Bùng nổ 'đại dịch lừa đảo'
Theo trang mạng The Strategist của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), những chiêu trò lừa đảo không còn là vấn đề của riêng người tiêu dùng. Trong khi trách nhiệm giải quyết nạn lừa đảo ở Australia chủ yếu thuộc về các cơ quan quản lý, các vụ lừa đảo tinh vi đã trở thành vấn đề đáng quan tâm trong lĩnh vực chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Tác giả của bài viết, ông Paul Curwell, giảng viên về gian lận và tội phạm tài chính tại Đại học Charles Sturt cho rằng Australia cần phải làm nhiều hơn nữa để chống lại những kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ mới này đang làm gia tăng quy mô và mức độ phức tạp của các hành vi lừa đảo.
Cộng đồng an ninh quốc gia và giới thực thi pháp luật Australia cần tăng cường thu thập thông tin tình báo có mục tiêu và phối hợp can thiệp. Đồng thời, lực lượng này phải được hỗ trợ bằng những biện pháp mạnh mẽ trong việc truy quét tài sản của bọn tội phạm và áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Năm 2023, người Australia đã mất 2,7 tỷ AUD (1,79 tỷ USD) vì các vụ lừa đảo, chưa kể đến những tác động xã hội và cá nhân không thể đo lường được (bao gồm cả các vụ tự tử) cùng với các chi phí đối với ngân sách y tế của Australia. Trong cùng năm, tổng thiệt hại toàn cầu lên tới gần 1.026 tỷ USD,
Tính chung trong 12 tháng, số vụ lừa đảo được ghi nhận ở Australia đã tăng 18,5% lên hơn 600.000 vụ. Công nghệ khiến các trò lừa đảo lan rộng hơn và tổn thất có thể sẽ tăng vọt với sự ra đời của AI tạo sinh - nhân tố sẽ thách thức khả năng phục hồi xã hội, các biện pháp an ninh mạng và niềm tin của người tiêu dùng đối với hệ thống tài chính và định danh của Australia.
Hiện nhiều tội phạm đang kiếm bộn tiền từ việc thực hiện các hoạt động lừa đảo trên phạm vi quốc tế. Quy mô của các hoạt động lừa đảo này rất đáng kinh ngạc và tác động của chúng không chỉ giới hạn ở các nạn nhân bị lừa đảo.
Một cuộc đột kích của cảnh sát Philippines vào tháng 3/2024 nhằm vào khu phức hợp rộng 25 ha ở nước này, bao gồm 36 tòa nhà do bọn tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia điều hành, đã giải cứu gần 900 người bị buộc phải làm việc trong “ngành công nghiệp lừa đảo”. Những người này đến từ 7 quốc gia khác nhau.
Năm 2023, hãng tin Reuters đã xác định được hơn 200.000 nhân viên của các cơ sở hoạt động lừa đảo do bọn tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia điều hành trên khắp Đông Nam Á, trong đó có cả những người tìm việc có bằng đại học ở nước ngoài. Một số còn là nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ. Trong nhiều trường hợp, những người này phải đối mặt với bạo lực cực đoan, trong khi các quan chức thực thi pháp luật bị mua chuộc hoặc bị đe dọa để nhắm mắt làm ngơ.
Châu Á và châu Phi là trung tâm của các vụ lừa đảo và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhưng tại Australia cũng có thể tìm thấy những hoạt động có quy mô tương tự. Vào tháng 2/2024, Cảnh sát bang Queensland đã phanh phui một đường dây hoạt động lừa đảo ở thành phố Gold Coast và các nạn nhân đã bị chiếm đoạt hàng triệu AUD.
Lừa đảo đang được các nhóm khủng bố và một số quốc gia sử dụng làm phương tiện tài trợ hiệu quả. Vào năm 2022, nhật báo The Times của Anh đã tiết lộ cách thức mà tổ chức khủng bố ISIS tài trợ cho các cuộc nổi dậy trên khắp châu Á bằng cách lừa đảo người Nam Phi thông qua hồ sơ Tinder giả.
Các âm mưu lừa tiền đưa ra một kịch bản nhằm chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân sang tài khoản do bọn tội phạm kiểm soát, trong đó thường sử dụng tiền điện tử để né tránh các biện pháp chống rửa tiền và trừng phạt.
Các vụ vi phạm dữ liệu liên tiếp đã cung cấp thông tin phục vụ cho các chiêu trò lừa đảo tinh vi nhằm vào các mục tiêu được định sẵn và lựa chọn những nạn nhân phù hợp. Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin tiểu sử cũng như dữ liệu về các mối quan hệ và tương tác xã hội để lừa những người có nguy cơ trở thành nạn nhân.
Các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến và dữ liệu này dễ dàng được thu thập trên quy mô lớn thông qua AI. Hiện nay, các vụ vi phạm dữ liệu đã giúp tội phạm lừa đảo kết bạn với nạn nhân trước khi dụ dỗ họ giao dịch tiền trên một nền tảng giả mạo.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực chống lừa đảo từ chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới vẫn là chưa đủ. Những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào các giải pháp khắc phục tốn kém từ nguồn ngân sách để giải quyết những vấn đề mang tính “triệu chứng” hơn là “gốc rễ căn bệnh”.
Không thể phá vỡ các các mạng lưới tội phạm và khủng bố tinh vi có khả năng thích ứng cao vốn đang liên tục kiếm về số tiền lớn trên toàn cầu, nếu chỉ áp dụng các chương trình mang tính ứng phó và kiểm soát nội bộ.
Việc đối phó với các mạng lưới lừa đảo hiện nay đòi hỏi có sự phân công và ngăn chặn một cách có mục tiêu. Lý tưởng nhất là nên kết hợp sử dụng năng lực không gian mạng, tài chính, và hợp tác quốc tế.
Như Bộ Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố vào năm 2016, để đánh bại các mối đe dọa xuyên quốc gia đòi hỏi có sự đồng bộ, phối hợp và tích hợp tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia, cùng với sự hợp tác với các đối tác khu vực và đa quốc gia.
Làn sóng lừa đảo toàn cầu, còn có thể gọi là “đại dịch lừa đảo” đang ở thời điểm bùng phát. Các cộng đồng thực thi pháp luật và cộng đồng an ninh quốc gia cần nhiều nguồn lực hơn để thu thập thông tin tình báo có mục tiêu và phối hợp can thiệp chống lại các kênh lừa đảo, cơ sở hạ tầng lừa đảo và hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Để hỗ trợ điều này, cần truy tìm và tịch thu tài sản tài chính – nơi mà các quỹ tội phạm tương tác với nền kinh tế toàn cầu một cách hợp pháp. Điều này sẽ làm giảm động cơ phạm tội và cho phép tài sản bị tịch thu được chuyển sang chi trả cho các biện pháp phòng ngừa và sáng kiến nâng cao nhận thức cộng đồng.