|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Qui định nhập khẩu của Iceland

15:00 | 11/04/2020
Chia sẻ
Iceland áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với 12 danh mục hàng hóa như các sản phẩm từ động vật, thủy sản, thực phẩm, động vật sống,... Đa phần việc cấp giấy phép nhập khẩu là không tự động vì những lí do an ninh và an toàn cho người sử dụng.

Cấm nhập khẩu

Iceland hiện duy trì một số chính sách vừa hạn chế vừa cấm nhập một số mặt hàng cụ thể. 8 danh mục hàng hóa thuộc nhóm cấm và hạn chế nhập khẩu đều nằm trong các công ước quốc tế như CITES, Montreal,…

Các sản phẩm bị cấm nhập khẩu gồm: Chất gây nghiện, các loài động thực vật nằm trong danh mục CITES, vũ khí, đạn dược, các chất làm suy thoái tầng Ozone.

Giấy phép nhập khẩu

Iceland áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với 12 danh mục hàng hóa như các sản phẩm từ động vật, thủy sản, thực phẩm, động vật sống, thức ăn chăn nuôiphân bón, hạt giống, cây trồng, các trang thiết bị nghề cá đã qua sử dụng, máy móc nông nghiệp đã qua sử dụng, hóa chất độc hại, máy móc dùng công cộng, đồ chơi có chứa chì, thuốc y tế, thiết bị viễn thông, tàu, thuyền và thiết bị bốc dỡ, vũ khí, đạn dược, pháo hoa, thiết bị, nguyên liệu hạt nhân, phóng xạ, thiết bị laser. 

Đa phần việc cấp giấy phép nhập khẩu là không tự động vì những lí do an ninh và an toàn cho người sử dụng.

Chống phá giá, đối kháng và tự vệ

Luật của Iceland qui định Bộ trưởng Bộ tài chính và Kinh tế có thể sử dụng thuế chống bán phá giá và đối kháng nếu nhận được yêu cầu, đề xuất của Ban tư vấn gồm 7 thành viên. Mức thuế tạm thời áp dụng trong khoảng thời gian 12 tháng và mức thuế cuối cùng được ấn định nhưng không quá 5 năm.

Theo qui định của EEA, các loại thuế chống phá giá và đối kháng này sẽ không được áp dụng giữa các thành viên. 

Liên quan đến FTAs, đặc biệt là các FTA của khối EFTA, nhìn chung đều có điều khoản kết hợp các qui định về thuế chống phá giá và đối kháng của WTO với các FTA, trong một số FTA gần đây các cam kết còn mạnh mẽ hơn và thông thường kết hợp nguyên tắc “thuế thông thoáng hơn”.

Iceland không có khung pháp lí về tự vệ toàn cầu, mà chỉ viện dẫn đến các qui định của WTO năm 1995. Tuy nhiên, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do, nước này luôn đưa điều khoản tự vệ vào.

Phùng Nguyệt