|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán châu Á bật tăng, Hang Seng vọt lên hơn 7,6% sau tin Zero COVID được nới lỏng, lạm phát Mỹ thấp bất ngờ

17:45 | 11/11/2022
Chia sẻ
Sau thông tin về việc Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch và số liệu lạm phát thấp hơn kỳ vọng tại Mỹ, chứng khoán châu Á đi lên mạnh mẽ trong phiên ngày 11/11.

Chứng khoán châu Á khởi sắc

Theo CNBC, sau thông tin về mức lạm phát thấp hơn kỳ vọng tại Mỹ và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng COVID-19, các chỉ số chứng khoán tại châu Á đều ghi nhận đà tăng. 

Chỉ số Hang Seng (HSI) đã leo thêm 7,65%; Hang Seng Tech đã tăng 10% trong giờ cuối cùng của phiên giao dịch. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shenzhen Component (SZSE) lên 1,31%, trong khi Shanghai Composite (SSEC) ghi nhận mức tăng 1,69%.

Các cổ phiếu về du lịch, casino đều tăng sau thông tin tích cực về chính sách Zero COVID của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, VN-Index tăng 0,77% lên 954,5 điểm nhưng HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Toàn thị trường vẫn có tới 214 mã giảm sàn ở nhóm bất động sản - xây dựng - thép, ví dụ như: NVL, DIG, PDR, HBC, L14, HSG, NKG, ...

Các chỉ số chứng khoán tại tại khu vực Đại Trung Quốc đều tăng sau thông tin nới lỏng Zero COVID. 

Tại Nhật Bản, Nikkei 225 chốt phiên ở tăng 2,98%, đạt 28.264 điểm, còn chỉ số Topix đạt gần 1.978 điểm, cao hơn hôm trước 2,12%. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc lên 3,37%, trong khi S&P/ASX 200 leo thêm 2,79%.

Tại Phố Wall, thị trường chứng khoán ngày 10/11 cũng ghi nhận đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng hai năm sau kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn kỳ vọng. CPI tại Mỹ vào tháng 10 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, và 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Đồng nhân dân tệ (CNY) cũng đạt mức mạnh nhất trong hơn một tháng so với USD. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng thêm 2,51%, chạm mức 96,07 USD/thùng trong khi WTI rớt 2,72% xuống còn 88,82 USD/thùng.

 CNY đang mạnh nhất so với USD trong hơn một tháng qua. 

Theo dự báo của ngân hàng Goldman Sach, cổ phiếu tại khu vực Đại Trung Quốc (gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và đảo Đài Loan) sẽ có mức tăng 20% một khi nền kinh tế số hai thế giới mở cửa hoàn toàn.

20 chỉ dẫn phòng dịch COVID mới

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang nới lỏng chính sách Zero COVID và đã thông qua 20 chỉ dẫn phòng dịch mới. Hiện số ca nhiễm COVID tại Trung Quốc đang ở mức kỷ lục trong nhiều tháng.

 

Bắc Kinh đã công bố 20 giải pháp phòng dịch mới vào hôm 11/11, hướng dẫn các quan chức cần phải làm gì, từ cách ly tới xét nghiệm. Những nhóm giải pháp này có xu hướng nới lỏng hơn so với trước kia. 20 giải pháp trên bao gồm: 

  1. Hạ thời gian cách ly với người tiếp xúc gần xuống còn 5 ngày tại cơ sở tập trung và ba ngày tại nhà. Trước đây, quãng thời gian cách ly là 7 ngày tập trung và ba ngày tại nhà.

  2. Không theo dấu những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần.

  3. Những người rời khu vực nguy cơ cao sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, thay vì phải cách ly tập trung.

  4. Loại bỏ mức rủi ro “trung bình”; chỉ nhà ở, nơi làm việc và những nơi thường xuyên có người nhiễm sẽ bị coi là rủi ro cao; tất cả nơi khác là rủi ro thấp. Những khu vực rủi ro cao chỉ nên giới hạn trong một khu nhà, và không thể được mở rộng theo ý muốn.

  5. Những lao động có nguy cơ cao, khi rời khỏi hoạt động khép kín sẽ phải ở nhà trong 5 ngày, giảm từ 7 ngày tại nhà hoặc cơ sở cách ly tập trung.

  6. Giảm việc xét nghiệm hàng loạt tại đa số khu vực. Chỉ xét nghiệm toàn thành phố khi không xác định được nguồn lây.

  7. Bỏ các lệnh cấm kiểu “ngắt mạch” với chuyến bay tới Trung Quốc và giảm số xét nghiệm PCR trước khi bay từ hai xuống còn một.

  8. Áp dụng hệ thống khép kín với các giám đốc doanh nghiệp và ngôi sao thể thao tới Trung Quốc.

  9. Chỉ số CT (cycle threshold) ở dưới 35 đồng nghĩa với nhiễm COVID. 

  10. Thời gian cách ly với người đến là 5 ngày tại khách sạn và ba ngày tại nhà, giảm từ mức 7 ngày tại khách sạn và ba ngày tại nhà.

  11. Mở rộng cơ sở hạ tầng y tế, bao gồm cả giường bệnh.

  12. Tăng cường sử dụng vắc xin, đặc biệt là mũi bổ sung cho người già.

  13. Chuẩn bị thuốc men và trang thiết bị điều trị COVID.

  14. Xác định quy mô dân số vẫn đang có nguy cơ COVID.

  15. Phản ứng nhanh chóng với các đợt bùng phát COVID để giảm quy mô và thời gian kiểm soát dịch.

  16. Ngừng những biện pháp chống COVID thừa thãi của chính quyền địa phương.

  17. Cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cho người bị cách ly.

  18. Cải thiện kiểm soát dịch tại các trường học.

  19. Triển khai biện pháp kiểm soát dịch tại khu công nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động chuỗi cung ứng thuận lợi.

  20. Tổ chức các chuyến đi có trật tự cho những người bị kẹt lại trong đợt phong tỏa.

Minh Quang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.