Các qui định về kiểm dịch động thực vật của Thụy Điển
Chứng nhận vệ sinh
Các loại hàng hoá đòi hỏi phải có chứng nhận vệ sinh bao gồm:
- Các loại động vật sống.
- Các sản phẩm từ động vật (thịt, các sản phẩm từ thịt và thức ăn động vật).
- Các sản phẩm thực vật như khoai tây, cây trồng và hạt giống.
Giấy chứng nhận vệ sinh phải được hợp pháp hóa bởi cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc xuất khẩu.
Ngoài ra, Thụy Điển còn áp dụng các qui định về hạn chế nhập khẩu đối với một số hàng hoá để bảo đảm an toàn và sức khỏe cộng đồng, hoặc để phòng trừ nguy cơ dịch bệnh cho động thực vật trong nước.
Kiểm dịch động vật
Là thành viên của EU, Thuỵ Điển tuân thủ các qui định kiểm dịch động vật của EU bao gồm các yêu cầu cơ bản nhất như:
- Nước xuất khẩu phải nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu danh mục sản phẩm liên quan vào EU.
- Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được nước xuất khẩu phê duyệt.
- Tất cả động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe có chữ kí của bác sĩ thú y chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
- Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EU.
- Nếu dịch bệnh bùng phát ở một quốc gia ngoài EU gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoặc sức khỏe cộng đồng, EU có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần quốc gia liên quan hoặc đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với các sản phẩm từ quốc gia đó.
Ngoài ra, Thuỵ Điển có các qui định riêng như nhập khẩu động vật sống hay các sản phẩm từ động vật đều phải đăng kí với Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển. Đối với một số mặt hàng nhất định, cần phải có sự cho phép từ phía Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển.
Việc nhập khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật từ các nước ngoài EU phải được thực hiện tại địa điểm nhập khẩu định trước (điểm kiểm tra biên giới - BCP).
Phí kiểm soát lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là 1100 SEK + 0,15 SEK mỗi kg. Lệ phí cao hơn nếu việc kiểm tra được thực hiện ngoài giờ hành chính. Chi phí để lấy mẫu và phân tích dựa trên các biện pháp tự vệ hoặc nghi ngờ về sự bất thường của lô hàng sẽ do nhà nhập khẩu chi trả.
Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật làm thức ăn cho người. Uỷ ban Nông nghiệp Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc nhập khẩu động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật không dùng cho con người.
Kiểm dịch thực vật
Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Thuỵ Điển phải đảm bảo các qui định của EU về kiểm dịch thực vật.
EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.
Các yêu cầu chung về kiểm dịch thực vật
- Hàng hoá phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
- Hàng hoá phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.
- Hàng hoá phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng kí chính thức tại một nước thành viên EU.
- Hàng hoá phải được thông báo trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.
Ngoài ra, tuỳ từng mặt hàng cụ thể sẽ có các yêu cầu chi tiết. Thông tin thêm về kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu vào EU tại đây: https://ec.europa.eu/food/plant/plant_health_biosecurity/non_eu_trade_en
EU có các qui tắc bảo vệ quyền giống cây trồng, qui định quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng có hiệu lực trên toàn EU. Hệ thống này được thực hiện bởi Văn phòng Giống cây trồng cộng đồng (CPVO).
Ngoài ra, Thuỵ Điển cũng có một số qui định riêng như nhập khẩu cây trồng, đất, phân bón, thuốc trừ sâu hoặc chất kích thích tăng trưởng với mục đích kinh doanh đều phải đăng kí với Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển.
Cơ quan thanh tra của Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển chịu trách nhiệm thanh tra các loại cây trồng nhập khẩu.
An toàn thực phẩm
Nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu thực phẩm vào Thụy Điển với mục đích thương mại bắt buộc phải có cơ sở tại Thụy Điển và phải đăng kí với Cơ quan Thực phẩm về các mặt hàng nhập khẩu.
Nhà nhập khẩu phải thông báo trước cho Cơ quan kiểm tra biên giới đầy đủ về lượng hàng nhập khẩu, và phải sử dụng mẫu tờ khai đặc biệt. Việc nhập khẩu thực phẩm phải được thực hiện tại địa điểm nhập khẩu đã định sẵn.
Việc nhập khẩu thực phẩm được tiến hành sau khi Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển phê duyệt.
Qui định chi tiết về nhập khẩu thực phẩm vào Thuỵ Điển tại đây: https://www.livsmedelsverket.se/en/production-control-and-trade