Ca tử vong vượt 1.000, Thụy Điển vẫn chống dịch ‘ngược chiều thế giới’
Giới chức nước này cho rằng đỉnh dịch có thể đã tới gần trong khi các nhà khoa học tiếp tục nghi vấn cách tiếp cận mềm mỏng của chính phủ.
101 người tử vong vì virus corona trong 1 triệu dân
Cơ quan Y tế Công cộng (PHA) Thụy Điển thông báo số ca tử vong vì Covid-19 nước này là 1.203, tính tới ngày 15/4, tương đương tỷ lệ 101 người tử vong trên 1 triệu cư dân, so với 51 ở Đan Mạch, 11 ở Phần Lan - hai quốc gia láng giềng đã áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt từ sớm để khống chế virus lây lan.
Tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân ở Thụy Điển cũng cao hơn đáng kể so với 37 người ghi nhận ở Đức, và con số tương đương 79 ca ở Mỹ, nhưng thấp hơn tỷ lệ 182 ca tử vong trên 1 triệu người ở Anh và kém xa con số 348 ở Italy và 386 ở Tây Ban Nha.
Anders Wallensten, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, cho biết số ca mắc Covid-19 mới đang bắt đầu giảm và ông có nhận định tích cực một cách thận trọng rằng Thụy Điển đã đạt đến đỉnh dịch. Trong khi đó, các quan chức chính phủ cho biết hệ thống y tế đang đương đầu với tình hình.
Các kết quả thăm dò dư luận tiếp tục cho thấy sự ủng hộ của người dân với chiến lược của chính phủ, trong đó hối thúc công dân chịu trách nhiệm cá nhân về việc tuân thủ các hướng dẫn giữ khoảng cách hơn là thực thi nghiêm ngặt các luật lệ bắt buộc.
Trong khi giới chức trách đã đóng cửa các trường trung học và cấm tụ tập trên 50 người, họ cũng đề nghị - chứ không phải ra lệnh, người dân tránh việc đi lại phi thiết yếu, làm việc ở nhà và ở trong nhà đối với người trên 70 tuổi hoặc cảm thấy ốm yếu.
Các con số thống kê cho thấy khoảng phân nửa lao động Thụy Điển đang làm việc ở nhà, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đã giảm 50% ở Stockholm trong khi đường phố ở thủ đô đã bớt đông đúc khoảng 70% so với thông thường.
Tuy nhiên, người dân Thụy Điển vẫn có thể mua sắm, ăn uống trong các nhà hàng, cắt tóc và cho trẻ dưới 16 tuổi tới trường ngay cả trong trường hợp một thành viên gia đình bị ốm.
Chỉ trích dâng cao
Chính phủ từ chối đóng cửa các trường tiểu học và trung học cơ sở - và sự kiện quyết của giới chức trách cho rằng chỉ trẻ nào bị ốm mới phải ở nhà, đã khiến một số gia đình và giáo viên đặc biệt lo lắng.
Những học sinh khỏe mạnh bị cha mẹ lo lắng không cho tới trường đã bị đe dọa báo cáo tới các dịch vụ xã hội, trong khi những gia đình và nhân viên nhà trường có liên quan đã viết thư ngỏ bày tỏ sự bất bình với chính sách của chính phủ và cho rằng điều này gây rủi ro tới cuộc sống của trẻ em, người thân và các nhân viên trường học.
Trong một lá thư được công bố tuần trước trên báo Aftonbladet, hơn 900 giáo viên và nhân viên trường học nói rằng các trường học và cơ sở giữ trẻ không thể tuân thủ các khuyến nghị giữ khoảng cách, thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, trẻ em có thành viên gia đình bị nhiễm bệnh phải tuân thủ chỉ dẫn đến trường đồng nghĩa với việc không thể bảo vệ trẻ em và các giáo viên, nhân viên trường học trước các nhóm có nguy cơ.
Chuyên gia dịch tễ trưởng của Thụy Điển Anders Tegnell mô tả cách tiếp cận của Thụy Điển là một nỗ lực để đảm bảo “kéo chậm sự lây nhiễm và để cho các dịch vụ y tế không bị quá tải”. Ông cho rằng điều quan trọng là một bộ phận dân chúng phải có được miễn dịch.
Ông Tegnell phủ nhận việc đang tìm cách thiết lập “miễn dịch bầy đàn nhanh” với virus, một chiến lược ban đầu được áp dụng ở Anh và Hà Lan trước khi số ca tử vong tăng vọt khiến các nước này phải thay đổi tiến trình.
Một số chuyên gia suy đoán rằng cách tiếp cận của Thụy Điển trong việc quản lý sự lây lan của virus cũng có thể bị tác động bởi tình hình nhân khẩu học địa phương - hơn 50% hộ gia đình là người độc thân - và mật độ dân số tương đối thấp khoảng 25 người trên một km2, so với Italy là 205 người.
Mặc dù chưa thể biết chắc tác động dài hạn, chiến lược của Thụy Điển dự kiến sẽ không giúp bảo toàn được sự phát triển của nền kinh tế nước này trong năm nay, hơn bất kỳ quốc gia nào áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 15/4 cho biết GDP có thể giảm 10% trong năm nay và thất nghiệp tăng lên 13,5%.
Chiến lược này còn vấp phải sự phản đối gay gắt của một số nhà khoa học của chính nước này. Một nhóm gồm 22 bác sĩ, nhà virus học và chuyên gia nghiên cứu hôm 14/4 đã chỉ trích cơ quan y tế trong một bài viết được xuất bản trên báo Dagens Nyheter.
“Cần phải thay đổi hoàn toàn và nhanh chóng cách tiếp cận”, nhóm chuyên gia nhấn mạnh. “Khi virus lây lan, phải tăng khoảng cách xã hội. Đóng cửa trường học và nhà hàng. Nhưng người làm việc với người lớn tuổi phải mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Cách ly cả gia đình nếu một thành viên nhiễm bệnh hoặc xét nghiệm dương tính”.
Ông Tegnell đã bác bỏ những lời chỉ trích và tranh cãi về các con số. Trước đây, ông từng nói rằng Thụy Điển và các nước láng giềng đã ở những vị trí khác nhau trên đường cong, và Thụy Điển không may xảy ra tình trạng lây lan lớn trong các cơ sở chăm sóc cho người già, điều không bắt gặp ở các quốc gia Bắc Âu khác.
Nhà dịch tễ học trưởng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thế giới vẫn chưa biết rõ về virus corona, ông khẳng định trong khi Thụy Điển có thể ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn trong ngắn hạn, nước này sẽ không đối mặt với nguy cơ lây nhiễm gia tăng lớn như nhiều nước khác khi dỡ bỏ phong toả.