Không chỉ H&M mà cả Louis Vuitton, Gucci, Chanel ... cũng đăng bản đồ đường lưỡi bò
Để làm đẹp lòng giới chức Trung Quốc, các tập đoàn thời trang danh tiếng thế giới đều đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò trên trang web phiên bản tiếng Trung của mình. Ở các trang web chính thức bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, bản đồ đều không có đường lưỡi bò.
Louis Vuitton đăng bản đồ đường lưỡi bò trên trang web tiếng Trung, không có đường lưỡi bò trên trang web tiếng Anh. (Ảnh chụp màn hình).
Việc đăng bản đồ có đường lưỡi bò cho thấy các hãng thời trang đã vì coi trọng lợi nhuận tại thị trường tỷ dân của Trung Quốc mà khinh thường chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Tối 1/4, mạng xã hội Facebook tại Việt Nam xuất hiện thông tin về việc hãng thời trang nhanh H&M của Thụy Điển thêm đường lưỡi bò vào bản đồ khu vực biển Đông để chiều lòng chính quyền Trung Quốc.
"Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" thể hiện yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta.
Việt Nam đã nhiều lần kịch liệt phản đối và bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Theo thông báo chính thức của Cục Quy hoạch và Tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ít ngày trước, bản đồ ban đầu của H&M "có vấn đề" và công ty này đã phải sửa lại theo yêu cầu của chính quyền. Hiện chưa có thông tin chính thức về "vấn đề" mà Cục Quy hoạch nhắc đến là gì.
Các "vấn đề" thường gặp với bản đồ Trung Quốc có thể là thiếu đường lưỡi bò phi pháp ở biển Đông, hoặc không thể hiện đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc hoặc thiếu quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản.
Hiện nay website của H&M đã không còn đăng bản đồ có hình lưỡi bò, công ty này cũng chưa đưa ra bất cứ phản hồi hay bình luận nào xung quanh vụ lùm xùm này, mặc cho làn sóng phẫn nộ và tẩy chay lên cao.
Dân số Trung Quốc lớn hơn Việt Nam 14 lần và sự hiện diện của H&M ở Trung Quốc cũng dày đặc hơn nhiều so với tại nước ta.
Tính đến 28/2/2021, H&M có tổng cộng 4.949 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó tại Trung Quốc là 502, chỉ sau con số 559 tại Mỹ. Tại quê nhà Thụy Điển, H&M có 162 cửa hàng.
Ở Việt Nam, hãng thời trang nhanh này có 11 cửa hàng; 4 ở Hà Nội; 4 ở TP Hồ Chí Minh; Cần Thơ, Hạ Long, Đà Nẵng mỗi địa phương có một. Ngoài ra, H&M còn dự định mở thêm một cửa hàng ở Gia Lâm, Hà Nội vào ngày 21/4 tới.
Thương hiệu thời trang Uniqlo của Nhật Bản cũng nằm trong số các hãng đăng bản đồ có đường lưỡi bò lên website tiếng Trung. Hai nước từ lâu đã tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku.
Vài tuần sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, Uniqlo mở cửa hàng nước ngoài đầu tiên tại London, Anh. Sang năm 2002, hãng bắt đầu hiện diện tại Trung Quốc bằng cửa hàng mới ở thành phố Thượng Hải.
Năm 2015, Uniqlo có 387 cửa hàng tại đất nước tỷ dân. Ngày 10/10/2020, số cửa hàng đã vọt lên thành 767, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đó và lớn hơn con số 764 cửa hàng trực tiếp quản lý ở quê nhà Nhật Bản.
Trả lời hãng tin Nikkei, tỷ phú Tadashi Yanai – Chủ tịch HĐQT Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) nói: "Thị trường Trung Quốc có tới 1,3 tỷ dân nên tôi nghĩ có thể nâng số cửa hàng ở đây lên khoảng 3.000".