|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc dùng sách lược của kẻ mạnh để phản đòn phương Tây

09:27 | 07/04/2021
Chia sẻ
Chiến dịch tẩy chay H&M và các hãng thời trang quốc tế khác, cùng với hai chuyến công du nước ngoài mang tầm chiến lược của Ngoại trưởng Vương Nghị và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa cho thấy Bắc Kinh nay đã có khả năng phản đòn phương Tây.

Trung Quốc không quên thù xưa

Chỉ vài ngày sau cuộc đấu khẩu gay gắt tại Alaska, quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã gấp rút thực hiện các chuyến công du vòng quanh thế giới nhằm củng cố quan hệ với đồng minh hoặc đồng minh tiềm năng.

Ngày 24/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị xuất phát từ quê nhà đến thăm 6 nước Trung Đông gồm Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE, Bahrain và Oman. Tuy nhiên, chuyến công du của ông Vương không tạo nhiều dư âm bằng cuộc hành trình của Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đến thủ đô Belgrade của Serbia.

Hai ngày sau khi Ngoại trưởng Vương khởi hành, ông Ngụy đã có mặt tại Belgrade để gặp mặt Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Sau khi thị sát quân đội Serbia, trao gửi những lời thân tình và cảm ơn Serbia đã tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa cho biết ông đã đến một địa điểm đặc biệt trước đó.

Nikkei: Trung Quốc hết cúi mình, đã có khả năng phản đòn phương Tây - Ảnh 1.

Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa viếng thăm Đại sứ quán cũ của Trung Quốc tại Serbie. Năm 1999, không quân của NATO dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã vô tình ném bom tòa nhà, khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc).

"Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ quên được giai đoạn lịch sử đó. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ không bao giờ cho phép lịch sử lặp lại", ông Ngụy nhấn mạnh.

Vụ việc mà ông Ngụy nhắc đến xảy ra vào đêm 7/5/1999. Khi đó, liên quân NATO do Mỹ dẫn đầu đã không kích vào Belgrade và vô tình ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc, khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng. Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đã đến thăm địa điểm đặt đại sứ quán cũ và tưởng niệm những người đã khuất.

"Giờ đây, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng và quyết tâm để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia", ông Ngụy nói với Tổng thống Serbia. Thượng tướng họ Ngụy là người giữ cấp bậc cao nhất trong quân đội Trung Quốc và là thành viên của Quân ủy Trung ương - cơ quan lực lượng vũ trang giám sát PLA.

Hình ảnh Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa ghé thăm đại sứ quán cũ tại Belgrade đã gợi lên tinh thần chống Mỹ và chống NATO trong lòng người dân Trung Quốc, Nikkei Asia cho hay.

Mỹ tuyên bố vụ đánh bom là do lầm lẫn, nhưng Trung Quốc không bao giờ chấp nhận lời giải thích này. Ngay cả khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, các hãng truyền thông trong nước vẫn tiếp tục cho rằng vụ đánh bom là "có chủ ý".

Sau vụ việc năm 1999, hàng chục nghìn sinh viên Trung Quốc đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh biểu tình. Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ bị ném sơn màu, còn cửa sổ phía trước thì vỡ tan tành.

Khi đó, sức mạnh kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc rất khác biệt. Sinh viên Trung Quốc đi biểu tình với khẩu hiệu "Đừng xúc phạm đất nước chúng tôi!" Câu khẩu hiệu này còn bộc phát những cảm xúc dồn nén bấy lâu trong lòng người dân Trung Quốc.

Nikkei: Trung Quốc hết cúi mình, đã có khả năng phản đòn phương Tây - Ảnh 2.

Sinh viên Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối vụ ném bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Serbia. (Ảnh: Nikkei Asia).

Phương sách của kẻ mạnh

Hai thập kỷ sau, tâm lý chống đối Mỹ lại bùng nổ ở Trung Quốc, gần nhất là sau cuộc họp ở Alaska. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay đang đứng ở một vị trí hoàn toàn khác: Họ đã có sức mạnh để phản đòn.

Các chuyến thăm ngoại giao của Ngoại trưởng Vương Nghị và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa trong tháng 3 là một hình thức để Trung Quốc phô trương sức mạnh. Tại Trung Đông, ông Vương đã trò chuyện cùng các chủ nhà với tư cách là nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.

