Qui định về mặt hàng cấm và hạn chế nhập khẩu của Singapore
Hàng hóa kiểm soát nhập khẩu
Mục đích chủ yếu vì lí do sức khoẻ, an toàn, môi trường và an ninh quốc gia và theo các thỏa thuận quốc tế.
Các hàng hóa hạn chế nhập khẩu cần phải có giấy phép nhập khẩu. Hệ thống cấp phép áp dụng đối với hàng hóa hạn chế nhập từ tất cả các nước.
Các loại hàng hoá là đối tượng được cấp giấy phép nhập khẩu tự động gồm: trang thiết bị điều khiển và sao chép đối với CD, CD-ROM, VCD, DVD và DVD-ROM; phim, băng video và trò chơi video; xuất bản phẩm (bao gồm sách, tạp chí, băng ghi âm, tranh ảnh).
Các loại phương tiện giao thông đã qua sử dụng
Trên 3 năm, trừ các loại ô tô cổ, không được phép nhập khẩu cũng như đăng kí sử dụng cho mục đích giao thông tại Singapore. Mỗi xe đã qua sử dụng sẽ phải nộp thêm 10 nghìn SGD để đăng kí tại Singapore.
Singapore sử dụng hệ thống hạn ngạch phương tiện (VQS) kể từ 1990 để điều tiết tỉ lệ gia tăng phương tiện giao thông, theo đó chính phủ nước này ấn định số lượng phương tiện mới hàng năm được tham gia giao thông, hiện ở mức 0,25%. Hạn ngạch này được phân bổ 2 tháng 1 lần thông qua đấu thầu. Người có giấy phép được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện trong 10 năm và đây là yêu cầu phải có trước khi đăng kí phương tiện.
Gạo không được cấp giấy phép nhập khẩu tự động theo chương trình dự trữ
Gạo là mặt hàng không được cấp giấy phép nhập khẩu tự động theo chương trình dự trữ nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định giá. Phải có giấy phép nhập khẩu để nhập bất kì loại gạo nào.
Giấy phép dự trữ là giấy phép được cấp cho việc nhập khẩu theo số lượng dự trữ (đối với gạo trắng, gạo basmati, gạo hấp hơi nước và gạo ponni) sau đó bán cho tiêu thụ nội địa.
Nhà nhập khẩu gạo dự trữ phải tham gia Chương trình Dự trữ Gạo (RSS) với tư cách là người tham gia dự trữ có giấy phép, họ phải cam kết trước số lượng nhập khẩu hàng tháng, với số lượng tối thiểu 50 tấn gạo trắng, đồng thời duy trì một số lượng dự trữ theo qui định trong các nhà kho do chính phủ chỉ định.
Gạo dự trữ thuộc quyền sở hữu của công ty nhập khẩu, mặc dù chính phủ có quyền thu mua (có đền bù) trong thời điểm khẩn cấp. Các chi phí lưu kho gạo dự trữ được chia sẻ với người tiêu dùng. Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định giá gạo hoàn toàn do thị trường quyết định, Chính phủ không can thiệp.
Yêu cầu nhãn mác cho gạo
Theo luật kinh doanh lương thực thì mỗi bao gạo sẽ phải dán nhãn tương ứng cho từng chủng loại gạo bán cho khách hàng theo qui định lương thực, nhằm đảm bảo tất cả gạo trước khi đóng gói bày bán tại Singapore phải dán nhãn với chi tiết gồm: chủng loại gạo, hàm lượng tinh bột, trọng lượng tịnh, nhãn hàng (nếu có), tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu, nhà phân phối, đại lí hoặc đơn vị đóng gói.
Cát và đá granite
Cát và đá granite là mặt hàng không được cấp giấy phép nhập khẩu tự động, chịu sự quản lí của Cơ quan Xây dựng và Công trình (BCA). Mục đích là nhằm đảm bảo các nguyên vật liệu này không đến từ các nguồn núi lửa.
Hàng hoá được sử dụng để bồi đắp lấn biển và trên tàu thuyền mà không dỡ hàng tại Singapore được miễn xin giấy phép.
Rượu và đồ uống có cồn
Các doanh nghiệp kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu và đồ uống có cồn khác đều phải đăng kí kinh doanh tại Cơ quan quản lí Doanh nghiệp và Kế toán Singapore (ACRA) về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và cần phải tuân thủ qui định của Luật Thương mại Singapore.
Cục Thú y và nông phẩm Singapore (AVA) là cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu và giấy phép lưu hành (CFS).
Cục Môi trường Quốc gia (NEA) cấp Giấy phép cho phép các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống bày bán tại các hệ thống phân phối theo Qui tắc thực hành về sức khỏe môi trường và dán nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cục Cảnh sát Singapore cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động bán lẻ và tiêu dùng các sản phẩm có cồn.
Khi xin giấy phép phải cung cấp bản sao các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp được Cục Doanh nghiệp và Kế toán Singapore ACRA cấp.
- Thẻ căn cước hoặc Chứng minh nhân dân hoặc đối với người lao động nước ngoài cần giấy phép lao động.
- Giấy chấp thuận từ các cơ quan liên quan.
- Hợp đồng thuê địa điểm đã được cấp phép.
- Chấp thuận cho phép sử dụng đất nơi khu vực công cộng do Cục Tái thiết Đô thị Singapore URA cấp.