mới.

Nhưng dù sao tôi nghĩ dòng vốn vào Việt Nam sẽ là tích cực khi chúng ta được nâng hạng, tốt cho nhiều thành phần trong thị trường, bao gồm công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết.

Đối với công ty chứng khoán, khi vốn đầu tư nước ngoài vào, nhu cầu về dịch vụ chứng khoán sẽ tăng rất đáng kể. Đối với doanh nghiệp, khi dòng vốn mới vào, cầu về cổ phiếu sẽ tăng, tác động lên giá cổ phiếu và giá cổ phiếu có nhiều cơ hội được quay về giá trị thực. Khi giá cổ phiếu quay về giá trị thực, điều này sẽ tốt cho doanh nghiệp. Đối với cổ đông thì là gia tăng lợi ích cổ đông. Đối với doanh nghiệp khi thực hiện chính sách ESOP, giá cổ phiếu tăng, nhân viên sẽ hứng khởi hơn và gắn kết với công ty nhiều hơn.

Tôi cho rằng, tác động và lợi ích đối với các doanh nghiệp sẽ khác nhau, tùy vào vị thế và sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Đối với công ty chứng khoán mà có đội ngũ phân tích, đội ngũ quan hệ khách hàng mạnh, có hệ thống giao dịch tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt thì có thể được hưởng lợi.

Đối với doanh nghiệp, khi dòng vốn nước ngoài vào, có hai dòng vốn, một là từ các quỹ ETF (quỹ thụ động) và từ các quỹ chủ động. Đối với các quỹ chủ động, trước khi đầu tư, họ phải nghiên cứu rất nhiều về công ty và để nghiên cứu phải có thông tin về công ty.

Một trong sự chuẩn bị mà tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần làm đó là công tác IR phải nâng cao, đội ngũ IR phải nói tiếng Anh tốt, các tài liệu IR, báo cáo tài chính phải song ngữ tiếng Anh - tiếng Việt. Một yếu tố nữa mà tôi cho rằng đó là công tác quản trị doanh nghiệp rất quan trọng. Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào phải tin vào doanh nghiệp, phải tin vào ban lãnh đạo.

Ban Biên Tập

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.