|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chi tiêu quốc phòng leo thang, đẩy ngân sách Nga vào cảnh mất cân bằng

12:57 | 11/10/2022
Chia sẻ
Nghiên cứu bởi Quỹ Jamestown cho thấy ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng vọt sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Mức tăng chi tiêu có thể sẽ không mang lại hiệu quả tương xứng do nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt và lệnh động viên.

Viện nghiên cứu Quỹ Jamestown cho biết, kể từ tháng 5/2022, chính phủ Nga đã không công bố nhiều dữ liệu về ngân sách quốc phòng. Kể từ tháng 1 đến tháng 4/2022, chi tiêu quốc phòng của Nga đạt 1.600 tỷ ruble (hay 26,4 tỷ USD). Chỉ trong tháng 3 và tháng 4, Moscow đã chi ra 500 tỷ ruble (8,3 tỷ USD).

Trong những năm trước, mức chi tiêu quốc phòng của Nga chỉ đạt khoảng 300 tỷ rúp (5 tỷ USD) mỗi tháng. Ban đầu, ngân sách dự kiến cho lĩnh vực này của Nga trong năm 2022 chỉ là 3.850 tỷ rúp (63,6 tỷ USD). 

Theo mức chi tiêu hiện nay Quỹ Jamestown ước tính nhiều khả năng Moscow sẽ phải bỏ ra tới 5.500 tỷ ruble (90,9 tỷ USD).

Những dự báo này dựa trên hai sự kiện chính. Vào tháng 6/2022, kế hoạch chi tiêu để tăng cường sản xuất vũ khí của Nga chính thức được ước lượng vào khoảng 600 đến 700 tỷ ruble (9,9 đến 11,6 tỷ USD).

Sau khi xem xét lại kế hoạch vào 9/2022, Moscow ước tính chi tiêu quốc phòng cho cả năm 2022 sẽ đạt 4.700 tỷ ruble (77,7 tỷ USD).

Theo Quỹ Jamestown, ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022 sẽ lên tới 90,9 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.

Với tốc độ như hiện nay, chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng đang đẩy ngân sách của Moscow khỏi ngưỡng cân bằng.

Những chi phí này còn chưa bao gồm nguồn phân bổ cho các cơ quan an ninh và hành pháp, chẳng hạn như Rosgvardia (Vệ binh Quốc gia Nga) và Tổng Cục an ninh Liên bang Nga (FSB). Cả hai đơn vị trên đều tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ban đầu, mức chi tiêu cho các tổ chức an ninh và hành pháp vào năm 2022 là 2.800 tỷ ruble (46,3 tỷ USD), nhưng nhiều bằng chứng cho thấy kế hoạch này đã được thay đổi.

Những biến động trong ngân sách quốc phòng của Nga vào năm 2023 có thể còn lớn hơn. Ngân sách 2023 được đề xuất vào khoảng 5.000 tỷ ruble (82,6 tỷ USD) cho quốc phòng và 4.200 tỷ ruble (69,4 tỷ USD) cho an ninh. 

Trước đó, Moscow chỉ dự định chi 3.600 tỷ ruble cho quốc phòng và 2.900 tỷ ruble cho an ninh. Hay nói cách khác, ngân sách dự kiến cho quốc phòng và an ninh của 2023 đã vượt kế hoạch ban đầu hơn 41%.

Mất cân bằng ngân sách

Theo Quỹ Jamestown, cuộc động viên một phần đang diễn ra đã làm nảy sinh nghi vấn về ước lượng ngân sách quốc phòng mới nhất. Các con số của cuộc động viên chưa được xác định rõ ràng ngay từ đầu và quá trình tổ chức đang diễn ra khá hỗn loạn.

Nếu vẫn tiếp tục theo đà này, nhiều khả năng ngân sách quốc phòng của Nga vào năm 2023 sẽ vượt con số 5.000 tỷ ruble.

Ngân sách quốc phòng tăng vọt đồng nghĩa với việc chi tiêu chính phủ Nga sẽ kém linh hoạt và ít hiệu quả hơn. Moscow đã lựa chọn chia sẻ chi phí xung đột với ngân sách của các địa phương.

Do đó, các chính quyền địa phương sẽ phải mua sắm các thiết bị lưỡng dụng (thiết bị có thể sử dụng cả trong dân sự lẫn quân sự), máy bay không người lái dân sự, hệ thống dẫn đường bằng laser và những hàng hóa khác theo yêu cầu trực tiếp của Bộ Quốc phòng Nga.

Quá trình này cũng diễn ra đồng thời với cuộc động viên, vốn đã có nhiều sự hỗn loạn và thiếu thốn, bao gồm các trang thiết bị cơ bản, thuốc men, hệ thống hỗ trợ cho những binh sĩ mới.

Do vậy, ngân sách năm 2023 có thể sẽ nhận được thêm các khoản bổ sung, tùy thuộc vào quy mô và sự thành công của việc động viên.

Vấn đề hiện nay là tất cả ngân sách vùng và địa phương đều phụ thuộc vào sự điều phối của Điện Kremlin. Việc Moscow có thể tận dụng ngân sách địa phương cho nhu cầu quốc phòng đã tạo ra những sự mất cân bằng và ổn định trong hệ thống kinh tế-chính trị Nga.

Đồng thời, Điện Kremlin đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế sâu bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với công nghệ và thiết bị công nghiệp cũng như sự sụt giảm về xuất khẩu.

Xe tăng T-14 của Nga được công bố từ năm 2015, nhưng số lượng sản xuất hiện vẫn còn rất hạn chế. (Ảnh: Aleksandr Markin).

Nguyên nhân chính khiến chi tiêu quốc phòng Nga tăng lên là do tổn thất lớn về nhân lực và vũ khí. Nhưng sự gia tăng ngân sách rất có thể sẽ chỉ làm chi phí sản xuất và mua sắm vũ khí tăng lên, thay vì cải thiện số lượng và chất lượng khí tài.

Ngay trừ trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự, tình trạng thâm hụt nhân lực trong nền kinh tế Nga, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng, đã là một vấn đề nghiêm trọng. Cuộc xung đột Ukraine cùng với lệnh động viên đang làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

Cách tiếp cận điển hình của Điện Kremlin là ném tiền để giải quyết rắc rối sẽ không hứa hẹn các kết quả tích cực và bền vững. Hiện việc chi tiêu mạnh tay của Moscow đang giúp đảm bảo lòng trung thành của các lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng.

Nhưng sự mất cân đối hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng của Nga là không thể tránh khỏi, kể cả khi cường độ cuộc xung đột Ukraine giảm trong những tháng tới.

Đồng thời, đồng ruble hiện đã không còn là một loại tiền tệ được tự do chuyển đổi và có thể mất giá một cách bất ngờ trong tương lai gần khiến mức chi tiêu quốc phòng tăng vọt của Nga có thể sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.