Tại Đông Âu và vùng Balkan, ông Ngụy đề xuất tăng cường trao đổi quân sự, khiến các quan sát viên NATO phải lưu tâm. Chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc cũng tạo thêm quyền lực cho Bắc Kinh.

Tại quê nhà, lĩnh vực chế tạo và tiêu dùng của Trung Quốc cũng thể hiện sức mạnh khi gây sức ép lớn cho các công ty may mặc nước ngoài từng chỉ trích chính sách của chính quyền ông Tập ở khu tự trị Tân Cương.

Nikkei: Trung Quốc hết cúi mình, đã có khả năng phản đòn phương Tây - Ảnh 3.

Nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài một cửa hàng H&M ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Tuần trước, người tiêu dùng không thể tìm thấy các sản phẩm của H&M trên các trang web mua sắm của Trung Quốc, nguyên nhân là trước đây hãng thời trang nhanh Thụy Điển này từng tuyên bố sẽ không mua bông của các công ty Trung Quốc có nhà máy ở Tân Cương.

Chiến dịch trấn áp của Bắc Kinh lan sang nhiều nhà bán lẻ quần áo khác như Nike, Adidas, Uniqlo,... vì các hãng này cũng từng cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Hàng chục diễn viên và người nổi tiếng tại Trung Quốc cũng vội vã tham gia chỉ trích, thậm chí hủy hợp đồng với H&M, Nike, Adidas,... Một số cái tên có thể kể đến như nam diễn viên Hoàng Hiên, nữ ca sĩ Tống Thiến, nam diễn viên Vương Nhất Bác, nam diễn viên Trần Vỹ Đình.

Các ngôi sao này đưa ra tuyên bố khẳng định họ không thể dung thứ cho bất kỳ hành động nào hòng "bôi nhọ" Trung Quốc. Những bình luận này gợi nhớ đến khẩu hiểu "Đừng xúc phạm đất nước chúng tôi" mà đám đông sinh viên biểu tình hô vang năm 1999. Trong thời đại thương mại điện tử, đột ngột chặn giao dịch của một nhãn hàng không khác gì biểu tình đường phố trong quá khứ, Nikkei nhấn mạnh.

Nikkei: Trung Quốc hết cúi mình, đã có khả năng phản đòn phương Tây - Ảnh 4.

Bức ảnh do tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) đăng tải sau cuộc gặp của quan chức Mỹ - Trung tại Alaska. (Ảnh: Weibo).

Sau cuộc đấu khẩu ở Alaska, tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) đã đăng tải một bức ảnh ghép, hàm ý Trung Quốc đã hả hê sau khi trả được mối nhục 120 năm. Phần trên bức ảnh ghi lại khung cảnh chính quyền nhà Thanh ký Hiệp ước Tân Sửu (hay Nghị định thư Bắc Kinh) với liên quân 8 nước năm 1901. Phần còn lại là cuộc họp tại Alaska.

Theo Hiệp ước Tân Sửu, sau sự kiện phong trào Nghĩa Hòa Đoàn và liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh, nhà Thanh buộc phải bồi thường khoản chiến phí khổng lồ, cuối cùng đi đến con đường diệt vong. Trung Quốc luôn coi đây là chương nhục nhã nhất trong 5.000 năm lịch sử dựng nước.

Thông điệp của Trung Quốc rất rõ ràng: "Đừng hòng làm nhục chúng tôi thêm lần nữa!" Giờ đây, Trung Quốc và Mỹ đã có thể đứng cùng sàn đấu.

Trong cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh năm 1999, một số sinh viên hét lên: "Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ trở thành cường quốc số một thế giới". Vào thời đó, đây có vẻ là một giấc mộng viển vông; nhưng hiện nay mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay Trung Quốc.

Ở Trung Quốc bây giờ không có biểu tình chống Mỹ, chứng tỏ người dân nước này đang rất tự tin. Vì suy cho cùng, biểu tình trên đường phố chỉ là cách làm của kẻ yếu, là phương sách cuối cùng khi không biết làm gì khác.

Công chúng Trung Quốc ngày nay không cảm thấy cần phải sử dụng một biện pháp yếu thế như vậy. Họ tự tin có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 và tự hào rằng nền kinh tế tỷ dân đang trên đà tăng trưởng trở lại.

Yên Khê