Một số qui định nhập khẩu vào thị trường Thụy Điển
Qui định về thủ tục hải quan
Thủ tục hải quan đơn giản là thủ tục mà theo đó cơ quan hải quan nơi tiến hành nhập khẩu chấp thuận cho nhà nhập khẩu chỉ cần hoàn tất các chứng từ liên quan, còn thuế có thể được nợ và nhà nhập khẩu chỉ cần ghi nợ khoản thuế này với cơ quan hải quan.
Tờ khai hải quan phải do người nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo hải quan là chính xác.
Khai báo hải quan qua Internet là một phương thức chuyển tải tờ khai xuất nhập khẩu đến cơ quan hải quan một cách nhanh gọn và hiệu quả. Toàn bộ quá trình khai tờ khai hải quan tại Thụy Điển qua Internet đều miễn phí.
Khai báo hải quan trên giấy tờ là người nhập khẩu sau khi khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai (trên văn bản giấy), sẽ nộp tờ khai này cho cơ quan hải quan. Nhân viên hải quan sẽ nhập các thông tin trên tờ khai vào hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển. Người nhập khẩu sẽ phải trả một khoản lệ phí cho việc khai báo này.
Các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan:
- Hoá đơn thương mại: cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, điều khoản thanh toán, điều khoản giao hàng, phương tiện vận chuyển.
- Tờ khai hải quan: áp dụng cho các lô hàng có giá trị hơn 20 nghìn EUR. Tờ khai hải quan theo mẫu Văn bản hành chính đơn (SAD).
- Chứng từ vận chuyển: tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá: chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hoá đơn thương mại.
- Phiếu đóng gói: là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng.
Các thông tin cơ bản cần có là thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu, công ty vận tải, ngày cấp, số hoá đơn vận chuyển, loại bao bì, số lượng gói, nội dung gói hàng, dấu và số, trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng, đơn vị đo lường.
- Giấy chứng nhận xuất xứ: đối với một số mặt hàng cần có giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A.
- Giấy phép nhập khẩu: đối với một số hàng hoá nhất định như nông sản, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hóa chất, dược phẩm….
- Giấy chứng nhận vệ sinh: đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
- Chứng từ nhập khẩu: đối với hàng phi nông sản.
- Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.
- Các nhà nhập khẩu thường sử dụng các dịch vụ của các công ty giao nhận vận chuyển để làm các thủ tục hải quan cho hàng hóa.
Thực tế, các công ty giao nhận lớn đều có kho riêng được phép tạm lưu hàng dưới sự giám sát của hải quan. Công ty giao nhận cũng có thể thanh toán thuế hải quan và nộp các loại thuế, phí khác. Hơn 90% lượng hàng gửi bằng đường hàng không đều thông qua một công ty giao nhận.
Chi tiết về các chứng từ nhập khẩu tại đây: https://trade.ec.europa.eu/tradehelp/documents-customs-clearance
Qui định về hàng tạm nhập
Hàng hoá nhập khẩu vào Thụy Điển không nhằm sử dụng trong nước có thể được miễn nộp thuế nhập khẩu hoặc thuế giá trị gia tăng khi được nhập khẩu trong thời gian ngắn và sau đó sẽ được tái xuất.
Hàng hóa được xuất khẩu đến một nước ngoài Liên minh Châu Âu để chế biến gọi là chế biến thụ động. Chế biến chủ động là hàng hóa nhập vào Liên minh Châu Âu để chế biến tại đây.
Trong cả hai trường hợp đều thu thuế trên sản phẩm đã qua chế biến. Nhà nhập khẩu nộp đơn xin tạm nhập tại Cục Hải quan Thụy Điển và đơn này sẽ được chuyển đến Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu để xem xét.
Thụy Điển tuân thủ ATA Carnet, đây là một văn kiện hải quan quốc tế được lập nhằm đơn giản hoá các thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa tạm nhập sau:
- Hàng mẫu có giá trị thương mại.
- Hàng hóa dùng để tham gia hội chợ, triển lãm.
- Phim.
- Thiết bị chuyên dụng.
- Các loại máy móc hay thiết bị thay thế trong thời hạn sửa chữa bảo hành.
Việc nhập khẩu tạm thời này cần được Phòng Thương mại cho phép.
ATA carnet cho phép tạm nhập hàng mà không đòi phải có các giấy chứng minh đã hoàn tất thủ tục hải quan. Tại Thụy Điển, có thể được phép tạm nhập hàng trong vòng 1 năm hoặc trong thời hạn ATA carnet có hiệu lực.
ATA carnet cho phép tạm nhập mà không cần phải điền tờ khai hải quan hay đặt cọc thuế hải quan và các loại phí khác. Nếu hàng không thuộc loại được cấp ATA carnet cần phải đóng tiền cọc hoặc tiền bảo đảm về thuế quan và các loại phí khác.
Một điều kiện bắt buộc cho việc tạm nhập là hàng hóa khi tái xuất phải đúng là hàng tạm nhập trước đây.
Phân loại hàng hóa
Phân loại hàng hóa có nghĩa là nhận dạng đúng mã hàng cho hàng hóa của mình. Tất cả các mã này đều có trong qui định về thuế quan của Thụy Điển.
Mã hàng là cơ sở để nhân viên hải quan làm thủ tục thông quan cho hàng hóa, cụ thể hơn chính là để áp thuế hay nhận dạng loại hàng hóa đó cần phải có giấy phép đi kèm hay không.
Vì lí do này, việc các nhà xuất nhập khẩu nhận biết và sử dụng đúng loại mã hàng hóa là rất quan trọng khi tiến hành thủ tục xuất nhập khẩu.
Qui định phân loại ràng buộc là văn bản pháp luật qui định mã cho một loại hàng hóa nào đó. Qui định này thường có giá trị trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ ngày ban hành và chỉ có giá trị đối với đối tượng áp dụng của nó mà thôi.
Qui định có thể được áp dụng trong hoạt động xuất nhập khẩu của tất cả các nước thành viên EU.
Tất cả các quy định phân loại ràng buộc được đăng kí trong một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các nước EU. Khi áp dụng một qui định nào đó phải thừa nhận và tuân thủ trình tự của nó. Để áp dụng phải điền vào một tờ khai đặc biệt tại các cơ quan hải quan Thụy Điển.