|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Dragon Capital nêu hai lý do nhóm quỹ quy mô 500 tỷ USD chưa giải ngân vào Việt Nam

14:10 | 13/11/2023
Chia sẻ
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam đánh giá dòng vốn quốc tế vào Việt Nam vẫn rất nhỏ trong khi thị trường đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi.

Tại sự kiện "Vietnam Investment Forum 2024" do VietnamBiz phối hợp với CFO Việt Nam tổ chức ngày 9/11, Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam đánh giá dòng vốn của nhà đầu tư (NĐT) ngoại rót vào chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáng kể trong khi đây là thị trường đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi.

Những giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam

Ông Dominic Scriven nhận định Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, từ kinh tế, dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác hầu hết đang có dân số già. Yếu tố vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế, không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.

“Tôi cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ tôi vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là, thứ nhất họ còn thận trọng và thứ hai là tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên đến 500 tỷ USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia. Với những yếu tố trên, các NĐT ngoại không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà là phải đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Scriven nhận định.

Về việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đây là sự kiện gây bất ngờ lớn, ảnh hưởng tích cực đến GDP Việt Nam. Theo thông tin ông Dominic Scriven có được, hai bên đề cập nhiều đến lĩnh vực công nghệ.

Từ đó, phía các doanh nghiệp Mỹ sẽ càng có sự quan tâm lớn tới mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Việc đầu tư mở rộng sản xuất là có, thêm vào đó là bổ sung nâng cấp trình độ tay nghề - vốn có chương trình triển khai khá chi tiết trong thời gian tới.

  Ông Dominic Scriven chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024. Ảnh: VIF 2024.

Liên quan đến GDP, Chủ tịch Dragon Capital cũng đặt vấn đề liệu cơ cấu GDP có được phản ánh trong cơ cấu vốn hóa thị trường chứng khoán hay không? Giả sử nói hàng xuất khẩu Việt Nam phục hồi nhưng nhìn vào thị trường chứng khoán, phần phản ánh xuất khẩu của Việt Nam chưa đủ lớn, thủy sản, nông sản chỉ có một phần nhỏ.

“Chúng ta cần nghiên cứu tầm nhìn NĐT nước ngoài về thị trường, về các ngành, về các công ty. Có hay không khả năng Nhà nước cổ phần hóa? Có lẽ chúng ta không nên nhờ vào Nhà nước mà nên động viên các công ty tư nhân Việt Nam không sợ thị trường, không đòi hỏi nhiều quá về giá trị doanh nghiệp, đưa cổ phiếu lên niêm yết một phần, bắt đầu quan hệ với cộng đồng đầu tư chúng ta. Tôi nghĩ đây là một tâm lý chung chưa mạnh lắm tại các doanh nghiệp tư nhân”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Một yếu tố mà Dragon Capital cũng quan tâm là bên cạnh vai trò của NĐT cá nhân, vốn chiếm phần lớn giao dịch trên thị trường, cần phải phát huy vai trò của NĐT tổ chức.

“Làm sao Việt Nam phát huy được vai trò của NĐT tổ chức, dù là quỹ, quỹ hưu trí, hay là các khoản đầu tư của Nhà nước hay địa phương hoặc NĐT nước ngoài. Đó là nhiệm vụ của các thành viên thị trường, chúng ta cần nỗ lực thêm. Các NĐT nước ngoài cũng đang nhìn rất nhiều vào điều đó”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Về câu chuyện nâng hạng, khi trao đổi với nhóm NĐT ngoại trong khoảng 1 năm gần đây, Dragon Capital nhận thấy họ không đề nghị bỏ miễn bỏ room sở hữu, không đặt nặng việc TTCK Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE hay MSCI. Nếu rót tiền vào Việt Nam, theo quy chế đầu tư, nhóm này sẽ cùng lúc đầu tư vào 10 quỹ của họ. Do đó, việc đầu tư cũng sẽ có mức độ nhất định.

“Chúng ta cũng nên cân nhắc khi nói về vấn đề nâng hạng.”, người đứng đầu Dragon Capital nêu ý kiến.

 Ông Dominic Scriven (phải) chia sẻ tại phiên 1 Vietnam Investment Forum 2024. Ảnh: X.N. 

Không được chủ quan trước yếu tố lạm phát

Ở góc nhìn vĩ mô, đại diện Dragon Capital cho rằng giai đoạn nóng nhất của lạm phát đã qua. Nếu như các nền kinh tế lớn như Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhiệt, dĩ nhiên lạm phát sẽ giảm nhiệt theo, và lãi suất có thể giảm hơn nữa. Tuy nhiên, lạm suất được đánh giá khó hạ nhiều, việc phải sống với lạm phát còn kéo dài khá lâu nữa.

Nhìn lại 10 năm trước đây, các ngân hàng trung ương cố đẩy lạm phát lên 2% nhưng không nước nào nào đạt được. Tuy nhiên, 5 - 7 năm sau, các ngân hàng trung ương phải nỗ lực đẩy lạm phát xuống 2% nhưng không biết có khả thi hay không.

Trong khi đó, xuất hiện khá nhiều lý do khiến nền kinh tế toàn cầu chịu áp lực mới như chuỗi cung ứng bị nghẽn làm hiệu quả sản xuất bị đình trệ, khó khăn, mất hiệu quả. Các vấn đề liên quan đến chính trị gây ảnh hưởng tới các mặt hàng liên quan đến sống còn như dầu thô.

“Sức nóng của lạm phát đã sau lưng nhưng chúng ta không chủ quan.”, ông Dominic Scriven cảnh báo.

Xuân Nghĩa