|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/4: Mỹ ghi nhận hơn nửa triệu người nhiễm COVID-19, nhiều nước Châu Âu kéo dài phong tỏa

07:42 | 11/04/2020
Chia sẻ
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu, WHO vừa đưa ra cảnh báo về việc các nước sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa bởi nó có thể dẫn tới sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

Xem thêm: Diễn biến virus corona ngày 12/4

Tính đến 7h sáng nay (11/4), toàn thế giới đã ghi nhận gần 1,7 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 102.660 người đã tử vong và 376.106 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 gần như đã lan khắp mọi nơi trên hành tinh (209 quốc gia và vùng lãnh thổ) sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 11/4: Việt Nam không có ca mắc mới, nhiều nước Châu Âu kéo dài phong tỏa - Ảnh 1.

Đã có hơn 102.000 người tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: Sáng nay không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến 7h sáng nay (11/4), Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 đến hiện tại vẫn là 257, trong đó 144 người đã khỏi bệnh (56%) và 113 người đang điều trị.

Trong vòng 24h qua, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 257. Trong đó, có 159 người từ nước ngoài (chiếm 61,9%), 98 người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 75.337 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 1.290 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 20.005 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 44.042 người.

Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.

Trên thế giới: Mỹ ghi nhận hơn nửa triệu ca nhiễm

Tính đến 7h sáng nay (10/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 501.778 ca nhiễm và 18.694 ca tử vong, tăng mạnh lần lượt 33.212 và 2.012 ca so với một ngày trước đó.  

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong của cả nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/4 cho biết, ông sẽ sớm công bố các thành viên trong một hội đồng có nhiệm vụ tập trung vào quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của nước này sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.

"Không nghi ngờ gì nữa, đó là quyết định lớn nhất mà tôi từng phải đưa ra", Trump nói trong một cuộc họp báo.

Ông thừa nhận nguy cơ tăng số người chết nếu các doanh nghiệp mở cửa trở lại quá sớm. "Nhưng bạn biết gì không? Ở nhà cũng dẫn đến cái chết", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 158.273 ca nhiễm và 16.081 ca tử vong, tăng lần lượt 5.051 và 634 ca trong vòng 24h qua. Những tia hi vọng đang xuất hiện tại quốc gia này khi cả số ca nhiễm mới và tử vong đang có chiều hướng đi xuống, hôm qua cũng là ngày ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 17 ngày qua.

Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có diễn biến tích cực nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong khoảng hai tuần tới, ông sẽ xin ý kiến quốc hội về việc tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đã ghi nhận thêm 3.951 ca nhiễm và 570 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 147.577 và 18.849 ca.

Trong bối cảnh sự gia tăng hàng ngày của các ca nhiễm mới đã chậm lại đáng kể, Chính phủ cho biết sẽ gia hạn các lệnh phong tỏa cho đến ngày 3/5 nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại từ 14/4, bao gồm hiệu sách, tiệm bán văn phòng phẩm và quần áo trẻ em.

Pháp hôm qua đã vượt Đức và trở thành ổ dịch lớn 3 tại Châu Âu và thứ 4 trên thế giới với 124.869 ca nhiễm và 13.197 ca tử vong, tăng lần lượt 7.120 và 987 ca so với một ngày trước đó. Trong khi số ca tử vong và ca chăm sóc đặc biệt tại quốc gia này đang có chiều hướng giảm thì số ca nhiễm hàng ngày lại gia tăng.

Lệnh phong tỏa toàn quốc của Pháp bắt đầu từ 17/3 đến 15/4 nhưng chính quyền Pháp cho biết sẽ gia hạn phong tỏa.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 122.171 ca nhiễm và 2.767 ca tử vong; tăng lần lượt 3.936 và 160 ca so với một ngày trước đó.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 8.681 ca nhiễm COVID-19 và 980 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 73.758 và 8.958 ca. Nước này cũng đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ 23/3.

Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua đã có dấu hiệu phục hồi sau ba ngày được chăm sóc đặc biệt. Ông đã tự đi lại được một đoạn ngắn.

Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và là ổ dịch lớn nhất ghi nhận tổng cộng 81.907 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 336 ca tử vong; tăng lần lượt 42 và 1 ca. Hầu hết các ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này là các ca nhập cảnh.

Iran vẫn là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 68.192 ca nhiễm và 4.232 ca tử vong, tăng lần lượt 1.972 và 122 ca so với một ngày trước đó. Sau 9 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm thì hôm qua, số ca tử vong tại quốc gia này lại bắt đầu tăng nhẹ.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 4.346 ca nhiễm và 70 ca tử vong, tăng lần lượt 118 và 3 ca so trong vòng 24h qua. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) thêm hai tuần, đến ngày 28/4.

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 4.195 ca nhiễm và 221 ca tử vong, tăng lần lượt 119 và 18 ca so với một ngày trước đó.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 3.612 ca nhiễm và 306 ca tử vong; tăng lần lượt 219 và 26 ca so với một ngày trước đó.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 50 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.473 và 33 ca. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo điều chỉnh lại lệnh giới nghiêm đối với một số đối tượng, cho phép một số nhóm hoặc khu vực được miễn trừ lệnh cấm ra khỏi nhà vào ban đêm để tạo thuận lợi cho công việc của họ.

Singapore tính đến sáng nay ghi nhận thêm 198 ca nhiễm COVID-19 và 1 ca tử vong; nâng tổng số liên lần lượt 2.107 và 7 ca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (10/4) đã cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể gây ra một sự hồi sinh nguy hiểm của căn bệnh này.

Hà Lê