|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 [Phiên 1]: Tác động của kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán

15:35 | 09/11/2023
Chia sẻ
Chiều 9/11/2023, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow” được tổ chức tại Khách sạn Vinpearl Landmark 81.

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang trong nhịp điều chỉnh sau đợt tăng điểm kéo dài từ quý II đến giữa quý III/2023. Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi những yếu tố đến từ quốc tế và trong nước.

Song, các nhịp điều chỉnh của thị trường cũng mở ra cơ hội cho nhà đầu tư khi định giá doanh nghiệp ở mức phù hợp hơn. Nền kinh tế Việt Nam dù còn nhiều khó khăn trước mắt vẫn được nhiều tổ chức đánh giá có triển vọng tăng trưởng tươi sáng trong vòng 3 - 5 năm tới nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, dư địa kích thích tăng trưởng từ đầu tư công và dòng vốn FDI mạnh mẽ.

Trong bối cảnh này, Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (http://vietnambiz.vn) phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 – Vietnam Investment Forum 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow”.

Sự kiện được tổ chức thường niên, là nơi quy tụ những nhân chuyên gia uy tín đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán đầu ngành.

Diễn đàn không chỉ thiết lập không gian để các thành viên trên thị trường có cơ hội kết nối, chia sẻ về các xu thế mới, mà còn đem đến những thông tin, góc nhìn có giá trị cao, gợi mở nhiều ý tưởng đầu tư, kinh doanh phù hợp cho giai đoạn mới.

Mở đầu chương trình bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát biểu khai mạc và chia sẻ về Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2025.

Bà Tạ Thanh Bình cho biết từ đầu năm 2023, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung trong xu hướng giảm điểm kể từ tháng 9, thanh khoản dần cải thiện trong nửa cuối năm.

Thị trường chịu áp lực giảm điểm trước sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lo ngại về tác động của căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, áp lực tỷ giá cùng các động thái rút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua hoạt động bán tín phiếu.

Đại diện UBCKNN cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực tới thanh khoản trên TTCK trong thời gian tới như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ,...

Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Cụ thể, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế; phối hợp với các tổ chức  liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK, đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường. Xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.

UBCKNN cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Diễn đàn sẽ bao gồm ba phiên thảo luận:

Phiên một: Kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế tác động đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán năm 2024.

Phiên hai: Nâng cao hiệu quả đầu tư nhờ ứng dụng công nghệ mới.

Phiên ba: Các cơ hội đầu tư năm 2024.

Phiên thảo luận đầu tiên có nội dung Kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế tác động đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán quý IV/2023 - 2024 sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về những điểm nhấn vĩ mô tiền tệ, các chính sách điều hành và triển vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm tới.

Phiên thảo luận được điều phối bởi bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc PVIAM, cùng những ý kiến thảo luận đến từ các diễn giả:

- Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam

- Ông Nguyễn Xuân Thành - Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

- Ông Nguyễn Duy Linh - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank

- Và Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank.

 Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Phiên 1) với nội dungKinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế tác động đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán quý IV/2023 - 2024. (Ảnh: BTC Chương trình).

 TỔNG THUẬT PHIÊN 1:

Lãi suất khó giảm tiếp, điều quan trọng là duy trì mức lãi suất này trong năm 2024

Như chúng ta vừa theo dõi, bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm nay không như kỳ vọng. Tín dụng co hẹp, bất động sản gần như đóng băng, người dân dành phần lớn thu nhập chi trả lãi vay khiến tiêu dùng suy yếu. Vậy đâu là những động lực tăng trưởng kinh tế chính cho cuối năm nay và đầu năm sau?

- Ông Nguyễn Xuân Thành: Có mấy động lực chính tác động đến tăng trưởng hai tháng cuối năm và nhìn rộng hơn là năm 2024.

Đầu tiên là sự tích cực từ xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 10 năm nay so với tháng 10 năm ngoái tăng hơn 5,9%. Các nhà xuất khẩu cho biết tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực. Hai nền kinh tế có sự sụt giảm xuất khẩu sâu nhất đầu năm nay là Việt Nam và Đài Loan đều cùng phục hồi.

