|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung Bột giặt NET, thương hiệu Việt hơn nửa thế kỉ còn sót lại

08:20 | 25/12/2019
Chia sẻ
Trong số ít những thương hiệu Việt lâu đời còn tồn tại, Netco vẫn đang sống tốt sau khi mở rộng nhà máy sản xuất năm 2017.

Thương hiệu hơn nửa thế kỉ còn sót lại

Tiền thân của Công ty cổ phần Bột giặt NET (Netco - Mã: NET) là Việt nam Tân Hóa phẩm công ty, được xây dựng từ năm 1968. Đến năm 1972, nhà máy chính thức hoàn thành đưa vào sản xuất với công suất thiết kế 5.800 tấn sản phẩm/năm.

Lúc mới thành lập, Việt nam Tân hóa phẩm công ty đã cho một số thành viên trong công ty sang nước cộng hòa Pháp học cách làm xà bông bột. Sau khi trở về nước, những thành viên này lấy tên thương hiệu là NET.

Năm 1975, Chính phủ quốc hữu hóa và chuyển tên gọi từ Việt Nam Tân hóa phẩm Công ty thành Nhà máy quốc doanh Bột giặt Đồng Nai hạch toán dưới dạng báo sổ trực thuộc công ty Bột giặt Miền Nam.

Năm 1992, được sự chấp thuận của Tổng công ty hóa chất công nghiệp và hóa chất tiêu dùng, công ty đã nhận lại Nhà máy Mỹ phẩm Bình Đông và chuyển chi nhánh NET từ số 39 Phó cơ Điều, phường 12, quận 5, TP HCM về số 617 – 629 bến Bình Đông, phường 13, quận 8, TP HCM

Năm 2000, Công ty khánh thành chi nhánh NET tại km 01 đường Phan Trọng Tuệ, huyện Thanh Trì, thủ đô Hà Nội với một tháp Bột giặt có công suất 10.000 tấn bột giặt/năm.

Tháng 4/2003, Bộ Công nghiệp có quyết định số 50/2003/QĐ-BCN về việc cổ phần hóa công ty Bột giặt NET. Đến ngày tháng 7/2003, công ty chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Bột giặt NET với số vốn điều lệ là 22 tỉ đồng.

Tháng 4/2010, ĐHĐCĐ Netco đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến giữa tháng 9/2010, Công ty chính thức thực hiện giao dịch cổ phiếu tại HNX.

Vào tháng 7/2017, Netco khánh thành nhà máy mới tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn với qui mô hiện đại, tối đa hóa tự động. Đến 2018, Tổng công suất thiết kế hai nhà máy, một tại trụ sở chính ở Long Thành - Đồng Nai và một tại Hà Nội là 180.000 tấn bột giặt và 100.000 tấn tẩy rửa lỏng/năm.

Tính đến 30/9, tổng nguồn vốn của Netco ở mức 542 tỉ đồng, bao gồm 224 tỉ đồng vốn điều lệ; nợ vay không đáng kể. Kể từ khi niêm yết, mỗi năm, Netco trả cổ tức tiền mặt đều đặn cho cổ đông bình quân vào khoảng 30%.

Từ gia công đến tăng giá trị từ sản phẩm riêng

Netco từ lâu được biết đến là đối tác gia công của tập đoàn Unilever trong việc sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu quốc tế như: OMO, SURF, Sunlight, VIM và một số nhãn hàng khác để xuất khẩu sang New Zealand, Thái Lan và Ấn Độ.

Việc gia công đã giúp Netco lấp đầy công suất thừa và hoạt động khá nhàn. Ngược lại, giá trị gia tăng đến từ việc gia công cho Unilever là khá thấp. Vì vậy, song song với việc vẫn làm gia công, Netco buộc phải tìm cách mở rộng quy mô và phát triển sản phẩm riêng để có hiệu quả lớn hơn.

Sau khi mua lại nhà máy của Unilever tại Hà Nội, đồng thời tăng dần lượng sản phẩm mang thương hiệu riêng, tỉ lệ gia công của Netco đã giảm từ mức 70% năm 2.000 xuống các mức thấp trong những năm gần đây. Đến năm 2018, báo cáo của Netco không còn ghi nhận doanh thu gia công.

Chân dung Bột giặt NET, thương hiệu Việt hơn nửa thế kỷ còn sót lại - Ảnh 1.

