|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Quản lí hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo là 'cơ chế lần đầu tiên áp dụng'

20:41 | 24/07/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương nhìn nhận thực tế nguyên tắc quản lí hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo là “cơ chế lần đầu tiên áp dụng” khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại cơ quan hải quan, cho nên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương “còn có chỗ phối hợp chưa được đồng bộ”.

Bộ Công Thương vừa có tổng hợp thông tin liên quan đến công tác quản lí Nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm xuất khẩu khoảng 930.000 tấn, tăng tới 31,7% so với cùng 2019. Đến ngày 15/3, xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, tăng 370.000 tấn so với cuối tháng 2/2020. Như vậy bình quân mỗi ngày trong 15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu khoảng 25.000 tấn.

Theo Bộ Công Thương, nếu xuất khẩu vẫn giữ nguyên tốc độ như 15 ngày đầu tháng 3, quí I/2020 sẽ xuất khẩu gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 21% so với cùng năm 2019. Quí II có thể đạt trên 2 triệu tấn. 

Tổng cộng 6 tháng đầu năm có thể sẽ xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn. Thêm vào đó, giá gạo liên tục tăng cao, diễn biến dịch bệnh COVID-19 và tâm lí người dân, Bộ Công Thương nhận định “khả năng thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thể xảy ra”.

Do đó, ngày 23/3, Bộ Công Thương đã có văn bản mời lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tham dự cuộc họp bàn về điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khẩn cấp, chiều cùng ngày, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã quyết định tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 để giãn tiến độ xuất khẩu nhằm đảm bảo bình ổn giá gạo trong nước.

Nói về lí do tiếp tục xuất khẩu gạo sau thời gian tạm dừng và cấp hạn ngạch, Bộ Công Thương cho biết đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tốt lên.

Theo Bộ Công Thương, với lượng gạo có thể xuất khẩu là 3,2 triệu tấn, trừ đi con số xuất khẩu của 4 tháng đầu năm, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 là khoảng 1,3 triệu tấn. Con số này chưa tính lượng gạo hàng hóa được bổ sung từ thu hoạch sớm tại một số vùng trong nửa cuối tháng 5, dự kiến khoảng 100.000 ha.

Qua theo dõi của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam chưa khi nào xuất khẩu được 700.000 tấn gạo/tháng.

“Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700.000 tấn, vẫn còn tồn ít nhất 600.000 tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ. Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với thời điểm cuối tháng 3/2020”, Bộ Công Thương nhận định.

Vì thế, từ ngày 1/5, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường.

Về việc điều hành hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn và những lùm xùm sau đó, Bộ Công Thương cho rằng, tất cả các phương thức điều hành hạn ngạch đều có mặt thuận và mặt không thuận. 

Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, theo Bộ này, là tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm,...

Bộ Công Thương cũng nhìn nhận thực tế nguyên tắc quản lí hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn là “cơ chế lần đầu tiên áp dụng” khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại cơ quan hải quan, cho nên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương “còn có chỗ phối hợp chưa được đồng bộ".

Về công tác dự trữ gạo, thóc, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết năm 2020 Thủ tướng giao Bộ Tài chính mua 190.000 tấn gạo dự trữ và 80.000 tấn thóc.

Sau khi đấu thầu, các cục dự trữ chỉ kí được hợp đồng 7.700 tấn, còn lại hơn 182.000 tấn không kí được và phải đấu thầu lại. Doanh nghiệp từ chối kí hợp đồng cấp gạo dự trữ là bởi giá gạo tăng mạnh từ thời điểm các nhà thầu tham gia dự thầu đến thời điểm có thông báo kết quả trúng thầu.

Kết quả đấu thầu lại hơn 182.000 tấn gạo, có hơn 151.000 tấn đã phê duyệt kết quả trúng thầu và đã ký hợp đồng; hơn 31.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu..

Như Huỳnh