Nhìn sang năm 2024 có rất nhiều bất trắc. Nếu như kinh tế toàn cầu trong đó có Mỹ hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024. Nhưng vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, năm 2024, chúng ta vẫn sẽ có tăng trưởng xuất khẩu từ 5 - 7% chứ không bị âm như năm nay.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright dự báo chính sách tiền tệ. (Ảnh: BTC Chương trình).

Động lực tích cực thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau. Thị trường có thể thắc mắc là giải ngân ít quá nhưng chúng ta phải hiểu là tác động của vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng.

Trong quý I, gần như sẽ không giải ngân được, quý II chuẩn bị thì tới quý III và quý IV mới là lúc tiền ra. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay, đầu năm sau.

Sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Năm sau sẽ không có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỷ USD. Nhưng đây vẫn là một con số lớn.

Bên cạnh đó, hai động lực với nền kinh tế sẽ đến từ xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở lại tạo cú hích cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024. Ở Việt Nam, những chính sách cho từng đối tượng sẽ khó giải ngân nhưng giảm thuế sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Một lo ngại nữa về thị trường chứng khoán là USD lên giá trên toàn cầu. Áp lực tỷ giá khiến NHNN phải phát hành tín phiếu, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nhưng kỳ hạn của tín phiếu chỉ có 28 ngày đến giờ đã đáo hạn và đã bơm tiền trở lại.

Đồng USD đã không lên giá mạnh nữa sẽ không gây áp lực đến chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ mở rộng. Lãi suất đã đáy nhưng nếu duy trì được trong cả năm 2024 sẽ là tín hiệu tích cực.

Với vai trò là đại diện một tổ chức tín dụng, ôngTrần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, đánh giá như thế nào về khả năng giảm lãi suất cho vay trong năm tới, qua đó thúc đẩy cầu tiêu dùng – một trong ba trụ cột của tăng trưởng kinh tế tăng trở lại?

- Ông Trần Hoài Nam: Hiện tại không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất cho vay có độ trễ hơn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại đã có thời kỳ nâng lãi suất cho vay lên cao trong giai đoạn nền kinh tế khóa khăn cuối năm 2022, đầu năm 2023.

 Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank. (Ảnh: BTC chương trình).

Bên cạnh đó, room tín dụng ở các ngân hàng đã sớm được NHNN điều chỉnh từ tháng 7 vừa qua, khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn cùng môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu giải ngân vốn tín dụng sẽ tăng. Hiện các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản.

Lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm và sang quý I năm sau. Còn sau đó rất khó để đưa ra dự báo trong thời gian dài, tùy thuộc vào biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

Từ khoá lạm phát còn nóng trong năm 2024?

Từ khóa lạm phát là nguyên nhân khiến Fed phải duy trì mức lãi suất cao, gây sức ép tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ lên các nước khác, bao gồm cả Việt Nam. Vậy theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, lạm phát và Fed có còn là vấn đề của năm 2024 hay không? Nếu không phải lạm phát, thì từ khóa nhà đầu tư cần quan tâm của năm 2024 là gì? 

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam.(Ảnh: BTC chương trình).

Ông Dominic Scriven: Đây là câu hỏi khá khó và theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là phải phụ thuộc vào dữ liệu.

Song, tôi nghĩ độ nhiệt của lạm phát đã qua rồi. Nếu như các nền kinh tế lớn như Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhiệt, dĩ nhiên lạm phát sẽ giảm nhiệt theo, lãi suất có thể giảm nữa. Nhưng lạm suất khó mà hạ nhiều, vì chúng ta phải sống với lạm phát khá lâu nữa.

10 năm trước đây, các ngân hàng trung ương cố đẩy lạm phát lên 2% nhưng không nước nào nào đạt được. Tuy nhiên, 5 - 7 năm sau, các ngân hàng trung ương phải nỗ lực đẩy lạm phát xuống 2% nhưng không biết có làm được hay không.

Có khá nhiều lý do khiến nền kinh tế toàn cầu chịu áp lực mới như chuỗi cung ứng bị nghẽn làm hiệu quả sản xuất bị đình trệ, khó khăn, mất hiệu quả. Cùng với đó là các vấn đề liên quan chính trị ảnh hưởng tới các mặt hàng liên quan đến sống còn như dầu thô.

