Bloomberg: Trung Quốc thoát cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ
Theo đưa tin từ Bloomberg, báo cáo ngoại hối bán niên của Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa hoàn thiện nhưng hạn chót để hoàn thành nội dung là ngày 15/4. Và đến nay chưa ai rõ khi nào Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố bản báo cáo mới.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ đã bị cáo buộc chính trị hóa báo cáo ngoại hối sau khi bất ngờ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ vào giữa năm 2019.
Động thái trên không nằm trong lịch trình phát hành báo cáo thông thường và 5 tháng sau thì Washington cũng đã gỡ bỏ cáo buộc này để Trung Quốc nhượng bộ trong thỏa thuận thương mại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và các đồng nghiệp đã thảo luận đến khả năng hạ thấp các điều kiện để xác định liệu một nền kinh tế có đang thao túng tiền tệ để tăng lợi thế cạnh tranh hay không, nguồn thạo tin của Bloomberg cho hay. Nếu Bộ Tài chính Mỹ chính thức hạ các điều kiện trên thì số lượng các nước mà bộ này đang theo dõi sẽ giảm một nửa.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành vi thương mại không công bằng, cùng với các cáo buộc khác như vi phạm nhân quyền. Đồng thời, Washington cũng đang xem xét lại thuế quan mà chính quyền ông Trump áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Các nước bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ sẽ không ngay lập tức nhận trừng phạt nhưng điều này có thể làm chao đảo thị trường tài chính. Luật pháp Mỹ yêu cầu chính quyền Washington phải hợp tác cùng các nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ xử lý tình trạng mất cân bằng tỷ giá hối đoái giữa hai bên.
Một năm sau quyết định chính thức, Washington có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt, ví dụ như loại trừ nước bị cáo buộc ra khỏi các hợp đồng của chính phủ liên bang, trừ khi nhãn thao túng tiền tệ bị gỡ bỏ.
Các nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết, dù Trung Quốc sẽ thoát nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo sắp tới, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ vẫn lo ngại rằng Bắc Kinh đang che giấu hành vi thao túng tiền tệ thông qua hoạt động tại các ngân hàng nhà nước.
Hồi tháng 1, phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ, bà Janet Yellen khuyên chính phủ Mỹ "nên phản đối' nỗ lực thao túng tiền tệ của các nền kinh tế khác. Bà cũng gợi ý thay đổi một số tiêu chí trong báo cáo ngoại hối bán niên, cho rằng Mỹ không nên coi thâm hụt thương mại song phương "như thước đo chung duy nhất" để xác định kẻ thao túng tiền tệ.
Trong báo cáo ngoại hối bán niên cuối cùng dưới thời ông Trump, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khi đó là ông Steven Mnuchin đã liệt Thụy Sĩ là nước thao túng tiền tệ và đưa Ấn Độ vào danh sách theo dõi. Từ đó, quan chức tại hai nước này bày tỏ thái độ bất mãn và tin rằng bản báo cáo không còn đáng tin như trước.
Ông Eswar Prasad, nhà kinh tế đang làm việc tại Đại học Cornell (Mỹ) và từng công tác tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng chính quyền ông Trump đã từng cố tình diễn giải các tiêu chí thao túng tiền tệ theo hướng có lợi cho họ.
Năm 2017, cựu Bộ trưởng Mnuchin đưa Trung Quốc vào danh sách giám sát cao độ chỉ vì Bắc Kinh đã vi phạm một trong ba tiêu chí, thay vì hai tiêu chí như được quy định trong bản báo cáo ngoại hối bán niên.
Bây giờ, Bộ Tài chính Mỹ cần phải "xây dựng lại niềm tin của cộng động quốc tế bằng cách sử dụng một bộ tiêu chí hợp lý và áp dụng chúng nhất quán hơn giữa các nước thay vì điều chỉnh quy trình để nhắm vào một nước nhất định", ông Prasad nhấn mạnh.