Qui định về xuất nhập khẩu vào thị trường Nga
Chứng từ nhập khẩu cần thiết
Tờ khai hải quan
Nhà nhập khẩu phải thực hiện khai báo hải quan đối với bất kì mặt hàng nhập khẩu nào. Tờ khai hải quan phải gồm các thông tin cơ bản sau đây:
– Chế độ hải quan
– Thông tin về người khai, về đại lí hải quan, về người gửi và người nhận hàng.
– Thông tin về hàng hoá.
Hoá đơn thương mại
Không có mẫu hoá đơn thương mại qui định sẵn tại Nga và nhà xuất khẩu phải cung cấp ít nhất 7 bản copy. Các chi tiết của hoá đơn phải tuân thủ theo điều kiện thanh toán của hợp đồng. Hoá đơn phải có những nội dung sau:
– Nước xuất xứ.
– Nguyên liệu đóng gói.
– Mác và số lượng bao bì.
– Trọng lượng (trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng và trọng lượng bì).
– Số lượng và mô tả hàng hoá.
– Giá đơn vị và tổng giá trị lô hàng.
– Giá bán cho người mua.
– Địa điểm xuất phát cuối cùng của nước xuất khẩu.
Vận đơn
Không có yêu cầu cụ thể, cần ít nhất 3 bản copy.
Phiếu đóng gói
Cần 6 bản và cung cấp thông tin tóm tắt về lô hàng.
Đơn bảo hiểm
Điều kiện hợp đồng qui định rõ người bán hay người mua có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho lô hàng. Khi người mua có quyền mua bảo hiểm, phải tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu của nhà nhập khẩu và công ty bảo hiểm để không có vấn đề nảy sinh.
Thủ tục hải quan
Người làm thủ tục hải quan có thể là chủ hàng (người gửi, người nhận) hoặc người môi giới hải quan. Theo luật mới, những người môi giới hải quan phải làm thủ tục hải quan với nhân danh chủ hàng (người gởi, người nhận), hoặc các bên liên quan và theo uỷ quyền của họ. Có nghĩa là Bộ luật hải quan mới phân chia rõ ràng vai trò trách nhiệm của người môi giới hải quan và chủ hàng (người gửi, người nhận).
Danh sách các chứng từ nói trên được bộ luật hải quan Nga giới hạn cụ thể, không ai có thẩm quyền mở rộng thêm.
Giấy phép nhập khẩu
Thông thường, giấy phép nhập khẩu do Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga, những cơ quan chi nhánh cấp và do Tổng cục Hải quan kiểm soát. Giấy phép đối với vũ khí, phương tiện tự vệ do Bộ Nội vụ Nga cấp.
Chính sách thuế và thuế suất
Thuế nhập khẩu
Chính sách thuế nhập khẩu của Nga điều chỉnh chủ yếu nhằm tăng nguồn thu ngân sách, khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách tồn tại và kéo dài trong nhiều năm qua. Hàng hóa nhập khẩu vào Nga phải chịu thuế nhập khẩu trên cơ sở chính sách đối ngoại và được chia ra làm 4 mức thuế suất dành cho 4 nhóm nước, cụ thể là:
- Nhóm nước có quan hệ tối huệ quốc với Nga chịu mức thuế suất theo qui định được công bố, mức thuế này chính là cơ sở để áp dụng đối với nhóm các nước khác nên thường gọi là “thuế suất cơ sở công bố”.
- Nhóm nước không có quan hệ tối huệ quốc với Nga chịu mức thuế suất bằng 2 lần thuế suất cơ sở công bố.
- Nhóm nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) chịu mức thuế suất bằng 75% thuế suất cơ sở công bố.
- Nhóm nước kém phát triển và các nước SNG được miễn thuế hoàn toàn đối với hàng hóa khi xuất khẩu vào Nga.
Thuế suất thuế nhập khẩu tùy thuộc vào từng mặt hàng nhưng nhìn chung nằm trong khoảng 15% tới 30%. Chúng cũng được đánh theo sự phân loại của từng nhóm hàng và được áp dụng trên giá trị tính thuế của hàng nhập khẩu (gồm cả phí chuyên chở và bảo hiểm).
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là loại thuế do khách hàng phải chịu nhưng dựa theo mẫu cơ bản của châu Âu.
Mức thuế này được tính trên giá trị của hàng hóa bán ra và được tính theo tỉ lệ thống nhất là 18%, trừ một số loại lương thực và quần áo trẻ em chịu thuế 10%. Hàng trợ cấp được miễn VAT hoàn toàn như các dịch vụ trợ cấp tài chính, dược phẩm.
Hàng nhập khẩu cũng phải chịu VAT. Cách tính thuế VAT cho hàng nhập khẩu dựa vào giá trị hải quan của từng mục, cộng với thuế nhập khẩu và phí hải quan.
Nếu các nhà xuất khẩu giao hàng trước khi thanh toán thì họ không phải trả VAT. Tuy nhiên những nhà xuất khẩu nhận thanh toán trước thì sẽ phải trả VAT và số thuế này có thể được hoàn lại nhưng thường khó khăn.