Độ nhiệt của lạm phát đã sau lưng nhưng chúng ta không chủ quan.

Với Việt Nam, lạm phát và tỷ giá cũng hai vấn đề tạo sự quan tâm trong thời gian gần đây. Riêng lạm phát dù có tín hiệu tăng trở lại và thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng nhiều chuyên gia đánh giá rủi ro lạm phát của Việt Nam vẫn được cho là thấp nhờ yếu tố cung tiền yếu.

Trong khi đó, việc NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá thông qua việc hút tiền về đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng mạnh. Ông Trần Hoài Nam đánh giá như thế nào về sự tác động của chính sách tiền tệ đối với thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, liệu việc này sắp tới còn tiếp diễn hay không? 

- Ông Trần Hoài Nam: Đứng ở góc độ ngân hàng thương mại và cũng là người trong ngành tài chính, thứ nhất, thông tin của anh Thành và chị Bình nêu rất rõ động thái hút dòng tiền của NHNN nhưng mọi người quên mất rằng khi hết hạn thì tiền đang quay trở ra.

Câu hỏi là dòng tiền nó đang đi đâu, ở chỗ nào? Trong thời gian vừa qua, khó khăn về thanh khoản trong cuối năm 2022 đầu năm 2023, các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cùng với thị trường chứng khoán có chiều hướng giảm khiến kênh đầu tư này giảm sức hút. 

Bất động sản đóng băng thì tiền cũng không vào đây, bên cạnh việc nhà đầu tư rút tiền từ kênh trái phiếu. Do đó, tiền gửi vào ngân hàng nhiều, thanh khoản lớn. Tôi nghĩ việc NHNN rút tiền về cũng là động thái hợp lý, giảm dư thừa thanh khoản trên thị trường và tôi cho rằng nó không ảnh hưởng nhiều tới các chỉ số khác hay thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân chưa được chuyên nghiệp, thiếu bình tĩnh. Cá nhân tôi nhìn thấy điều này không ảnh hưởng nhiều tới thanh khoản của thị trường. Hôm qua thị trường chứng khoán giảm, nay lại tăng ầm ầm.

Vấn đề thanh khoản của thị trường chứng khoán theo tôi đến từ sức hấp dẫn của thị trường cũng như là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, định hướng của nền kinh tế được tốt hơn trong thời gian tới. 

Vốn đầu tư gián tiếp  nước ngoài (FII) vào Việt Nam gần đây chững lại khi Việt Nam thiếu vắng các thương vụ IPO lớn? Liệu đến khi nào thì thị trường mới sôi động trở lại như giai đoạn 2016-2018? 

- Ông Nguyễn Duy Linh: Dòng vốn FII vào một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phát triển của nền kinh tế, chất lượng hàng hoá, sự minh bạch của thị trường và quan trọng hơn cả là doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí đầu tư của các tổ chức.

Giai đoạn năm 2016 - 2018 bối cảnh tương tự với giai đoạn hiện nay khi Fed cũng có sự gia tăng về lãi suất trong năm 2017 nhưng mức độ rất thấp. Tại thời điểm đó, tỷ giá của Việt Nam rất ổn định. Một điều rất tích cực trong giai đoạn này là quá trình IPO các doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước, đưa lên niêm yết rất quyết liệt của Chính phủ.

Chỉ trong năm 2017 có 70 doanh nghiệp Nhà nước được đưa lên niêm yết trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Sabeco, Petrolimex hoặc các doanh nghiệp tư nhân như Vincom Retail. Đây là những chất xúc tác tốt cho dòng vốn FII.

Với giai đoạn hiện nay vẫn còn rất nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhưng quá trình IPO đang bị chững lại. Vấn đề chính là việc định giá doanh nghiệp. Đây là nút thắt trong câu chuyện dòng vốn FII của thị trường.

Trong thời gian vừa qua, sự chênh lệch về chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước dẫn đến sự chênh lệch lãi suất, gây ra tình trạng rút vốn. Nhưng Việt Nam lại là quốc gia có mức độ rút vốn nhỏ nhất so với các nước Đông Nam Á.