NET không còn ghi nhận doanh thu từ gia công từ năm 2018 (Nguồn: Báo cáo thường niên Netco)

Netco hiện cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu của Netco đã tăng từ 33% trong tổng doanh thu năm 2016 lên gần 50% tổng doanh thu năm 2017 và 2018. Các thị trường mang lại nhiều doanh thu là Nhật Bản, Philippines và Campuchia. Theo đó, thị trường xuất khẩu bột giặt được mở rộng sang cả Đài Loan, Australia, Nam Phi.

Năm 2019, Hội đồng quản trị Netco cho biết công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của đội nghiên cứu sản phẩm và thị trường của Công ty nhằm đưa ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, kết hợp quảng bá hình ảnh công ty và thương hiệu NET.

Chân dung Bột giặt NET, thương hiệu Việt hơn nửa thế kỷ còn sót lại - Ảnh 2.

Lợi nhuận NET giảm trong 2 năm 2017 - 2018 trái ngược với doanh thu tăng do công ty tăng trích lập khấu hao và các chi phí tăng sau khi mở rộng công suất 

Sau khi hoàn tất mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, doanh thu của NET đã tăng mạnh trong năm 2017. Dù vậy, lợi nhuận công ty sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu từ việc trích khấu hao nhà máy; chi phí này đã tăng từ 10 tỉ đồng năm 2016 lên 23 tỉ đồng trong năm 2018.

9 tháng đầu năm, doanh thu của Netco đạt gần 805 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Netco đạt gần 54 tỉ đồng, tăng gần 31% so với cùng kì năm trước nhờ biên lãi gộp cải thiện và các chi phí đồng loạt giảm.

Chờ Masan thể hiện năng lực M&A

Sau khi Vinachem và các quỹ ngoại đồng loạt thoái vốn, Masan mới đây đã đưa ra đề nghị chào mua công khai lên đến 60% cổ phần Netco với giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá mà phía Masan đưa ra cao hơn 20% so với giá cổ phiếu NET trên thị trường. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Masan tiếp quản Vimart cách đây ít ngày.

Trước đó, Cục Quản cạnh tranh đánh giá rằng các DN bột giặt trong nước hiện đang thất thế so với Unilever và P&G do khả năng quyết định giá hạn chế. Các doanh nghiệp trong nước muốn tiêu thụ sản phẩm bắt buộc phải bán với mức giá rẻ hơn trung bình khoảng 30-40% so với mức giá sản phẩm của thương hiệu ngoại.

Điều này cũng đồng thời cho thấy sức cạnh tranh sụt giảm rõ rệt của các DN Việt Nam trong nhiều ngành hàng. Số liệu từ báo cáo của Euromonitor cho thấy, lĩnh vực chăm sóc cá nhân và gia đình là ngành tiêu dùng giá trị khoảng 3,1 tỉ USD.  Tuy nhiên, thị phần hiện tại của Netco trong ngành hàng bột giặt chỉ là 1,5% so với 54,9% thị phần của Unilever và 16% của Procter & Gamble.

Chân dung Bột giặt NET, thương hiệu Việt hơn nửa thế kỷ còn sót lại - Ảnh 3.

Biên lợi nhuận Netco bắt đầu cải thiện từ quí II/2019

Dù vậy, thực trạng yếu kém cũng là cơ hội lớn cho NET, thương hiệu Việt tồn tại hơn nửa thế kỷ. Với việc chấp nhận bỏ ra một mức giá cao so với thu nhập hiện tại (P/E khoảng 19 lần), một số phân tích lại thấy rằng Masan đã nhìn thấy cơ hội nếu giữ được thương hiệu Việt Nam và làm mới NET. Chấm dứt kiếp gia công, giành lấy thị phần để tăng lợi nhuận.

Với việc lập một công ty thành viên thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình, kết hợp các điểm phân phối và dòng tiền của Netco, Masan cũng được dự báo sẽ tràn sang các sản phẩm khác như sữa tắm kem đánh răng bằng cách thức nào đó, có thể trước mắt là phân phối…

Với Masan, M&A mở rộng ngành hàng đã nhiều lần giúp tập đoàn này thành công. Trước NET, Masan cũng ghi dấu ấn bởi những thương vụ M&A những thương hiệu nội địa lâu đời như Vĩnh Hảo, Vinacafe và một phần tại Vissan, Cholimex Food,…

Đến nay, thương vụ kém hiệu quả nhất của Masan là thương vụ thâu tóm bia Sư Tử Trắng. Doanh số bia Bia Sư Tử Trắng đã giảm từ mức trên 1.000 tỉ đồng nằm 2016 xuống còn chưa đến 400 tỉ đồng trong năm 2018 và tiếp tục giảm 7% trong 9 tháng đầu năm nay.

Hoàng Trung

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường