|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến'

15:09 | 24/06/2020
Chia sẻ
Tháng 7/2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nói: "Khi phía đông đang là đêm tối, phía tây sẽ là ban ngày". Đến nay, khi bị Mỹ và các quốc gia phát triển cô lập, Bắc Kinh dường như đang áp dụng lại chiến lược cũ: Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của các tỉnh, thành ở miền tây đất nước.
Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến' - Ảnh 1.

Hồi tháng 7/2013, tại cảng Khâm Châu ở phía tây nam Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tóm tắt kế hoạch xử lí cú sốc kinh tế đối ngoại sắp tới của chính phủ, South China Morning Post thuật lại.

Khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và châu Âu đình trệ vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tìm cách sử dụng các cảng biển như Khâm Châu (tỉnh Quảng Tây) để khai thác những thị trường mới nổi, chẳng hạn như Việt Nam.

Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến' - Ảnh 2.

"Khi phía đông đang là đêm tối, phía tây sẽ là ban ngày", Thủ tướng Lý Khắc Cường khi đó phát biểu trước công nhân cảng Khâm Châu với bốn bề xung quanh là các thùng chứa nhiều màu và cần cẩu cao chót vót.

7 năm sau, Trung Quốc lại đang một lần nữa hướng về phía tây để giúp ổn định nền kinh tế trong nước giữa lúc thế giới ngày càng chao đảo, bất định.

Đối mặt với lời đe dọa cắt đứt quan hệ kinh tế từ Washington và thái độ thù địch từ cộng đồng quốc tế do cách xử lí đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng khai thác khu vực phía tây rộng lớn và giàu tiềm năng.

Trong khuôn khổ phiên họp quốc hội thường niên hồi tháng trước, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch "Tây tiến", qua đó kêu gọi phát triển các tỉnh miền trung và miền tây để bù đắp rủi ro bị cô lập về mặt địa chính trị cũng như thúc đẩy kinh tế khi tăng trưởng định hướng xuất khẩu bị chững lại.

Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến' - Ảnh 3.

Chia sẻ với SCMP, ông Gong Gang - giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế và Tài chính Vân Nam, cho hay Trung Quốc không thể tiếp tục là "một đất nước nằm ngoài rìa của một hệ thống xem Mỹ là trung tâm" sau khi Washington coi Bắc Kinh là đối thủ.

"Thay vào đó, Trung Quốc cần phải củng cố các nền kinh tế nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), các quốc gia đang phát triển và hình thành một hệ thống mới lấy chính Trung Quốc làm trọng tâm", ông Gong nói tiếp.

Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến' - Ảnh 4.

"Trung Quốc cần chuyển sang xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ thay vì dự trữ đồng USD với hàng hóa xuất khẩu giá rẻ", vị giáo sư nhấn mạnh.

4 thập kỉ trước, Trung Quốc đã nắm bắt thời cơ trên thị trường quốc tế và hệ thống tài chính do Mỹ thống trị, từ đó đặt nền móng cho phép màu kinh tế của nước này.

Các khu vực miền duyên hải, đặc biệt là đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Dương Tử, đã trở thành đối tượng hưởng lợi chính và trở thành những khu vực phát triển mạnh mẽ nhất đất nước, bỏ xa khu vực nội địa.

Mặc dù Bắc Kinh đã rót một khoản tiền lớn vào Chiến lược Phát triển Miền Tây đầu tiên để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng trong khu vực, không có nhiều thay đổi xuất hiện kể từ khi kế hoạch này được triển khai vào năm 1999.

Trong kế hoạch mới, Trung Quốc đã công bố một loạt các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, gồm sân bay, đường sắt và dự án năng lượng. Đồng thời, chính quyền ông Tập Cận Bình còn khuyến khích di dời ngành công nghiệp đến địa điểm mới.

Theo SCMP, 12 tỉnh và khu vực - chiếm 3/4 lãnh thổ Trung Quốc nhưng dân số chỉ vỏn vẹn 1/4, sẽ tham gia vào kế hoạch mới.

Các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trên sẽ kết hợp cùng sáng kiến BRI đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục đích của sáng kiến này là liên kết châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu bằng một chuỗi các dự án cơ sở hạ tầng và cuối cùng tạo ra phạm vi ảnh hưởng sâu rộng.

"Chúng ta sẽ tích hợp kế hoạch 'Tây tiến' với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các chương trình khu vực quan trọng khác để hình thành nên một thị trường nội địa hợp nhất và xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu cao cấp hơn", Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tuyên bố.

Nguồn tin thân cận của SCMP cho biết kế hoạch "Tây tiến" là phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh trước những bất ổn ngày càng gia tăng mà chính phủ phải đối mặt trên trường quốc tế.

"Các nhà hoạch định kinh tế thường đặt ra ba câu hỏi trước khi lên kế hoạch: Liệu tình hình quốc tế có ổn định hay không? Liệu tình hình này có lợi cho Trung Quốc hay không? Sắp tới sẽ có chiến tranh hay hòa bình?", nguồn tin trên nói.

Chi tiết về sáng kiến "Tây tiến" sẽ được công bố trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của chính phủ Trung Quốc, dự kiến sẽ được đệ trình để thảo luận tại phiên họp nhà nước vào cuối năm nay.

Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến' - Ảnh 4.

Dấu hiệu điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đã được thể hiện trong nỗ lực xử lí cuộc xung đột thương mại và công nghệ với Mỹ.

Mùa hè năm ngoái, các cụm thành phố lần đầu tiên được chính quyền Bắc Kinh coi là nền tảng chính để tạo ra tăng trưởng mới. Một số cụm tiêu biểu gồm khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang (tính gộp Thâm Quyến, Quảng Châu và Hong Kong).

Sau đó, chính phủ Trung Quốc bổ sung thêm cụm phía tây gồm Thành Đô và Trùng Khánh vào tháng 1 năm nay.

Ông Yang Yiming - cựu Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với tình hình trong nước và quốc tế vô cùng khác biệt.

Ông Wang lí giải: "Bắc Kinh đã xây dựng một tam giác quan hệ - với Đông Á đóng vai trò là trung tâm sản xuất; châu Âu và Mỹ là thị trường tiêu dùng kiêm trung tâm tài chính; còn Trung Đông và Mỹ Latin là cơ sở năng lượng".

Cánh cửa tới Mỹ dần đóng lại, Trung Quốc quyết định 'Tây tiến' - Ảnh 6.

"Tam giác này đã chứng kiến một điều chỉnh có hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", ông Wang nói tiếp.

Cựu Phó Giám đốc này cho biết các điều chỉnh mới "được thể hiện trong xung đột thương mại do Mỹ khởi xướng và chiến lược kiềm chế Trung Quốc cũng của nền kinh tế lớn nhất thế giới".

"Bằng cách nào Trung Quốc có thể chớp thời cơ ở các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển và những khu vực tham gia sáng kiến BRI thì cần nghiên cứu thêm", ông Wang nhận định.

Theo SCMP, Trung Quốc đang đón nhận một số dấu hiệu đáng khích lệ cho nỗ lực đa dạng hóa các liên kết kinh tế thông qua chiến lược "Tây tiến". Chẳng hạn, các khu vực ở miền tây đất nước ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hơn.

Trong quá khứ, miền tây Trung Quốc cũng là điểm khởi đầu cho hoạt động thương mại với Đông Nam Á. Trong 5 tháng đầu năm nay, Đông Nam Á đã vượt qua châu Âu về giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát còn hoài nghi về cách chính phủ Trung Quốc sẽ giải phóng tiềm năng tăng trưởng ở các tỉnh miền tây rộng lớn cũng như tìm cách kết nối khu vực này với các nước đang phát triển và thị trường châu Âu.

"Chính sách này chủ yếu dựa vào nguồn lực của chính phủ", ông Raymond Yeung - nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho hay.

Kết quả của Chiến lược Phát triển Miền Tây đầu tiên năm 1999 đã không thể biến khu vực phía tây Trung Quốc thành cỗ máy tăng trưởng mà các nhà hoạch định kinh tế hình dung. Giới phê bình đang đặt câu hỏi liệu kế hoạch mới có tạo ra quả ngọt hay không.

Yên Khê