Trải qua hai quý liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng đâu đó 350 triệu USD. Con số này không lớn so với tổng vốn và so với so với số rút ròng ở các quốc gia khác.

Năm 2024, mức độ rút ròng sẽ được thu hẹp vì sự chênh lệch về chính sách tiền tệ không còn nhiều. Khi lạm phát của Mỹ được kiểm soát, Fed không tăng lãi suất mà khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Một số dự báo trước đây cho rằng Fed có thể giảm lãi suất từ giữa năm sau nhưng những dự báo gần đây cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất sớm hơn, khoảng tháng 5 năm sau hoặc sớm hơn.

Những dự báo này cộng với sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi, tôi tin rằng dòng vốn FII sẽ chọn lọc kỹ hơn trong số các nền kinh tế phát triển, nơi có những câu chuyện riêng để đầu tư nhưng Việt Nam sẽ là một điểm đến.

Chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hay thắt chặt

Với chính sách tiền tệ, các vị diễn giả dự báo NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ theo hướng nào: Nới lỏng – thắt chặt – trung tính?

- Ông Nguyễn Xuân Thành: Định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi áp lực cho giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.

Tất nhiên mong muốn của nhà điều hành là như thế nhưng có làm được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tất cả ngân hàng trung ương đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường” với tự tin rất thấp, khả năng mắc sai lầm rất cao, kể cả Fed.

Năm nay tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố: tỷ giá và lạm phát.

Trong điều kiện bình thường, NHNN sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được.

Đối với kịch bản nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam sẽ mất bao lâu nữa mới có thể đáp ứng các tiêu chí? Hiệu ứng từ việc nâng hạng đến thị trường chứng khoán & sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam ra sao? 

- Ông Nguyễn Duy Linh: Nếu chúng ta hình dung quá trình nâng hạng thị trường như cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, thì sẽ gồm 4 giai đoạn: khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn tăng tốc và về đích.

Câu chuyện nâng hạng đã được nói đến cả thập kỷ nay. Tôi còn nhớ chúng ta bắt đầu bàn luận về vấn đề này từ những năm 2012 - 2013. Kể từ đó, chúng ta đã đạt được thành tựu. Đầu tiên, năm 2018, chúng ta đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng của FTSE.

Năm 2020, chúng ta ban hành nghị định 155 hướng dẫn thi hành luật chứng khoán, trong đó có một điểm mà tôi cho là cực kỳ quan trọng là thanh toán bù trừ CCP (Đối tác bù trừ trung tâm). Năm 2023, chúng ta vượt qua các yếu tố định lượng của MSCI (9/18 tiêu chí ) và 7/9 tiêu chí của FTSE. Chúng ta đang chuẩn bị nỗ lực tăng tốc để về đích 2025.

Quay trở lại các tiêu chí thì chúng ta đã xong các yếu tố định lượng. Các yếu tố định tính còn liên quan đến hai yếu tố, tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài như tính bình đẳng ở việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, minh bạch thị trường…

Một yếu tố quan trọng thứ hai là funding (yêu cầu có tiền khi giao dịch), là tiền. Để giải quyết điều này, chúng ta cần chờ sự nỗ lực của cơ quan nhà nước để triển khai hệ thống KRX, thay đổi văn bản pháp quy để công ty chứng khoán được thẩm định nhà đâu tư nước ngoài và quy định tỷ lệ ký quỹ ở mức nào đó...FTSE đánh giá đây là những bước tiến, xóa bỏ rào cản ban đầu.

Tôi thấy một quý vừa qua, chủ đề nâng hạng thị trường của cơ quan nhà nước tổ chức trong và ngoài nước, UBCKNN đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác để tháo gỡ những khó khăn. Cá nhân tôi dự báo vào tháng 9/2024, chúng ta sẽ được FTSE đưa vào danh sách thị trường mới nổi (EM). Sau một năm vào tháng 9/2025, chúng ta sẽ chính thức trở thành thị trường mới nổi.

Đối với MSCI thì điều kiện phức tạp và khó khăn hơn, chúng ta sẽ được đưa vào "watchlist" định kỳ thường niên vào tháng 6/2026. Sau đó một năm, khoảng tháng 6/2026 sẽ hoàn tất quá trình nâng hạng thị trường.

Chúng ta sẽ ở trên đỉnh Olympia.

Số liệu cho thấy GDP 2024 dự báo đạt bình quân khoảng 6%, tích cực hơn so với mức bình quân 5% của năm 2023. Các chuyên gia đánh giá như thế nào về dự báo này?

 

- Ông Nguyên Xuân Thành: Theo tôi tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5 - 5,5%, do đó mục tiêu 6 - 6,5% cho năm 2024 rất nhiều bất trắc. GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều. Vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết được trong năm 2024. Nếu kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ nới lỏng thì phải xem xét lại.

- Ông Nguyễn Duy Linh: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm sau theo tôi kỳ vọng là 6%, khá phù hợp với dự báo của các tổ chức quốc tế. Năm nay, sản xuất đã phục hồi, xuất khẩu cũng phục hồi. Năm sau, động lực tăng trưởng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh từ đầu tư công, đặc biệt là các dự án cao tốc, vành đai như sân bay Long Thành, vành đai 3,4 Hà Nội TP HCM.

- Ông Trần Hoài Nam: Đứng về góc độ thị trường, năm 2023 là một năm khó khăn để làm kinh doanh. Năm 2024 cũng là một năm khó khăn. Song, những cái gì khó quá đã ở lại sau lưng rồi, khả năng GDP tăng trưởng được 6% - 6,5% trong năm sau là có khả năng.

 - Ông Dominic Scriven: Năm sau có thể không quá dễ dàng nhưng chắc là khá hơn năm nay.

Với các nhận định trên về bức tranh kinh tế vĩ mô 2024, nhà đầu tư cần quan tâm điều gì, chuẩn bị gì và hành động như thế nào để đầu tư hiệu quả cao năm 2024?

- Ông Nguyễn Duy Linh: Ngày nay chúng ta nghe rất nhiều đến các thời kỳ (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ). Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị rất kĩ như một doanh nhân, nếu “trading” (giao dịch) như một “business man” (ngườ kinh doanh) thì thị trường chứng khoán sẽ trở lại như những gì nhà đầu tư mong muốn và nỗ lực. Nhà đầu tư phải chuẩn bị tư duy rất rõ là thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội.

Năm 2023 từng được các chuyên gia dự báo rất khó nhưng lại có giai đoạn rất tốt. Ngay cả những năm COVID-19, thị trường chứng khoán cũng có cơ hội. Điều quan trọng nhất là làm gì để tận dụng được cơ hội đó.

Nếu nhà đầu tư xem thị trường chứng khoán là nơi để vào gặt hái thì rất khó. Thật xuất sắc nếu chúng ta chọn được thời điểm mua cổ phiếu. Tiếp theo nhà đầu tư phải có các tiêu chí để phân bổ tài sản và cân đối tỷ trọng, cuối cùng là thời điểm bán (bán chốt lời và bán cắt lỗ).

Vào thời điểm VN-Index lên 1.200 điểm, nhà đầu tư trên thị trường từng rất lạc quan và bỏ qua yếu tố quản trị rủi ro. Chúng ta luôn luôn phải làm bài tập về nhà: Trong lúc bi quan nhất cũng cần làm việc để tận dụng tất cả trạng thái của thị trường.

Câu hỏi của khán giả: Trên cương vị quản lý quỹ ngoại, ông Dominic Scriven đánh giá TTCK hiện nay hấp dẫn hay không hấp dẫn? Hấp dẫn ở điểm nào, không hấp dẫn ở điểm nào?  

- Ông Dominic Scriven: Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, không chỉ kinh tế mà còn là dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số 104 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác thì hầu hết đang có dân số già.

Yếu tố thứ hai là vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế. Không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.

Tôi cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ mà tôi vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là họ còn thận trọng và thứ hai là tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên tới 500 tỷ USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia.

Với những yếu tố trên, theo tôi các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà là phải đầu tư vào Việt Nam.

Ban Biên tập

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.