Cả nước giải ngân vốn ODA chỉ đạt 22%, 5 địa phương đề nghị trả lại kế hoạch
Thông tin từ Bộ Tài chính, ngày 31/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Bộ với 62 tỉnh, thành phố về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ODA năm 2020.
Trong hai tháng qua, dù tình hình giải ngân vốn ODA được cải thiện nhưng nhiệm vụ những tháng cuối năm rất nặng nề.
5 địa phương đề nghị trả lại kế hoạch vốn ODA
Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lí nợ và Tài chính cho biết, tổng dự toán vốn ODA được giao từ nguồn ngân sách Trung ương (NSTƯ) là 60.000 tỉ đồng, trong đó dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỉ đồng (tương đương hơn 63%).
Số các địa phương đã phân bổ vốn tính đến ngày 27/8 là đạt 90,4%, tăng 3,98% kể từ cuối tháng 6.
Về tình hình giải ngân, báo cáo cho biết, tính đến ngày 27/8, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 từ nguồn vốn ODA đạt tỉ lệ 21,86% so với dự toán được giao, tăng 9,14% so với cuối tháng 6.
Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài cho các địa phương vay lại đạt tỉ lệ 29,3% so với dự toán.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn rất nhiều nguyên nhân cản trở công tác giải ngân những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, nguồn vốn năm 2019 được chuyển nguồn, kéo dài song song với công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, công tác thực hiện đầu tư như giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu kéo dài, dự án đầu tư liên tục phải điều chỉnh,...khiến 5/62 địa phương có văn bản đề nghị trả lại kế hoạch vốn.
Trường hợp không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn cho các địa phương này thì tỉ lệ giải ngân sẽ đạt thấp” , bà Nguyễn Xuân Thảo cho biết.
Nếu không có các biện pháp thúc đẩy tăng cường giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì từ nay tới cuối năm, khả năng số liệu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở các địa phương cũng không thể tăng được nhiều.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà
Xác định rõ khó khăn để tìm giải pháp giải ngân tốt hơn
Tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự án tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội còn một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lí cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang vướng mắc về thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bị vướng mắc khi phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chất lượng môi trường, xã hội theo yêu cầu của các nhà tài trợ nên mất khá nhiều thời gian.
Về phía TP Cần Thơ, thành phố cho biết nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở địa phương còn thấp là do nhiều nguyên nhân chủ quan như: Việc đăng kí vốn chưa sát thực tế, chưa lường hết được các vấn đề trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa hợp lí khiến dự án cần điều chỉnh nhiều lần,...
Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương rà soát lại khả năng giải ngân đến cuối năm của từng dự án từ đó điều chỉnh dự toán cho phù hợp.
Trường hợp điều chỉnh, các địa phương phải báo cáo với Trung ương, riêng các dự án có liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn thì xin ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương có tỉ lệ giải ngân rất thấp, không giải ngân được đồng vốn nào thì phải rà soát ngay để có giải pháp tốt hơn.