Trước làn sóng tẩy chay, H&M đã kinh doanh ra sao tại thị trường Việt Nam?
H&M Hennes & Mauritz AB hay H&M là một công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia đến từ Thụy Điển, nổi tiếng với rất nhiều mặt hàng thời trang dành cho nam và nữ từ trẻ em đến độ tuổi trưởng thành.
Việt Nam là thị trường thứ 68 của H&M trên toàn cầu. Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ngày 9/9/2017 tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) thu hút rất nhiều người đến xếp hàng, mua sắm.
Chỉ hai tháng sau đó, cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam và đầu tiên tại thủ đô Hà Nội được đặt tại Trung Tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (quận Thanh Xuân) khai trương ngày 11/11/2017.
Theo thông tin chúng tôi có được, trong năm đầu kinh doanh tại Việt Nam, doanh thu của H&M đạt 227 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 152 tỷ đồng. Trong khi, lợi nhuận thuần thu được khoảng 10 tỷ đồng. Doanh thu của H&M tăng trưởng đều trong hai năm sau đó và đạt 1.116 tỷ đồng trong năm 2019. Biên lợi nhuận thuần năm 2019 của H&M đạt xấp xỉ 4,7% với lợi nhuận gần 57 tỷ đồng.
Hiện H&M có 11 cửa hàng tại 5 tỉnh và thành phố của Việt Nam, bao gồm: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hạ Long, Hà Nội và TP HCM.
Vào cuối tháng 3, hãng thời trang H&M phải đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội đến từ thị trường Trung Quốc khi H&M quyết định ngừng nhập bông vải Tân Cương, đẩy hàng loạt cửa hàng của thương hiệu này tại quốc gia tỷ dân vào cảnh phải đóng cửa.
Vụ việc vừa tạm lắng xuống thì thông tin H&M chấp nhận đăng hình ảnh bản đồ "lưỡi bò" của Trung Quốc lại làm dấy lên đợt tẩy chay tiếp theo từ thị trường Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu H&M đón nhận làn sóng tẩy chay dữ dội đến vậy. Vào năm 2018, H&M từng phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Nam Phi do làn sóng biểu tình phản đối.
Khi đó, H&M đã tung ra một bức hình quảng cáo chiếc áo nỉ chui đầu có dòng chữ "Coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: chú khỉ ngầu nhất rừng xanh) do một bé trai da đen mặc. Điều này đã khiến nhiều người da đen phẫn nộ và lên án hành vi phân biệt chủng tộc của H&M.
Cũng trong năm 2018, số lượng hàng tồn kho của H&M đã có lúc lên tới hơn 4 tỷ USD do không bán được hàng. Thậm chí, đã có lúc hàng tồn của H&M được đem đi từ thiện hoặc... đốt lò.
Năm 2020 lại càng không mấy suôn sẻ bởi tác động cực kỳ lớn của đại dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu và H&M cũng không năm ngoài ngoại lệ. Hàng trăm cửa hàng của hãng thời trang Thuỵ Điển này đã buộc phải đóng cửa.
Theo tờ Market Watch, đến hết ngày 28/2, H&M báo lỗ ròng 122,4 triệu USD. Doanh số bán hàng giảm 27% xuống 4,5 tỷ USD và hãng cho biết khoảng 1.500 cửa hàng vẫn phải tạm thời đóng cửa, chiếm 30% tổng số cửa hàng.